Mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc đang là vấn đề thú vị đối với giáo dục. Để xây dựng được trường học hạnh phúc, vai trò của người thầy rất quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) chia sẻ về vấn đề này.
Mỗi giáo viên phải là một nhà tâm lý
Ông Hòa cho biết: Tôi là một giáo viên Vật Lý, làm đề tài thạc sĩ, tiến sĩ cũng về Vật lý, nhưng 15 năm nay tôi lại cảm giác như mình đã trở thành một nhà tâm lý chứ không đơn thuần chỉ là một giáo viên Vật lý nữa. Bắt đầu từ chỗ xây dựng trường tư. Tôi xây dựng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm 27 năm rồi, nhưng 13-15 đầu nó cứ dật dờ, chỉ trên dưới 1.000 học sinh thôi, không nổi được bằng trường Lương Thế Vinh của ông Văn Như Cương, trường Merie Curie của ông Nguyễn Xuân Khang đâu, mỗi ngày cứ phải chắt lọc từng học sinh đến một. Mỗi năm, tiểu học tôi tuyển được vài chục em, THCS được trên dưới 200 em, THPT cũng thế, cứ đi ăn đong mãi, chẳng thấy hơn.
Chúng tôi cũng thử đi theo con đường học vấn, luyện thi xem có được không nhưng cũng không ổn. Không thể chạy theo con đường học vấn như ông Văn Như Cương được, cũng không đi theo con đường luyện thi học sinh chuyên như ông Nguyễn Xuân Khang được… Loay hoay mãi rồi tôi nhận ra rằng mình phải thay đổi, tìm ra con đường đi riêng. Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất là dạy học sinh làm người, bên cạnh việc học chữ.
Học sinh trường tư thì cha mẹ hay “soi ”, nhiều khi có bức xúc chẳng nói với giáo viên đâu chạy lên thẳng lên nói với hiệu trưởng. Khi đó tôi là hiệu trưởng, hàng ngày tôi phải giải quyết đủ thứ chuyện, từ chuyện học sinh đánh nhau, chuyện học hành, chuyện áp lực, chuyện con tôi mắt kém người to đùng nhưng cứ đòi cho con tôi ngồi lên bàn đầu. Hay là có phụ huynh đứng từ cổng trường chửi giáo viên nào dạy con mình không thấy giỏi, đập cổng phi thẳng lên phòng… Tôi cũng xử lý hết. Nhưng xong rồi tôi lại nghĩ rằng, với hàng nghìn học sinh, nếu ai cũng vậy làm sao mà xử lý hết được, làm thế nào để cho mỗi giáo viên cũng phải làm được như mình. Và nếu mình mà là nhà tâm lý, thì mỗi thầy cô giáo phải là một nhà thực nghiệm tâm lý để người ta có thể xử lý vụ việc ngay từ dưới lớp người ta. Từ học sinh người ta, từ cha mẹ học sinh người ta thì mình mới có thời gian để lo cho sự phát triển.
Thế rồi tình cờ tôi xem một chương trình có bà tiến sĩ nói về giá trị sống, tôi thấy hay quá. Phụ huynh của tôi là cô Trần Lệ Thu, phụ huynh lớp 1 có biết về chương trình này và mời vị tiến sĩ kia đến trường tôi dạy một lớp giá trị sống. Tôi cắp sách đi học. Học xong thấy bừng tỉnh ra, con người của mình bây giờ phải thay đổi. Nếu cứ giữ cách nghĩ cổ thì không được. Thế là bắt đầu chúng tôi thay đổi. Tất cả giáo viên trường tôi đều học giá trị sống, và các thầy cô thay đổi. Khi các thầy cô thay đổi thì học sinh được hạnh phúc, được vui vẻ, cha mẹ học sinh cũng không còn phải gặp thầy Hòa mấy nữa. Chủ yếu giải quyết từ phía dưới rồi.
Có nghĩa là giá trị sống, kỹ năng sống của các thầy cô đã thay đổi hoàn toàn. Và làm cho trường Nguyễn Bỉnh Khiêm lên một tầm cao mới. Tích cực phát triển chương trình, các giờ học của giáo viên cũng dần thay đổi. Tôi làm cố vấn cho chương trình đó, nhân lên thành các buổi tư vấn từ xa về trường học hạnh phúc. Trường học hạnh phúc là phải thực sự hạnh phúc, đúng với tư tưởng giáo dục của Đảng. Đào tạo học sinh làm người thì các em phải được hạnh phúc, phải được học lẽ sống.
