Vấn đề tự chủ, trao quyền cho các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đã được đề cập trong Luật Giáo dục ĐH sửa đổi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tự chủ không có nghĩa là buông lỏng quản lý, để trường tự xác định mức điểm sàn tuyển sinh quá thấp hoặc cấp phép văn bằng trái quy định pháp luật. Cần tăng cường hậu kiểm, thực hiện kiểm định chất lượng với các trường và công khai xử lý nghiêm sai phạm để “làm gương”.
Không được lơ là hậu kiểm trong quá trình tự chủ ĐH.
Công khai và chịu trách nhiệm giải trình về điểm sàn
Mùa tuyển sinh 2019 đã ghi nhận những nghịch lý khi phổ điểm trung bình các môn thi cao hơn năm 2018 song điểm sàn xét tuyển (ngưỡng đảm bảo chất lượng) của một số trường ĐH lại thấp hơn cả năm 2018, có thể nói là ở mức “chạm đáy” hơn 3 điểm 1 môn đã đỗ ĐH. Nhìn nhận tình trạng này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, cách làm “an toàn” này của các trường rõ ràng có nguy cơ làm cho chất lượng đào tạo giáo dục ĐH giảm sút khi lấy điểm đầu vào chỉ bằng hệ cao đẳng (CĐ), trung cấp. Bên cạnh đó sẽ làm cạn kiệt nguồn tuyển cho các trường CĐ vì trường ĐH đã “vơ vét” hết thí sinh thì các trường CĐ sẽ vô cùng khó khăn trong việc tìm thí sinh. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ sẽ vì thế mà gia tăng khó kiểm soát.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đại Đoàn Kết về việc mặc dù các trường xét tuyển điểm sàn thấp nhưng điểm trúng tuyển có thể cao hơn nhiều, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, đúng là các trường có quyền tự chủ tuyển sinh nhưng việc đưa ra mức điểm sàn “dưới chuẩn” như vậy là không nên vì sẽ gây nhiễu cho người học. Vì vậy, quyết định thanh tra kịp thời các cơ sở giáo dục ĐH này của Bộ GDĐT nhận được sự đồng tình của dư luận. Kết quả ra sao sẽ còn phải chờ kết luận của Bộ GDĐT nhưng có thể coi đây là lời cảnh báo nghiêm túc đối với các cơ sở giáo dục ĐH về trách nhiệm giải trình mọi hoạt động, trong đó có tuyển sinh đối với xã hội, người học.
“Tự chủ là quyền của các trường, pháp luật đã công nhận điều đó và cá nhân tôi cũng ủng hộ điều này. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần đẩy mạnh khâu hậu kiểm để không “thả nổi” chất lượng đào tạo bởi nếu chỉ trông chờ vào đầu ra của nhà trường sẽ được xã hội, doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng đánh giá thì không thể được. Bởi báo cáo từ phía nhà trường về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, hầu như trường nào thấp cũng trên 80%, rất khó nói chính xác hay không”- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông Nhĩ cũng lưu ý hiện nay trách nhiệm hậu kiểm trước mắt chỉ có thể đặt lên vai Bộ GDĐT, hậu kiểm khâu tuyển sinh và hậu kiểm quá trình đào tạo. Khi các trường thực hiện kiểm định chất lượng đầy đủ, công khai thông tin tuyển sinh, chất lượng đào tạo... thì lúc đó vai trò của Bộ GDĐT mới giảm bớt.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, quyền tự xác định điểm sàn không đồng nghĩa với việc các trường có quyền xác định điểm sàn thấp mà là các trường phải tự xác định, tự khẳng định vị thế, phân khúc chất lượng của mình, phải xây dựng chính sách chất lượng của trường mình và chịu trách nhiệm giải trình.
Đối với các phương thức tuyển sinh khác (kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng điểm học bạ...), quy chế tuyển sinh quy định chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào phải được ghi trong đề án tuyển sinh và phải công khai trên cổng thông tin tuyển sinh của trường. Đối với ngành được quy định phải có điểm sàn, nếu sử dụng hình thức xét tuyển kết hợp, có sử dụng 1 hoặc 2 điểm thi THPT quốc gia thì sàn của điểm thi đó là mức trung bình cộng của điểm sàn chung đối với mỗi môn. Như vậy, hầu hết phương thức xét tuyển đều có quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng phương thức.
Những khó khăn
Để có những sản phẩm đầu ra chất lượng không thể chỉ trông chờ vào trách nhiệm của nhà trường đối với người học, xã hội mà cần đẩy mạnh khâu hậu kiểm, thanh kiểm tra giám sát từ phía Bộ GDĐT, các cơ quan chức năng và cả xã hội.
Vụ việc Trường ĐH Đông Đô sai phạm khi nhiều phòng tuyển sinh của trường này đã nhận hồ sơ tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh mặc dù trên thực tế ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo bằng ĐH văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Bởi việc này diễn ra từ năm 2016 đến nay với hàng trăm học viên đã tốt nghiệp, được cấp văn bằng 2 tiếng Anh nhưng không bị phát hiện, xử lý. Như vậy, trách nhiệm của Bộ GDĐT đang ở đâu?
Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) lý giải, theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình. Bộ GDĐT với chức năng quản lý nhà nước về GDĐT định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục ĐH phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ. Trong vụ việc ở Trường ĐH Đông Đô, Bộ GDĐT cung ứng phôi bằng cho trường. Việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát bằng là trách nhiệm của trường.
Mặc dù đã có quy định cụ thể về việc hằng năm, các cơ sở giáo dục ĐH phải báo cáo Bộ GDĐT tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của năm có người học được cấp văn bằng, chứng chỉ; số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học so với chỉ tiêu của năm đã được thông báo; số lượng người học đã tốt nghiệp so với số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã in; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã sử dụng... nhưng từ vụ việc ở ĐH Đông Đô cho thấy, việc đề ra quy định nhưng không có thanh tra, kiểm tra thì khó lòng đảm bảo được việc thực hiện của các trường có đúng như cam kết hay không. Đơn cử như quy định các trường phải công bố công khai thông tin quá trình thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, in, quản lý văn bằng, chứng chỉ, thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị nhưng nhiều trường ĐH không thực hiện nghiêm túc việc này. Những người quan tâm không thể tìm thấy thông tin này trên website của đơn vị hoặc nếu có thông tin cũng rất sơ sài, không đầy đủ, chưa nói đến tính chính xác hay không.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế muốn thanh kiểm tra, muốn thực hiện tốt khâu hậu kiểm thì vấn đề nhân lực của Bộ GDĐT đang là một thách thức lớn. Như thừa nhận của một lãnh đạo Bộ, hiện nay nhân lực của Bộ không đủ để hậu kiểm tất cả các trường. Mỗi năm chỉ kiểm tra khhoảng 20/400 cơ sở đào tạo. Tỉ lệ 5% các trường được hậu kiểm mỗi năm thực sự là... muối bỏ bể, khó đảm bảo cam kết về chất lượng của các trường khi thiếu người kiểm tra, đánh giá cũng là điều có thể lý giải được.
Siết hậu kiểm - bài toán đã và đang đặt ra riết róng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH hiện nay đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng ngành giáo dục, cụ thể là Bộ GDĐT với nhân lực mỏng, rất khó khăn mà còn từ phía các cấp quản lý, các cơ quan chức năng trong việc kiểm định chất lượng của các trường từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... Nếu không làm tốt khâu hậu kiểm thì việc “siết đầu ra” trong bối cảnh đầu vào thoáng như hiện nay sẽ là một kỳ vọng quá khó thực hiện!