Ngày 29/3, tại TP HCM, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM và Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã tổ chức lễ tưởng niệm 39 năm ngày mất chủ tịch Tôn Đức Thắng (30/3/1980 - 30/3/2019).
Ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Hồng Phúc.
Dự lễ tưởng niệm có đại diện lãnh đạo, ngành VH-TT-DL, các Trung tâm lưu trữ Quốc gia, Hội di sản và Bảo tàng Tôn Đức Thắng tại các tỉnh, thành, như TP HCM; Tiền Giang; An Giang; con gái ruột bác Tôn là bà Tôn Tuyết Dung và đại diện gia đình của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở các địa phương.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra trong một gia đình trung nông tại Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, Tp Long Xuyên, tỉnh An Giang ngày nay.
Thuở nhỏ, Bác Tôn học chữ Hán với thầy Nguyễn Thượng Khách - một nhà nho yêu nước và sau đó học trường tiểu học Long Xuyên. Năm 1906, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn học trường Bá Nghệ và chọn nghề thợ máy. Từ môi trường làm thợ, Tôn Đức Thắng đã hiểu sâu sắc về tình cảnh, về mong ước của một giai tầng bị bóc lột nặng nề nhất, bằng niềm thông cảm và lòng tin tưởng vào sức mạnh của giai cấp công nhân.
Sau thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tôn Đức Thắng được Đảng và nhân dân tín nhiệm bầu vào Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này tiếp tục là Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Lê-nin “Vì hòa bình và hữu nghị các dân tộc” và Huân chương Lê-nin vào năm 1967. Bác Tôn cũng là người đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước, vào tháng 8/1958.
Dòng người vào tưởng niệm cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khuôn viên bảo tàng ngày 29/3. Ảnh: Hồng Phúc.
Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng Phạm Thành Nam nhìn nhận, có nhiều sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng mà các thế hệ trẻ phải luôn quan tâm tìm hiểu, học tập.
“Trong suốt cuộc đời mình, Bác Tôn dù ở cương vị nào, là người thợ máy hay Chủ tịch nước thì lối sống giản dị, khiêm tốn, siêng năng, chăm chỉ, sống bình dị, đạm bạc nhưng thanh cao”.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã vĩnh biệt chúng ta vào ngày 30/3/1980, để lại một di sản quý giá.
“Đó là lòng yêu nước, thương dân, tình đồng chí; niềm tin sắt son vào thắng lợi của cách mạng, vượt qua khó khăn gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công, vô tư, sự khiêm tốn, giản dị và trong sáng”, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng xúc động chia sẻ.
Dịp này, các cá nhân, tổ chức đã trao 17 hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng tại TP HCM.