Chính trị

Từ hôm nay, TP Nam Định hoạt động theo đơn vị hành chính mở rộng

Duy Hưng 01/09/2024 13:26

Kể từ hôm nay (1/9) TP Nam Định-trung tâm tỉnh Nam Định - bắt đầu hoạt động theo đơn vị hành chính mới, mở rộng theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Nam Định.

Trước đó, tại Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị nhập toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 74 km2, quy mô dân số hơn 84.000 người của huyện Mỹ Lộc vào TP Nam Định.

Sau khi nhập, TP Nam Định có diện tích tự nhiên 120,90 km2, quy mô dân số là 364.181 người.

z5787449278665_ace43ea6a398c19c04e36a3ab389aa21.jpg
Bản đồ hành chính TP Nam Định sau khi được sắp xếp mở rộng.

Cũng theo Nghị quyết trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập các phường Nam Phong, Nam Vân trên cơ sở toàn bộ diện tích và quy mô dân số của các xã Nam Phong, Nam Vân (xã ngoại thành thuộc TP Nam Định cũ); thành lập phường Hưng Lộc trên cơ sở diện tích, quy mô dân số của xã Mỹ Hưng và diện tích, quy mô dân số thị trấn Mỹ Lộc (thuộc huyện Mỹ Lộc cũ).

Nhập xã Lộc An, phường Văn Miếu vào phường Trường Thi; nhập các phường Hạ Long, Thống Nhất vào phường Quang Trung; nhập các phường Trần Tế Xương, Vị Hoàng vào phường Vị Xuyên; nhập các phường Phan Đình Phùng, Nguyễn Du vào phường Trần Hưng Đạo; nhập các phường Ngô Quyền, Trần Quang Khải vào phường Năng Tĩnh; nhập các phường Bà Triệu, Trần Đăng Ninh vào phường Cửa Bắc.

Thành lập xã Mỹ Lộc trên cơ sở diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Mỹ Thành, Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến (thuộc huyện Mỹ Lộc cũ).

Sau khi sắp xếp, TP Nam Định có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 phường, 7 xã.

Trước khi sắp xếp, sáp nhập, TP Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; sau mở rộng, theo các tiêu chí, thành phố này được cấp có thẩm quyền xếp là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

Trung tâm TP Nam Định ngày nay.
Trung tâm TP Nam Định ngày nay.

Cùng với TP Nam Định, huyện Mỹ Lộc, Nghị quyết cũng quyết nghị sắp xếp lại nhiều đơn vị hành chính cấp xã thuộc 8 huyện còn lại của tỉnh Nam Định gồm: Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy.

Sau sắp xếp, tỉnh Nam Định có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố 8 huyện, giảm 1 đơn vị); 175 đơn vị hành chính cấp xã (146 xã, 14 phường, 15 thị trấn, giảm 51 đơn vị).

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2024.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nam Định, việc TP Nam Định được sắp xếp, mở rộng vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bước đột phá để thành phố phát triển KT-XH, phát huy các tiềm năng, các giá trị văn hóa, lịch sử; phá thế kìm hãm bởi quy mô diện tích nhỏ, khắc phục những khó khăn, bất cập nhất là trong công tác quản lý kinh tế, quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dân cư; phát triển nguồn thu; bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường… của một thành phố đã hơn 100 tuổi (TP Nam Định được Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập năm 1921-PV).

Ông cũng cho biết, sau khi được sắp xếp đội ngũ cán bộ của thành phố sẽ được tinh giản, lựa chọn, sắp xếp lại, bố trí công việc phù hợp, đáp ứng ngay các yêu cầu đang chịu nhiều áp lực như: cải cách thủ tục hành chính; giải quyết các dịch vụ hành chính công; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; quản lý đất đai; quản lý trật tự đô thị; quản lý dân cư...

1-20240505151141923.jpg
Cầu bắc qua sông Đào, nối TP Nam Định với các huyện phía nam tỉnh Nam Định đang được thi công.

Sau sáp nhập, thành phố cũng sẽ có điều kiện mở rộng không gian phát triển, tăng diện tích đất xây dựng đô thị, tạo dư địa phát triển và mở rộng các đô thị vệ tinh, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Các nguồn vốn sẽ được huy động, tập trung đầu tư cho các hạng mục trong quy hoạch đáp ứng ngay Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.

Ngay sau sắp xếp, sáp nhập, mở rộng địa giới, thành phố sẽ tập trung xây dựng và phát triển thành phố theo mô hình đa cực, hình thành 3 vùng phát triển: Vùng phát triển đô thị trung tâm là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh và thành phố. Vùng phát triển đô thị về phía Tây và Tây Bắc với chức năng đô thị thông minh, tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, các trung tâm giáo dục, thể dục thể thao cấp vùng. Vùng phát triển phía Đông Nam với chức năng đô thị dịch vụ, du lịch, các dịch vụ hỗ trợ thành phố Nam Định.

Nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đối với các xã khi sáp nhập vào thành phố sẽ cơ cấu lại ngành nghề ở khu vực nông thôn, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, hạn chế tính chất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún ở nông thôn.

Việc sáp nhập là tiền đề cho gia tăng đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn, tạo nguồn thu cho ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ.

Theo Bí thư Thành ủy Nam Định, sau đây thành phố sẽ cụ thể hóa, hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung TP Nam Định đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050. Công khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Triển khai các quy hoạch phân khu để kịp thời cho các dự án được triển khai nhằm tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Cải thiện môi trường đầu tư; xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, các công trình trên địa bàn thành phố.

TP Nam Định là đô thị có lịch sử lâu đời, quê hương, nơi phát tích của vương triều Trần. Năm 1262, vua Trần Thái Tông đã thăng quê cũ là hương Tức Mạc (ngày nay thuộc phường Lộc Vượng-TP Nam Định) thành phủ Thiên Trường. Các triều đại sau đó đều nhìn nhận vùng đất này có vị trí quan trọng khi lần lượt cho xây dựng tại đây các công trình có tính biểu tượng như Văn Miếu, Cột cờ, điện Kính Thiên (chùa Vọng Cung ngày nay), lập trường thi Hương, thi Hội.

Năm 1921, TP Nam Định được người Pháp chính thức thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Quá trình khai thác thuộc địa, người Pháp đã xây dựng tại đây nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, nổi tiếng nhất là Nhà máy Dệt Nam Định.

Sau cách mạng tháng 8, TP Nam Định là 1 trong 8 thành phố trên cả nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập. Ở những thập kỷ sau đó, TP Nam Định được biết đến là trung tâm công nghiệp dệt của cả nước, thành phố lớn thứ 3 ở miền Bắc, được gọi thân mật là Thành Nam, thành phố Dệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ hôm nay, TP Nam Định hoạt động theo đơn vị hành chính mở rộng