"Có thể nói thế này, Trường Sơn chính là nơi mà tôi thể hiện được những kiến thức quân sự đã học được ở trường, ở Học viện Quân sự Cao cấp. Hay nói cách khác, đó là nơi tôi thể hiện, thực hiện ý thức quân sự của cả quá trình ở trong quân đội, không phải chỉ riêng Học viện. Bởi chính ở Trường Sơn, tôi đã là người chủ chốt cho nên tôi có đủ quyền để cùng với tập thể lãnh đạo chỉ huy quyết định những việc đại sự"- Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Cha tôi cũng là một cựu chiến binh của Đoàn 559, năm nay 95 tuổi, mắt mờ, tai nghễnh ngãng nhưng trí tuệ vẫn còn minh mẫn và đặc biệt vẫn nhớ rõ rất nhiều chuyện từ quá khứ. Ông kể tôi nghe nhiều kỷ niệm về Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên những ngày ở Trường Sơn vì ông - khi đó là một cán bộ chỉ huy cấp Binh trạm - có nhiều nhiệm vụ đã được nhận từ đích thân Tư lệnh…
Cha tôi vô cùng kính trọng bác Đồng Sỹ Nguyên. Thậm chí ông còn làm thơ tặng cho thủ trưởng cũ của mình và dự định bắt tôi phải đưa tới để tặng cho bác Đồng Sỹ Nguyên cuốn sách (tác phẩm duy nhất) vừa mới in của ông. Tôi chưa kịp làm việc đó do đi công tác xa, thì đã nhận được tin bác Đồng Sỹ Nguyên qua đời… Cha tôi đã khóc khi nói lại với tôi về tin buồn này.
Trong cuộc đời làm báo của mình, qua anh Nguyễn Sỹ Hưng, trưởng nam của bác Đồng Sỹ Nguyên - một người bạn vong niên mà tôi rất yêu quý và trân trọng - tôi từng có hạnh ngộ được phỏng vấn bác. Bài phỏng vấn đã được bác đích thân biên tập lần cuối rất tỉ mỉ. Như một nén tâm hương, để tưởng nhớ vị Tư lệnh huyền thoại của Đoàn 559, xin giới thiệu lại bài phỏng vấn đó.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên- vị Tư lệnh huyền thoại của bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559).
Tôi tự chọn tên cho tôi
Hồng Thanh Quang:Đối với các thế hệ hậu sinh như chúng tôi hôm nay thì ông cũng là một trong những nhân vật huyền thoại từ một thời rất hào hùng của đất nước. Ngay cả cái tên mà ông đang mang cũng đã làm nảy sinh ra bao nhiêu câu chuyện. Có người kể là tên thật của ông vốn là Nguyễn Sỹ Đồng, có đúng vậy không ạ?
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Không phải là Nguyễn Sỹ Đồng đâu. Tên cha mẹ đặt cho tôi là Nguyễn Hữu Vũ. Khi tham gia hoạt động cách mạng, tôi lấy bí danh là Đồng, đến khi tham gia bầu cử Quốc hội năm 1946 đã lấy tên là Nguyễn Văn Đồng. Rồi sau Cách mạng Tháng Tám (1945), vào kháng chiến, lúc hoạt động ở địch hậu thì tôi mới lấy tên họ là Đồng Sĩ Nguyên. Chứ còn cái tên Nguyễn Sỹ Đồng là do một nhà báo X. (vì tôn trọng đồng nghiệp lớn tuổi hơn tôi nên tôi đã xin phép được ghi tắt tên họ nhà báo này – HTQ) viết tào lao, tôi đã yêu cầu tờ báo đó đính chính nhưng họ cứ lờ đi. Ngay cả sự việc nói trong bài báo đó cũng là tầm bậy, không có đâu. Tôi rất bức xúc vì chuyện đó vì họ bảo tên tôi là do Bác Hồ đặt cho. Nói bất cứ chuyện gì có liên quan tới Bác Hồ thì đều phải thận trọng và trung thực, có sao nói vậy chứ không được bịa ra.
Không phải Bác Hồ đã đặt cho ông cái tên Đồng Sỹ Nguyên?
- Không phải. Tôi tự chọn tên cho tôi.
