Theo thông tin mới nhất của Sở GDĐT Hà Nội, lịch tuyển sinh đầu cấp năm học 2019-2020 (lớp 1, lớp 6) sẽ có nhiều đổi mới. Đặc biệt đối với các trường THCS được UBND thành phố công nhận trường chất lượng cao (CLC) tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu, sẽ thực hiện tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực.
Lịch tuyển sinh đầu cấp năm học 2019-2020 sẽ có nhiều đổi mới.
Tăng quyền tự chủ trong tuyển sinh
Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho hay, năm học 2019-2020 phương thức tuyển sinh vẫn giữ ổn định là xét tuyển như các năm trước. Tuy nhiên, với các trường ngoài công lập, thời gian tuyển sinh được triển khai sớm hơn, bắt đầu từ ngày 26/5. Ông Phạm Văn Đại- Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội thông tin: Như vậy, Sở GDĐT đã tạo điều kiện để việc giao quyền tự chủ cho các trường ngoài công lập trong công tác tuyển sinh, đồng thời phát huy, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Theo kế hoạch tuyển sinh năm học tới, các trường ngoài công lập được tuyển sinh sớm hơn một tháng so với các trường công lập. Việc kéo dài thời gian tuyển sinh nhằm tạo thuận lợi cho các nhà trường, đồng thời giúp cha mẹ học sinh có thêm thời gian cân nhắc, lựa chọn nguyện vọng học tập cho con. Ngoài ra, trong trường hợp có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển nhiều hơn so với chỉ tiêu, các trường được lựa chọn một trong hai phương thức tuyển sinh: Xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Thời gian tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra, đánh giá năng lực do các trường lựa chọn, song phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/6.
Được biết, ngay sau khi có quy định của Sở, một số trường ngoài công lập đã công bố kế hoạch tuyển sinh năm học 2019-2020. Ông Nguyễn Quang Tùng- Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Q. Nam Từ Liêm) cho biết: Năm học 2019-2020, nhà trường dự kiến tuyển 300 học sinh vào lớp 6, với hai phương thức: Tuyển thẳng (với những học sinh đoạt giải một số kỳ thi theo quy định) và tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực thông qua 3 bài thi: Tiếng Anh, toán và tiếng Việt. Các bài kiểm tra được thực hiện theo hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm. Thời gian phát hành hồ sơ tuyển sinh từ ngày 10/3.
Trước những băn khoăn của dư luận về những bất cập trong tuyển sinh của các trường ngoài công lập lâu nay, liệu có hiện tượng các trường tuyển sinh sớm hơn so với kế hoạch? Ông Phạm Văn Đại khẳng định: Các trường ngoài công lập chỉ được thông báo sớm về kế hoạch tuyển sinh để học sinh tìm hiểu, nghiên cứu trước khi đăng ký dự tuyển, tuyệt đối không được tổ chức tuyển sinh trước ngày 26/5 với bất kỳ hình thức nào. Sở GDĐT Hà Nội sẽ nghiêm khắc xử lý các trường hợp cố tình gây khó khăn để không cho học sinh rút hồ sơ trong năm học 2019-2020. Điều này nhằm bảo đảm sự công bằng trong công tác tuyển sinh giữa các nhà trường và quyền lợi học tập của mọi học sinh.
Thế nào là trường chất lượng cao?
Một điều đáng lưu ý, trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) không quy định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chất lượng cao (CLC) công lập để bảo đảm thực hiện các điều kiện cho giáo dục đại trà và bồi dưỡng tài năng, tạo môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong hệ thống cơ sở giáo dục công lập. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ là địa phương duy nhất áp dụng mô hình này vì căn cứ Luật Thủ đô ban hành năm 2010.
Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội năm học 2019-2020 sẽ có nhiều đổi mới.
Tính đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện đề án trường CLC, Hà Nội hiện có khoảng 17 trường từ mầm non đến THPT đang triển khai mô hình này. Hà Nội cho phép có thể thu học phí lên tới 5,3 triệu đồng/ tháng vào năm 2019 đối với các trường CLC. Tuy nhiên, trên thực tế những bất cập xung quanh trường CLC cũng đã được chỉ ra.
Trước đó, đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, ông Trịnh Ngọc Thạch- nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã bày tỏ quan điểm: Muốn đưa vào Luật Giáo dục để áp dụng trên cả nước thì trước hết phải làm rõ CLC là như thế nào, và phải có tiêu chí của Chính phủ chứ không thể nói chung chung được.
Trong khi hiện nay các trường CLC của Thủ đô được đầu tư khá hiện đại. Trong số 17 trường CLC, có 12 trường CLC là trường công lập và 5 trường ngoài công lập. Các trường CLC thực hiện đề án CLC được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu khang trang, hiện đại theo tiêu chí cơ sở giáo dục công lập CLC. Mỗi lớp chỉ bố trí tối đa 30 học sinh. Cơ sở giáo dục công lập CLC được ngân sách cấp kinh phí trong vòng 3 năm kể từ khi được công nhận theo lộ trình giảm dần. Kết thúc giai đoạn 3 năm, các trường phải tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên.
Dẫu thế, theo phản ánh của các trường CLC, họ được tự chủ tài chính nhưng không được tự chủ về giáo viên; không được tuyển đầu vào mà thông thường các trường này được tuyển sinh trên toàn địa bàn. Do đó, có trường “nếm trái đắng” khi phải tiếp nhận cả trẻ tự kỷ…
Còn ở phía người học, góc nhìn về trường CLC cũng rất thiết thực. Đơn cử như mùa tuyển sinh 2018-2019, nhiều phụ huynh Trường THCS Thanh Xuân (Q. Thanh Xuân) ngỡ ngàng, thậm chí bất bình khi chưa rõ trường đã được phê duyệt theo mô hình CLC hay chưa nhưng đã thu học phí CLC. Tìm hiểu được biết, Trường THCS Thanh Xuân được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017 với mục tiêu xây dựng thành trường CLC. Tuy nhiên, trong quá trình còn đang xem xét, kiểm định và chưa có quyết định công nhận thành trường CLC thì năm học 2018-2019 trường đã thông báo các khoản thu dành cho chương trình CLC cao gấp hơn chục lần so với mức học phí mà HĐND Thành phố quy định. Điều này thực sự khiến phụ huynh bức xúc.
Mới đây một số học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam trong buổi góp ý Luật Giáo dục sửa đổi cũng nêu lên thắc mắc tại sao lại tồn tại hệ thống trường công lập CLC. Đơn cử như ý kiến của em Lê Thúy Hiền, học sinh lớp 11 chuyên Văn: Các trường công phải là nơi mà tất cả các học sinh trên toàn quốc đều được học. Vậy tại sao lại có sự phân biệt giữa các trường công? Tại sao có những trường được đào tạo CLC hơn cả với đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy lẫn cơ sở vật chất nhưng vẫn có những trường không được như vậy. Những trường CLC nên để cho khối tư nhân “gánh vác”. Khi đó những học sinh muốn vào đó, sẽ phải nộp một khoản học phí xứng đáng với cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục được hưởng.