Tư vấn, phản biện xã hội: Thẳng thắn, lắng nghe và không áp đặt

Minh Hải (thực hiện) 07/03/2017 10:15

Tư vấn, phản biện xã hội là trách nhiệm của trí thức và cũng là chức năng của Hội Nữ trí thức Việt Nam. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu- Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Khoa học - Giáo dục và Môi trường UBTƯ MTTQ Việt Nam khi tham gia tư vấn, phản biện, nữ trí thức phải tự tin, thẳng thắn và đặc biệt là cần biết lắng nghe, không áp đặt.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu.

PV: Thưa bà, hoạt động tư vấn, phản biện không vì lợi nhuận mà thể hiện rõ tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ trí thức vì lợi ích cộng đồng. Là người đứng đầu Hội Nữ trí thức Việt Nam, bà có thể cho biết Hội đã thể hiện vai trò tư vấn, phản biện ra sao?

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Được thành lập từ năm 2011, Hội Nữ trí thức Việt Nam vừa bước vào nhiệm kỳ II và trong định hướng nhiệm kỳ mới thì tư vấn, phản biện xã hội vẫn luôn được đặt ở vị trí quan trọng. Trong thời gian qua, Hội đã tổ chức, đồng tổ chức hoặc cử đại biểu tham dự các Hội nghị, hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật, tham mưu cho Hội LHPNVN, cho Đảng và Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành, Đoàn thể TƯ về cơ chế, chính sách cho lao động nữ, trong đó có lao động nữ trí thức. Phản ánh thực trạng đời sống, việc làm của nữ trí thức và lao động nữ, các thuận lợi, khó khăn trong hoạt động sáng tạo, trong nghiên cứu, giảng dạy, sản xuất kinh doanh, công tác xã hội cộng đồng của nữ trí thức nói chung, của các hội viên Hội nữ trí thức việt Nam nói riêng.

Chúng tôi đóng góp ý kiến cho Bộ Luật lao động (Như về vấn đề quy định tuổi về hưu của nữ cán bộ công chức viên chức); tham luận với nhiều đề xuất quan trọng tại Hội nghị: “Sửa đổi bổ sung một số điều trong Luật Hôn nhân gia đình năm 2000” của Quốc hội; Gửi văn bản tới Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cải thiện chế độ chính sách đối với nữ nghiên cứu sinh - “Góp ý sửa đổi Luật trẻ em cho sự phát triển toàn diện của Trẻ ngay từ những năm đầu đời và Giám sát thực thi quyền trẻ em”(6/10/2015); Các văn bản liên quan tới giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường và phát triển bền vững; về vai trò vị trí của trí thức và nữ trí thức trong công cuộc đổi mới, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về một số cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho trí thức hoạt động sáng tạo và phát triển kinh tế tri thức; Đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII về một số vấn đề chính trong giáo dục- đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước một cách bền vững; Các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới và trí thức...

Nhiều ý kiến cho rằng, người làm tư vấn, phản biện phải thực sự có bản lĩnh và khí chất. Theo bà, để có được những điều đó, nữ trí thức phải trang bị cho mình những gì?

- Để thực hiện nhiệm vụ này, người làm tư vấn, phản biện phải hiểu kỹ văn bản pháp luật. Có kiến thức về vấn đề tham gia tư vấn, phản biện. Trên cơ sở đó họ sẽ tự tin hơn và đưa ra những ý kiến xác đáng khách quan. Người phản biện cần có động cơ đúng đắn, vì lợi ích chung, có trách nhiệm với ý kiến của mình, thì dù có thể làm mất lòng một bộ phận nào đó, cũng không nên né tránh, mà nên nói thẳng thắn, hết ý. Tuy nhiên, cần lắng nghe, không áp đặt.

Thưa bà, hiện nay đội ngũ nữ trí thức Việt Nam đã lớn mạnh nhanh chóng và phát triển thành một lực lượng lao động hùng hậu, nhưng tỉ lệ nữ tham gia các cấp lãnh đạo chưa nhiều, bà nghĩ sao về điều này?

- Trong lĩnh vực quản lý, phụ nữ đã tham gia vào phần lớn các cấp lãnh đạo Nhà nước, các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp nói chung và từ cấp tỉnh trở lên một số không nhỏ là nữ trí thức, nhiều chị trong đó có học hàm học vị cao. Tuy nhiên, cũng có một hiện tượng đáng suy nghĩ là, theo một số liệu điều tra gần đây, lãnh đạo nữ thường ở những vị trí tuy cùng cấp, nhưng được cho là có “danh” nhiều hơn là có “quyền” và có “lợi”. Nếu điều này là phổ biến thì thiết tưởng cũng đáng được các cấp có thẩm quyền, các tổ chức phụ nữ quan tâm. Như trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, số lượng nữ chiếm tỷ lệ khá cao, trên 42%; Ở một số ngành giáo dục – đào tạo, nữ còn chiếm đến 53,2%, nhưng tỉ lệ nữ tham gia các cấp lãnh đạo lại không tương xứng.

Bà có thể đưa ra kiến nghị và đề xuất giải pháp để phát huy hơn nữa sự đóng góp của nữ trí thức?

- Về phía Nhà nước, nên phổ biến cho toàn xã hội kiến thức về bình đẳng giới, làm cho mọi người nhận thức được việc phổ biến này là nhằm huy động sự đóng góp của phụ nữ, khai thác nguồn nhân lực nữ phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vì phụ nữ chiếm hơn 50% dân số. Hơn nữa, nước ta muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, càng cần tăng cường nguồn nhân lực, nhân lực có trình độ. Nước ta cũng đang muốn xây dựng nền kinh tế tri thức, vai trò quan trọng của sức mạnh cơ bắp cũng giảm dần, do đó “sự yếu thế” của phái nữ cũng giảm. Còn nếu nói về trí tuệ, thì chưa có một nghiên cứu nào trên thế giới cho rằng trí tuệ nữ thua nam cả. Như vậy, nếu không tận dụng nguồn nhân lực nữ thì thật lãng phí đất nước sẽ bị thiệt thòi.

Bên cạnh đó tạo điều kiện để nữ trí thức được đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Trong các chương trình đạo tạo nâng cao trình độ chuyên môn và khoa học, phải chăng nên có quy định một tỷ lệ % nhất định dành cho nữ; Có quy định hợp lý về độ tuổi lao động cho nữ trí thức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; Các cơ quan đơn vị (nhất là đơn vị có nhiều nữ trí thức) phải chăng cũng cần có quy hoạch, kế hoạch, chỉ tiêu, định mức cụ thể trong từng giai đoạn về tỉ lệ nữ có trình độ cao, tham gia quản lý ở bậc cao. Nên chăng, xem đây cũng là một chỉ tiêu thi đua của các đơn vị này khi xét khen thưởng, tặng các danh hiệu tôn vinh... Cần có các cơ chế ưu tiên hơn đối với nữ trí thức là dân tộc ít người, với nữ trí thức làm việc ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Chúng ta rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách đúng đắn, tuy nhiên khi triển khai xuống các cấp thì có thể bị biến tướng. Cho nên cái đích của những chính sách đó không đạt được. Nếu mà thực hiện đúng thì tình hình đã khác!

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư vấn, phản biện xã hội: Thẳng thắn, lắng nghe và không áp đặt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO