Người dân thường có khuynh hướng tự mua thuốc kháng sinh uống mỗi khi bị mắc một vài căn bệnh thường gặp, hay nguy hiểm hơn, nhiều người áp dụng những phương pháp đọc được đâu đó trên mạng xã hội với con cái hay chính bản thân mình dù mắc bệnh nặng, bệnh nan y. Hậu quả để lại của những hành động này thường rất nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ tới điều trị sau này, thậm chí đe dọa tính mạng trẻ.
Ảnh minh họa.
Tự chữa bệnh - hiểm hoạ không lường
Cách đây vài tháng, một bé gái 10 tuổi ở Vĩnh Phúc được bố mẹ đưa đến BV Việt Đức để khám. Sau khi khám và có kết quả chiếu chụp, các bác sĩ tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cho biết, cháu bị u tế bào thần kinh đệm (là khối u xảy ra ở não và tủy sống) và khuyên gia đình cho cháu phẫu thuật sớm. BV cũng đã lên kế hoạch và báo ngày mổ. Tuy nhiên, bố mẹ cháu đến gặp bác sĩ xin cho con về nhà vì thấy cháu ổn hơn sau khi dùng thuốc chống phù não và hứa sẽ cho con trở lại BV khi có vấn đề xảy ra. 2 tháng sau ngày gia đình cháu bé xin về, bố mẹ đã phải gọi điện tới BV nhờ tư vấn và đưa cháu lên gấp khi thấy con có biểu hiện yếu hơn nhiều, hay nôn trớ và lơ mơ. PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh BV Việt Đức - cho biết, gia đình bộc bạch đã tự chữa bệnh cho con theo phương pháp gì đó đọc được trên mạng và bạn bè... “chỉ dẫn”. Họ chỉ cho cháu ăn rau, đậu, không thịt, không cá, không trứng sữa, không protein... do đó, cháu bé vừa không khỏi bệnh mà thể lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến sụt cân, gầy yếu, khối u não của cháu còn to thêm. Dù sức khỏe của con đã nguy, giảm hơn 3kg so với khám lần đầu, cần phải mổ càng sớm càng tốt, nhưng các bác sĩ cũng phải mất rất nhiều công giải thích, thuyết phục bố mẹ bệnh nhi đồng ý cho con phẫu thuật. Vẫn may mắn là sau ca phẫu thuật, kíp mổ đã cắt hết được khối u. Sau mổ, bệnh nhân tiến triển sức khỏe tốt và đã tỉnh lại. Sau vài ngày điều trị, cháu bé đã được xuất viện với nụ cười tươi, đi lại bình thường.
Những vụ việc thương tâm không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, mà người lớn cũng gặp phải hậu quả nặng nề do thói quen coi thường sức khoẻ. Điển hình là câu chuyện của Tiểu Mai, đến từ Thượng Hải, Trung Quốc. Một ngày cô cảm thấy đau đầu và có dấu hiệu sốt nhẹ nên đã đi mua thuốc cảm cúm để uống. Loại thuốc mà cô mua trong thành phần chứa Acetaminophen có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Theo hướng dẫn sử dụng, Tiểu Mai uống 4 viên một ngày, dùng liên tục 9 ngày, nhưng bệnh không khỏi mà còn thêm triệu chứng buồn nôn và tiêu chảy kéo dài. Khi nhập viện, Tiểu Mai trong tình trạng tinh thần không ổn định, mất đi ý thức, được chẩn đoán bị suy gan cấp, lúc đó tình hình sức khỏe của cô hết sức nguy hiểm, diễn biến bệnh thay đổi thất thường. Chỉ số transaminase trong gan sau khi xét nghiệm lên đến 17000+u/L, cao gấp nhiều lần so với bình thường và có dấu hiệu hoại tử. Với nỗ lực cấp cứu không ngừng của các bác sĩ tại BV, cuối cùng chỉ số transaminase của Tiểu Mai cũng giảm xuống xấp xỉ 5000 u/L và các chỉ số khác cũng dần hồi phục lại như trạng thái ban đầu.
Không may mắn thoát nạn như trường hợp trên, tháng 2/2019, tại BV Bạch Mai đã ghi nhận trường hợp tử vong do tự ý điều trị đái tháo đường bằng viên “tiểu đường hoàn”. Theo lời kể của người nhà, cách đây 3 năm, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, nhưng không điều trị bằng thuốc tây y theo chỉ định của bác sĩ mà dùng thuốc “tiểu đường hoàn”, mỗi ngày uống 8 viên. Trước đó, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, gia đình đưa bệnh nhân vào BV 354 điều trị. Sau đó, bệnh nhân đau bụng nhiều, khó chịu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, được chẩn đoán sốc do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, suy đa tạng, được điều trị tích cực, lọc máu 4 lần nhưng tình trạng không được cải thiện, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai). Bác sĩ Mai Cường - Khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cho biết: Khi được tiếp nhận, bệnh nhân trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng, nghi ngờ do ngộ độc phenformin. Đây là một hoạt chất giúp hạ đường huyết, nhưng gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người, nên đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978. Sau đó, bệnh nhân đã được điều trị tích cực để duy trì sự sống hoàn toàn nhờ máy như hỗ trợ tim phổi nhân tạo, lọc máu liên tục. Tuy nhiên, đến đêm 19/2, bệnh nhân đã tử vong.
Sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc - hậu quả nghiêm trọng vô cùng
Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều trường hợp tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không đúng liều, không đúng chỉ định chế phẩm có chứa corticoid tại phòng khám tư nhân, đông y gia truyền trong thời gian dài để chữa các bệnh xương khớp, gout, hen phế quản, bệnh hệ thống. Việc lạm dụng quá liều lượng sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng như suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, thậm chí làm chậm quá trình phát triển trí tuệ và tinh thần của trẻ.
Một ca bệnh điển hình gần đây là cháu bé Nguyễn T.D. (5 tuổi, trú tại Sông Mã, Sơn La) nhập BV Nội tiết Trung ương trong tình trạng béo phì, mặt nặng, mọc lông và rậm lông vùng mặt và mép. Người nhà cho biết, trước đó, cháu ho và sốt, khám và điều trị tại BV tuyến huyện nhưng chưa khỏi hoàn toàn. Sau đó, người nhà tự ý đưa trẻ tới phòng khám tư tại địa phương và được nhân viên y tế tại đây cho tiêm corticoid 4 ngày liên tục, mỗi ngày 2 mũi không rõ liều lượng. Sau khi tiêm, trẻ đỡ ho nhanh, tuy nhiên, sau khoảng 1 tháng, trẻ bắt đầu có dấu hiệu nặng mặt, ăn khỏe hơn bình thường, tăng 3-4kg, tóc mọc thấp, xuất hiện ria mép. Gia đình đã đưa trẻ đến khám tại BV Nội tiết Trung ương và được chẩn đoán suy thượng thận do sử dụng corticoid. Sau vài ngày điều trị tại BV, chức năng tuyến thượng thận của trẻ đã hồi phục và sau 1 tuần, chức năng tuyến thượng thận bình thường.
Trước đó chưa lâu, BV Hùng Vương - Phú Thọ cũng tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi 17 tháng tuổi (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) bị suy thượng thận cấp. Nguyên nhân bất ngờ là do cha mẹ tự ý cho con uống thuốc ho chứa corticoid. Mẹ cháu bé cho bác sĩ biết, do con trai thường xuyên bị tiêu chảy, ho, viêm họng nên gia đình đã tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Sau uống, bé khỏi ngay nên mỗi khi bé bị ho chị lại tiếp tục tự mua thuốc cho con uống. Sau 2 tháng, gia đình thấy con tăng cân bất thường mà vẫn thường xuyên ho và viêm họng nên đưa bé đến viện khám. Bé được chẩn đoán bị suy thượng thận cấp, cần nhập viện điều trị. Hỏi người mẹ về loại thuốc tự mua cho con uống trị ho, chị này nói không biết tên loại thuốc cụ thể, chỉ thấy thuốc có dạng hình tròn màu hồng, uống với liều lượng 4 viên/ngày. Bác sĩ cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do bé được điều trị bằng thuốc có chứa corticoid kéo dài gây biến chứng suy thượng thận.
Hết sức thận trọng trước khi uống thuốc
Thông thường người dân hay tự ý dùng thuốc đối với những trường hợp bị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau nhức mình mẩy, khó ngủ… Khi tự ý dùng thuốc trong những trường hợp kể trên có thể không gây nguy hiểm cho cơ thể vì hầu hết là bệnh nhẹ, không gây ra nhiều xáo trộn về sinh lý cũng như các chức năng của cơ thể. Tuy nhiên, việc tự ý dùng thuốc là rất nguy hiểm do những tác hại không thể lường trước được, trong đó có dị ứng do thuốc và không phát hiện kịp thời những căn bệnh nguy hiểm có những biểu hiện ban đầu giống như những căn bệnh thông thường.
Theo các bác sĩ, việc tự ý dùng thuốc là rất nguy hiểm, nhất là thuốc giảm đau. Khi uống thuốc giảm đau khiến chúng ta tưởng bệnh đã khỏi nhưng thực ra bệnh vẫn tiến triển và hậu quả không thể lường hết được do chậm trễ trong việc mổ cấp cứu đối với các bệnh gây đau bụng như viêm ruột thừa, viêm tụy cấp, viêm vòi trứng… Việc dùng thuốc kháng sinh không đúng có thể gây tình trạng lờn thuốc. Một số thuốc có thể gây dị ứng, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Có thuốc dùng lâu ngày sẽ dẫn đến nguy cơ gây loãng xương, cao huyết áp… nhất là các thuốc corticoide dùng để trị đau nhức.
Các chuyên gia y tế cho biết: Việc lạm dụng này là nguyên nhân chính gia tăng khả năng kháng thuốc (tạo ra các loại siêu vi khuẩn đề kháng lại kháng sinh) dẫn đến việc điều trị bệnh khó khăn, kéo dài, tốn kém. Trong cơ thể luôn luôn tồn tại cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Vi khuẩn có lợi ức chế sự sinh sản của vi khuẩn có hại, đóng vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh, nhưng chính sự lạm dụng kháng sinh sẽ diệt cả những vi khuẩn có lợi, khi đó, khả năng “phòng thủ” của cơ thể cũng sẽ giảm khiến hệ miễn dịch suy yếu. Nguy hiểm hơn, kháng sinh nếu không sử dụng đúng còn có thể ảnh hưởng chức năng gan, thận, các tế bào thần kinh khiến trẻ càng dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn hơn và có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ của thuốc. Vì thế, chúng ta cần hết sức cân nhắc khi sử dụng thuốc, kể cả các loại thuốc bổ, và càng thận trọng hơn khi dùng thuốc bằng đường tiêm chích. Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết và phải có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Không nên tự ý sử dụng các thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị và không dùng thuốc kéo dài trong nhiều tháng.