Vì sự phát triển con người
Vẫn theo ông Hòa: Quá trình 15 năm thực hiện mô hình mới, tôi nhận thấy rằng mình đã đi một con đường tử tế, là con đường học vấn, con đường giáo dục. Tôi đi vào con đường thầy cô giáo chúng ta thay đổi. Và chúng ta thay đổi tất cả vì mục tiêu giáo dục, từ đó thay đổi cách ứng xử giữa con người với con người, từ đó thay đổi quan niệm về phương pháp dạy học. Cuối cùng thì thay đổi cả các bố các mẹ trên cơ sở của giá trị sống, của tâm lý học, trên cơ sở của sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự khác biệt, của sự lắng nghe, của sự chia sẻ, của sự chung tay…
Muốn thực hiện được, từng trường, từ các thầy cô hiệu trưởng phải thay đổi và thay đổi về mục tiêu giáo dục. Chúng ta phải chuyển nền giáo dục từ chủ yếu cung cấp kiến thức sang nền giáo dục vì sự phát triển của con người. Thời đại để cho học sinh có một bồ kiến thức đã qua lâu rồi. Bây giờ phải trở thành con người năng động sáng tạo. Nếu thầy cô trước đây là quyền uy là dạy dỗ, bây giờ sẽ trở thành người bạn, người đi trước, người dẫn đường, người chia sẻ, đặc biệt là người truyền cảm hứng cho học sinh. Trẻ con ở thời đại này học và hiểu nhanh lắm, các em rất giỏi, rất thông minh. Nếu được phát huy đúng chỗ, đúng cách, nếu kích thích được đúng những điều mạnh, các em đều giỏi giang và tài năng cả. Giờ học trường học hạnh phúc ở trường tôi, các thầy cô tự cho học sinh tổ chức, tìm hiểu, các em làm hay hơn thầy cô giảng giải nhiều.
Năm nay trường tôi tuyển hơn 600 học sinh lớp 10, hơn 200 học sinh lớp 6, học sinh vào đến trường là cảm nhận được đây đúng là trường học hạnh phúc. Nhiều người khi họp cha mẹ học sinh lớp 10 bảo, ngày xưa thì bố mẹ đùn đẩy nhau đi họp phụ huynh, bây giờ thì tranh nhau đi họp. Thậm chí cả ông bà cùng đi, kéo cả nhà đi họp. Đi họp cha mẹ học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là ngày hội. Chính các học sinh cũng nói rằng con đến đây và chưa từng bao giờ bị áp lực về học hành. Và tôi cho rằng đấy là kết quả của đổi thay giáo dục. Tôi tự hào vì tôi là nhà tâm lý giáo dục. Bằng con đường tâm lý giáo dục, tôi đã đưa trường Nguyễn Bỉnh Khiêm từ chỗ không tên tuổi trở thành một trường chất lượng cao của thành phố. Bây giờ trở thành trường học hạnh phúc, Hà Nội biết tiếng, toàn quốc biết tiếng.
Tôi có nói trong một Hội nghị về giáo dục ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cách đây 1 năm rằng là: Trường sư phạm không phải đào tạo các giáo viên. Trường sư phạm phải đào tạo ra những nhà giáo dục.
“Trước đây nhìn trường của các thầy như trường thầy Khang, trường thầy Cương tôi từng ước không biết bao giờ thì mình đạt được đến như vậy. Nhưng sau 15 năm đi con đường tâm lý học giáo dục giá trị sống, con đường xây dựng trường học hạnh phúc, tôi rất tự hào. Nhiều năm nay học sinh đỗ tốt nghiệp lớp 12 của trường tôi đạt 100%, và tôi có 600 học sinh thi lớp 12. Nhưng năm nay trung bình môn Toán đạt 7,63 và trung bình môn Văn là 7,39 điểm. Các môn đều vượt chỉ tiêu của sở, của thành phố cả”, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết.