Những năm qua, dư luận nói đến di sản công nghiệp. Nhưng chưa một khu công nghiệp, nhà máy cũ nào được công nhận là di sản. Nhiều nhà máy có dấu ấn và chứa đựng giá trị, sau khi di dời, thay vì được đánh giá để bảo vệ thì hầu hết đã bị “xóa sổ” không còn dấu vết.
Nguy cơ bị xóa sổ
Mặc dù chứa đựng nhiều giá trị, nhưng ở nước ta, chưa có một khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp cũ nào được công nhận là di sản. Trong quá khứ, Hà Nội đã có không ít nhà máy sau di dời hầu hết biến thành khu cao ốc, tòa nhà văn phòng, điển hình như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo từng in dấu trong lịch sử công nghiệp ở miền Bắc, nhà máy Dệt 8-3...
Theo lộ trình của UBND TP Hà Nội, trong thời gian tới có 9 nhà máy phải phải di dời khỏi khu vực nội đô. Trong số đó, có những nhà máy thuộc diện di dời là dấu ấn của ngành công nghiệp nhẹ, gắn với sự phát triển Thủ đô như: Nhà máy xe lửa Gia lâm, Nhà máy thuốc lá Thăng Long, Nhà máy bia và nước giải khát Hà Nội… Tuy nhiên, nhiều băn khoăn, lo ngại về dấu tích lịch sử văn hóa có giá trị của các nhà máy sẽ bị xóa sổ như một số nhà máy đã di dời trước đó. Và câu hỏi đặt ra là sử dụng sao cho hiệu quả những mảnh đất này?
Bà Phan Thúy Oanh (56 tuổi, số 22 Phan Đình Phùng, Ba Đình Hà Nội) cho rằng với những nhà máy sắp di dời thì không nên xây nhà cao ốc ở đó, mà nên giữ lại một phần giá trị. Còn lại diện tích đất sử dụng làm công viên, vườn hoa. Nếu xây nhà cao ốc trên đó thì trẻ em không còn chỗ để chơi.
Chị Nguyễn Thị Luyến, trú tại Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Qua sự kiện Lễ hội này, với việc được tham quan trải nghiệm thực tế tại tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy xe lửa Gia Lâm, đã cho tôi thấy được sức hấp dẫn, mang hơi thở đương đại của những không gian cũ. Sức hút của những không gian cũ này trong những ngày diễn ra Lễ hội, là một minh chứng công trình công nghiệp cũ không nên đập bỏ mà cần được giữ lại. Những bài học trong quá khứ cần được rút ra và không nên mắc phải”.
Nói về vấn đề này, TS Lê Phước Anh - Chủ nhiệm Bộ môn Đô thị và Kiến trúc bền vững, Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sự chuyển đổi các cơ sở công nghiệp cũ thành những khu nhà ở, cao ốc dễ gây quá tải hạ tầng và xóa bỏ giá trị di sản của các cơ sở đó. Những nhà máy đấy là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử, bây giờ lại được khoác lên một đời sống mới nó lại trở nên hấp dẫn, đặc biệt là giới trẻ.
Cần có hội đồng đánh giá giá trị
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, phải phân loại công trình công nghiệp và vị trí của nó. Chúng ta đã làm, đã định nghĩa vấn đề này. Nhưng thời gian vừa qua, chúng ta mới chỉ chú trọng đến vấn đề nhà ở truyền thống và biệt thự chứ chưa trú trọng đến điều tra khảo sát các nhà máy chuẩn bị di dời. Nhưng trong thực tiễn người ta đã đặt ra vấn đề. Đã có ý kiến, có cách tiếp cận từ khoa học nhưng rất tiếc chưa thể thể chế hóa.
“Để được công nhận là di sản thì phải đưa vào pháp lý. Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này có nêu khái niệm bảo tồn các công trình kiến trúc nói chung, trong đó có cả công nghiệp, có cả dịch vụ thương mại, giao thông… như vậy đã được đưa vào nhưng vẫn chỉ là khung. Hi vọng, Hà Nội sẽ xây dựng chính sách cụ thể về công tác bảo tồn” - ông Nghiêm nói.
Còn theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - người gắn bó sâu đậm với Hà Nội thì để có cơ sở đưa ra quyết định giữ gìn và có những phương án khai thác phát triển các nhà máy, cơ sở công nghiệp sau khi di dời thì cần có một hội đồng thẩm định, đánh giá bao gồm các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà lịch sử, cơ quan chức năng… nhưng không nên xây nhà ở để bán.
“Chúng ta phải xác định các cơ sở công nghiệp hoặc các công sở mà di dời khỏi nội đô theo lộ trình của thành phố Hà Nội thì tùy theo vị trí, giá trị của di sản công nghiệp để đưa ra quyết định giữ hoặc không giữ. Cần chia làm 2 loại, loại nào có giá trị về kiến trúc thì nên giữa lại, còn cái nào không có giá trị thì cũng nên chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhưng không nên xây nhà để bán” - ông Tiến nói.