Xóa bỏ hay đổi mới phương pháp đào tạo trường chuyên như thế nào cho phù hợp? Về vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với ông Lê Quán Tần, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, nguyên Chánh Thanh tra Bộ GDĐT.
PV: Với quy mô hệ thống trường THPT chuyên hiện nay, ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả trong đào tạo của hệ thống này?
Ông Lê Quán Tần: Theo quy định tại Điều 62 Luật Giáo dục 2019, sứ mệnh của trường chuyên là tạo chất lượng mũi nhọn trong giáo dục trung học. Ra đời từ những lớp “Toán đặc biệt” ở các tỉnh miền Bắc vào đầu học kỳ 2 năm học 1964-1965, dành cho học sinh lớp 8/10, đến nay, đã gần 60 năm trôi qua, hệ chuyên và sau đó là trường chuyên phát triển liên tục. Từ một môn Toán chuyên, đã mở rộng dần ra các môn học khác và thành hệ thống trường THPT chuyên như ngày nay.
Phải khẳng định rằng, những gì mà hệ thống trường THPT chuyên đã đạt được là rất đáng tự hào. Theo dõi kết quả phát triển của đội ngũ học sinh trường THPT chuyên trong mấy chục năm qua cho thấy, sau khi học lên cao hơn và cống hiến cho xã hội trên các lĩnh vực, đại đa số các em đều thành đạt… Điều đó là minh chứng khó có thể bác bỏ.
Tuy nhiên, qua hơn 10 năm đảm nhiệm công tác quản lý giáo dục ở các cơ quan thuộc Bộ GDĐT (1998-2009), tôi cũng đã thấy rõ, so với mục tiêu đề ra, bức tranh hiệu quả của các trường THPT chuyên của nước ta không phải chỉ có màu sáng. Vẫn còn nhiều trường chuyên, tuy được ưu tiên đầu tư cả nhân lực và cơ sở vật chất khá tốt nhưng chất lượng giáo dục chưa tương xứng.
Trước thực trạng đó, xuất hiện nhiều ý kiến đánh giá về hiệu quả của trường chuyên trái ngược nhau, khen có và chê cũng có. Các ý kiến đều viện dẫn những minh chứng cần thiết. Xét một cách khách quan, các ý kiến phủ nhận thành tựu của trường chuyên, tôi thấy nhiều ý kiến có lỹ lẽ khá xác đáng. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến này thường đặt ra mục tiêu quá cao hoặc quá kỳ vọng mà không đặt hệ thống trường THPT chuyên trong bối cảnh chung của nền giáo dục phổ thông nước ta.
Tuy còn có nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết, nhưng không thể chấp nhận ý kiến cho rằng: “Cần xóa bỏ hệ thống trường THPT chuyên”.
Áp lực tuyển sinh đang là một trong những bất cập của trường chuyên. Tình trạng nhiều phụ huynh đua nhau cho con vào trường chuyên, tạo ra áp lực lớn cho học sinh, kéo theo định hướng phát triển trường chuyên của nhiều địa phương là luyện thi, luyện “gà nòi”. Theo ông, trường chuyên nên nhận thức vấn đề này như thế nào?
- Như tôi đã nói ở trên, những thành tựu đạt được của hệ thống trường THPT chuyên trong gần 60 năm qua là không thể phủ nhận và những yếu kém mà nó bộc lộ cũng là một thực tế rất đáng quan tâm. Giải pháp tối ưu hiện nay là kiện toàn các cơ sở hiện có, duy trì và phát triển hệ thống THPT chuyên một cách hợp lý, tránh phát triển tràn lan, vượt quá khả năng bảo đảm chất lượng.
Vậy trong tương lai, mô hình trường chuyên cần thay đổi như thế nào để tránh tình trạng chạy theo thành tích, thưa ông?
- Mô hình tương lai của trường THPT chuyên, theo tôi chính là trường chất lượng cao, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, đồng thời bảo đảm ưu tiên cho môn học/nhóm môn học chuyên để bồi dưỡng năng khiếu nhằm liên thông với giáo dục đại học để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước.
Để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường THPT chuyên hiện nay, trong khâu tuyển sinh cần thu hút cho được những học sinh thực sự có năng khiếu theo từng môn học/nhóm môn học và đồng thời có ý chí vươn lên mạnh mẽ “học thành tài để lập thân, lập nghiệp”. Nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách kiện toàn đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất và mở rộng hợp tác quốc tế với các cơ sở giáo dục ở các nước có nền giáo dục phát triển. Hướng nghiệp cho học sinh lựa chọn ngành nghề học lên sau khi tốt nghiệp phù hợp với năng khiếu, sở trường và nguyện vọng của bản thân. Bên cạnh đó, cần có cơ chế huy động nguồn đóng góp hợp lý của gia đình học sinh kết hợp với đầu tư của Nhà nước để bảo đảm chi phí đào tạo tối thiểu cho các nhu cầu ngày càng đa dạng của trường THPT chuyên.
Để khắc phục tình trạng trì trệ, cần định ra cơ chế chuyển những trường THPT chuyên chậm tiến bộ kéo dài thành trường không chuyên và mở các lớp chuyên ở trường THPT chất lượng cao khác.
Về kiện toàn hệ thống trường THPT chuyên, cần cho phép các cơ sở giáo dục đại học lập các trường THPT chuyên để tạo nguồn tuyển sinh cho một số ngành nghề đặc thù đòi hỏi chất lượng đầu vào cao như kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan cũng như một số nước khác.
Việc kiện toàn và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường THPT để phát huy hiệu quả đầu tư là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài. Kết quả thực hiện sẽ tùy thuộc vào sự vận động tự thân của mỗi trường và hiệu lực chỉ đạo của các cơ quan quản lý.
Có thể khẳng định chắc chắn rằng, về lâu dài trong quá trình vận động phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân nước ta, trường THPT chuyên sẽ là bộ phận tiên phong thuộc “top” các trường THPT chất lượng cao.
Với đà phát triển của nền giáo dục quốc dân trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, “top” trường THPT chất lượng cao sẽ ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng và đến lúc nào đó sẽ thu hẹp dần khoảng cách giữa trường chuyên và trường chất lượng cao.
Trân trọng cảm ơn ông!