Trong tháng 7 này, Hà Nội đang thực hiện tuyển sinh đầu cấp. Căng thẳng về trường học thể hiện rõ ở các khu vực đông dân cư, các khu đô thị (KĐT) mới. Câu chuyện quá tải trường lớp tại Thủ đô không cũ, nhưng luôn “nóng” vào dịp đầu năm học mới. Đã có những giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng trên, nhưng trên thực tế việc triển khai rất chậm.
Trong tháng 7 này, Hà Nội đang thực hiện tuyển sinh đầu cấp. Căng thẳng về trường học thể hiện rõ ở các khu vực đông dân cư, các khu đô thị (KĐT) mới. Câu chuyện quá tải trường lớp tại Thủ đô không cũ, nhưng luôn “nóng” vào dịp đầu năm học mới. Đã có những giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng trên, nhưng trên thực tế việc triển khai rất chậm.
Quá tải trường lớp tại Hà Nội luôn là vấn đề nóng. Ảnh: Ngọc Thắng.
Xây khu đô thị chưa xây trường
Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội vừa có Báo cáo số về kết quả giám sát việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập và việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2016 đến nay.
Theo đó, hiện nay, trên địa bàn TP có 2.711 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT với 65.818 phòng học, 57.837 nhóm lớp, 1.955.038 học sinh, bình quân 34 học sinh/lớp; trong đó, công lập có 2.183 trường với 43.214 nhóm lớp, 1.694.461 học sinh, bình quân 39 học sinh/lớp.
Đoàn giám sát cũng cho hay, vẫn còn tồn tại phòng học nhờ, học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp ở một số huyện, nhất là cấp học mầm non. Trong đó, có 22% số trường công lập chưa có công trình vệ sinh đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn quy định.
Số lớp/trường, số học sinh/lớp ở một số phường, quận còn cao dẫn đến diện tích đất/học sinh thấp, không đảm bảo tiêu chuẩn diện tích tối thiểu theo quy định. Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở khu vực ngoại thành nhiều nơi còn thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi; giáo dục phổ thông còn thiếu phòng học bộ môn, phòng thực hành, thí nghiệm, nhà thể chất…
Một vấn đề nóng được đặt ra lâu nay nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để là: Tình trạng xây dựng trường học tại các KĐT trên địa bàn TP còn chậm cũng được Đoàn giám sát chỉ rõ. Cụ thể, hiện có nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông, nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đảm bảo đồng bộ, chậm xây dựng công trình trường học, nhà trẻ so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.
Một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các KĐT mới, đặc biệt là khu vực các quận trung tâm đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu tư thứ cấp này chậm triển khai nhưng các chủ dự án không đôn đốc kịp thời theo tiến độ.
Đơn cử như tại KĐT mới Pháp Vân - Tứ Hiệp quy hoạch 6 lô đất xây dựng trường học, gồm 3 lô đất xây dựng trường mầm non, 1 lô đất trường tiểu học, 1 lô đất trường THCS, 1 lô đất trường THPT, trong đó có 1 lô đất đã hoàn thành xây dựng trường mầm non, 1 lô đất đang thực hiện chuẩn bị đầu tư xây dựng trường tiểu học. Lô đất xây dựng trường THPT vướng nghĩa trang thôn Văn Điển.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng (HUD) đang tiến hành thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở quy hoạch phân khu được duyệt, 2 lô đất trường mầm non và 1 lô đất trường THCS, HUD đã chuyển nhượng hạ tầng cho các nhà đầu tư thứ phát để xây dựng công trình. Tuy nhiên, đến nay các nhà đầu tư chưa xây dựng.
Tại quận Hoàng Mai, KĐT Tây Nam hồ Linh Đàm quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng. Còn 5 ô đất quy hoạch xây dựng trường học, HUD đã chuyển nhượng hạ tầng 2 ô đất (NT1 và TH1) cho nhà đầu tư thứ phát nhưng chưa xây dựng công trình; 2 ô đất (NT2, HT2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đất (TH4) đang vướng mắc, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Tại quận Long Biên, KĐT mới Việt Hưng, HUD đã chuyển giao 5 lô đất trường học cho các nhà đầu tư cấp 2, nhưng đến nay chỉ có 1 công trình trường học đã hoàn thành xây dựng.
Quyết liệt xử lý
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp tiểu học TP Hà Nội, bà Hoàng Thị Minh Hương - Phó Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GDĐT Hà Nội) nhận định, một trong những vấn đề còn tồn tại của năm học 2017-2018 ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố là qui mô trường, lớp quá đông. Do đó, nội dung chính được bàn đến tại Hội nghị là việc tiếp tục mở rộng mạng lưới trường lớp để giải quyết tình trạng quá tải ở cấp tiểu học. Nay, năm học 2019-2020 đã sắp bắt đầu nhưng tình trạng này vẫn chưa thay đổi được là bao.
Đặc biệt, từ năm 2020-2021 khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc ưu tiên để học sinh học 2 buổi 1 ngày và lưu ý về số lượng học sinh không vượt quá 35 em/lớp theo Điều lệ trường tiểu học do Bộ GDĐT ban hành đang là một thách thức với ngành giáo dục thủ đô nói riêng và các địa phương nói chung.
Trước đó, theo Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về “Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030” thì mỗi xã, phường, thị trấn, KĐT mới phải có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường THCS công lập. Tuy nhiên, từ kết quả khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội có thể thấy nhiều KĐT đều thiếu trường trầm trọng, gây áp lực cho các trường học công hiện có tại khu dân cư.
Theo kiến nghị của Ban Văn hóa-Xã hội, UBND TP tiếp tục quan tâm chỉ đạo, rà soát việc thực hiện các dự án xây dựng trường học trong các KĐT mới, các khu di dân tái định cư nhằm đảm bảo chỗ học cho học sinh các cấp; ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô.
Chỉ đạo Sở GDĐT phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét, có phương án giải quyết theo quy định để đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, mua sắm nhỏ lẻ, không để xảy ra tình trạng xuống cấp kéo dài ở các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn TP; hỗ trợ kinh phí để giải phóng mặt bằng, thu gom điểm lẻ đối với các trường mầm non, mở rộng đối với các trường còn thiếu diện tích; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; đầu tư kinh phí xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Chỉ đạo thu hồi các dự án xây dựng trường học trong các KĐT đối với nhà đầu tư cố tình trì hoãn, chậm trễ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và bàn giao cho UBND quận, huyện để thực hiện các phương án xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS công lập; cân đối hợp lý việc xây dựng trường công và trường tư thục tại các dự án KĐT, đặc biệt tại các quận đang thiếu trường, lớp học.
*Hiện nay, Hà Nội có 2.711 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT với 65.818 phòng học, 57.837 nhóm lớp, 1.955.038 học sinh, bình quân 34 học sinh/lớp; trong đó, công lập có 2.183 trường với 43.214 nhóm lớp, 1.694.461 học sinh, bình quân 39 học sinh/lớp. Vẫn còn tồn tại phòng học nhờ, học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp ở một số huyện, nhất là cấp học mầm non. Trong đó, có 22% số trường công lập chưa có công trình vệ sinh đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn quy định.