Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDG) vừa phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn hóa dân gian với vấn đề biển đảo”.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh- Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian cũng chính là bảo tồn di sản văn hóa biển đảo.
Hội thảo đã tiến hành thảo luận và trao đổi về văn hóa dân gian với vấn đề biển đảo với nhiều góc nhìn khác nhau như: văn hóa tín ngưỡng dân gian và lễ hội truyền thống các vùng biển, giá trị văn hóa biển trong ca dao, biển đảo với phát triển du lịch, các vấn đề sinh thái và lịch sử của biển, đảo, ứng xử của con người với biển, biển trong tâm thức người Việt Nam...
Các đại biểu đã có chung nhận định: công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian với vấn đề biển đảo trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng. Thông qua hội thảo này, các giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu, gợi mở ra những vấn đề mới nhằm đánh giá tổng hợp các tiềm năng và lợi thế về biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi.
Hội thảo thu hút 38 tham luận về nghiên cứu văn hóa dân gian với biển đảo. Các tham luận tập trung làm rõ mối tương quan giữa văn hóa của cư dân vùng biển với biển đảo, văn hóa tín ngưỡng với các tập tục thờ cúng thần Nam Hải, thờ cúng người vong thân trên biển, các lễ hội dân gian của cư dân làng chài, diễn xướng âm nhạc dân gian vùng biển nổi tiếng như bài chòi, hát bả trạo…
Từ các tham luận cho thấy, những giá trị văn hóa phi vật thể tồn tại từ đời này sang đời khác như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ cầu ngư, thờ thần Nam Hải… đã thể hiện quá trình lao động sản xuất của cư dân, tạo nên nhiều giá trị văn hóa dân gian đa dạng, phong phú gắn liền cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng ven biển và hải đảo.
Tín ngưỡng dân gian, nghệ thuật dân gian biển, đảo thể hiện rõ qua các loại hình truyện kể, ca dao, dân ca, đời sống của cư dân biển đảo. Các nhà khoa học cũng khẳng định, di sản văn hóa dân gian gắn với biển đảo là thêm cứ liệu lịch sử khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên vùng Biển Đông của ông cha xưa. Và từ những luận cứ khoa học đến các hình thức văn hóa dân gian còn lưu giữ, nhiều chuyên gia cho rằng, từ xa xưa, đời sống tâm linh, văn hóa của người Việt đã gắn chặt với cuộc sống miền biển đảo và được lưu giữ đến nay.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh khẳng định: Ngày nay các vấn đề về sinh thái và lịch sử của biển đảo, những nhân tố biển đảo trong đời sống văn hóa cộng đồng cư dân ven biển, việc khai thác các giá trị văn hóa dân gian… đang góp phần phát triển du lịch biển đảo. Nhân dịp này các nhà khoa học cũng chia sẻ, gợi mở những vấn đề nghiên cứu mới nhằm phát huy vai trò của văn hóa dân gian gắn với khai thác có hiệu quả, bền vững tiềm năng kinh tế biển đảo Việt Nam trong tương lai.