Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng như bão, lũ quét, sạt lở đất, và ngập lụt, do vậy rất cần phát triển những biện pháp phòng, chống kịp thời và hiệu quả hơn. Nhiều nơi, đặc biệt là những khu vực nông thôn và vùng núi, thiếu kiến thức và công cụ cần thiết để đối phó với thảm họa….
Ngày 9/9 tại thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), trời mưa như trút nước. Trưởng thôn Vàng Seo Chứ nhận thấy xung quanh thôn là những quả đồi đã "no nước", kèm theo vết nứt lớn, có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Trước tình thế đó, không kịp báo chính quyền (do khi đó mạng viễn thông bị gián đoạn), anh đã vận động toàn bộ 17 hộ dân, với 115 nhân khẩu di tản lên một ngọn núi cách đó khoảng 1km. Sau đó, thôn Kho Vàng bị sạt lở. Quyết định dựa trên kinh nghiệm, bản lĩnh và đặc biệt là tri thức bản địa đã giúp trưởng thôn Vàng Seo Chứ và cả bản thoát nạn.
Câu chuyện này cho thấy, nếu có những người kinh nghiệm, đồng thời có một bộ công cụ phòng chống thảm họa kèm những hướng dẫn tích cực thì sẽ giúp nâng cao nhận thức và chuẩn bị tâm lý cho người dân trong những tình huống nguy cấp.
Tại châu Á, Nhật Bản là một trong những quốc gia phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất do thiên tai bao gồm động đất, sóng thần, bão lũ, sạt lở đất… Khi nhận được cảnh báo thiên tai, việc đầu tiên người dân phải kiểm tra các dụng cụ phòng chống thiên tai cá nhân, được gọi là “túi khẩn cấp”. Trong túi này có những thứ tối thiểu như thực phẩm và nước uống đủ dùng cho ít nhất 3 ngày, đèn pin, bật lửa, quần áo ấm...
Thành phố Sapporo (Nhật Bản) đã phát hành “Sổ tay phòng chống thảm họa Sapporo” cung cấp các hướng dẫn cụ thể về những việc cần làm trước, trong và sau thảm họa, từ cách chuẩn bị bộ dụng cụ khẩn cấp, sơ cứu đến cách liên lạc với người thân. Hàng năm, chính quyền khuyến khích người dân tham gia các đợt diễn tập phòng chống thảm hoạ và khi tham gia sẽ nhận được một túi thoát hiểm khẩn cấp.
Thành phố này còn phát triển ứng dụng phòng chống thảm họa dành cho điện thoại thông minh có tên là Sonae để thông báo thông tin khẩn cấp và cung cấp các địa điểm lánh nạn và trải nghiệm mức độ nguy hiểm bằng chức năng AR (tăng cường thực tế ảo).
Tại Mỹ, Chính phủ khuyến khích người dân chuẩn bị trước các bộ dụng cụ với các vật phẩm thiết yếu như thực phẩm, nước uống, thuốc men, đèn pin, và pin dự phòng để có thể tự duy trì trong vài ngày khi thảm họa xảy ra.
Từ kinh nghiệm quốc tế, đã tới lúc Việt Nam cần xây dựng những nguyên tắc phòng chống thảm họa gồm: Sổ tay phòng chống thảm họa (được kết hợp với kiến thức dự báo và tri thức địa phương) cùng một “túi phòng thiên tai” (bao gồm các vật dụng cơ bản như nước uống và thực phẩm đảm bảo đủ dùng cho gia đình trong ít nhất 3 ngày; đèn pin, pin dự phòng…) để cung cấp cho người dân. Mỗi loại thảm họa, như lũ quét, bão, hay sạt lở đất, đều có các đặc điểm và biện pháp ứng phó riêng. Việc hướng dẫn người dân cách chuẩn bị và sử dụng“túi khẩn cấp” sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại và cứu sống nhiều người hơn.
Trường hợp của trưởng thôn Vàng Seo Chứ cho thấy sự quan trọng của kỹ năng và kiến thức tại chỗ trong việc phòng chống thiên tai. Vì thế tri thức thoát nạn thông qua những nguyên tắc phòng chống thảm họa tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi động đất, lũ quét, sạt lở đất đá… sẽ giúp người dân thoát khỏi thảm họa. Đó sẽ là một bước tiến lớn trong việc giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ tính mạng con người trước sức mạnh của thiên nhiên.