Liệu trong cái tên này ông có gửi gắm gì không hay chỉ là tình cờ như thế thôi ạ? “Đồng” có nghĩa là chung, như đồng chí ấy?
- Thời hoạt động bí mật thì cứ chọn ra một cái tên để gọi nhau cho nó tiện. Đồng là cái tên đầu tiên tôi chọn làm bí danh năm 1937. Về sau, tôi muốn giữ cái chữ “đồng” đó làm kỉ niệm nên dù chọn bí danh gì tôi vẫn để chữ đó lại.
Ông vừa nói rằng, ông có bí danh là Đồng năm 1937. Khi ấy, ông mới 14 tuổi. Ông đã tham gia hoạt động cách mạng từ sớm vậy ư?
- Thực sự là tôi may mắn sớm được sự dìu dắt những người anh cách mạng cùng quê. Tôi sinh ra ở thôn Trung, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, một miền quê gắn bó rất chặt chẽ với sông Gianh. Gia đình tôi nghèo lắm, cha tôi mất khi tôi mới 10 tuổi, để lại mình mẹ tôi phải nuôi cả 7 người con (mẹ tôi mất năm 1982, thọ 100 tuổi!) Tôi là con thứ 5. Nhà nghèo nhưng mẹ tôi vẫn cố cho chị em tôi ăn học, nhất là tôi. Khi tôi khoảng 12 tuổi, tôi tình cờ được quen với anh Tế, làm nghề thợ may ở chợ Sải. Về sau tôi mới biết, anh Tế ấy chính là một đảng viên Cộng sản từ những năm 1930, từng bị giặc bắt giam. Ra tù, anh mới chọn nghề làm thợ may để độ nhật và cũng để có vỏ bọc mà tiếp tục tuyên truyền cách mạng. Chính anh Tế đã là người dần dà giác ngộ cách mạng cho tôi. Và năm 1938, anh Tế đã giới thiệu tôi vào Đảng...
Mạnh bạo chứ không phiêu lưu
Tôi biết là trong cuộc đời hoạt động của mình, ông đã từng đảm đương nhiều công việc khác nhau. Nhưng trong ký ức của rất nhiều người, ông trước hết vẫn nổi bật lên là vị Tư lệnh của chiến trường Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh. Bây giờ, sau rất nhiều năm trôi qua thì ông còn giữ lại được kỷ niệm gì sâu sắc nhất về con đường Hồ Chí Minh và những người lính của ông ở trên dải Trường Sơn?
- Đúng là tôi đã phải trải qua rất nhiều công việc, có việc chỉ phụ trách được có 5 tháng. Và thời kỳ công việc coi như là ổn định nhất thì đúng là 10 năm ở Trường Sơn.
Ông cảm thấy Trường Sơn đã giúp ông thu nhận được những kinh nghiệm gì?
- Có thể nói thế này, Trường Sơn chính là nơi mà tôi thể hiện được những kiến thức quân sự đã học được ở trường, ở Học viện Quân sự Cao cấp. Hay nói cách khác, đó là nơi tôi thể hiện, thực hiện ý thức quân sự của cả quá trình ở trong quân đội, không phải chỉ riêng Học viện. Bởi chính ở Trường Sơn, tôi đã là người chủ chốt cho nên tôi có đủ quyền để cùng với tập thể lãnh đạo chỉ huy quyết định những việc đại sự.
Tôi nhớ đã đọc được ở đâu đó rằng, năm 1958, khi được phong quân hàm đại tá, ông mới 35 tuổi và năm 1964, sau khi đi học ở Học viện Quân sự Cao cấp tại Bắc Kinh, về nước, ông đã được phong làm Tổng Tham mưu phó. Khi ấy, ông cũng chỉ mới 41 tuổi... Bây giờ, ở tuổi tứ thập, cùng lắm chỉ có thể lên tới cán bộ cấp sư đoàn cũng đã là nhanh lắm rồi!
- Ngay năm 1965, tôi đã được cử vào làm Chính ủy kiêm Bí thư Quân khu 4 cùng với Tư lệnh Nam Long. Với anh Nam Long thì chúng tôi đã có kỷ niệm với nhau từ những năm kháng chiến chống Pháp. Năm 1949, khi được đi học lớp trung cao cấp quân sự ở Việt Bắc do Thiếu tướng Trần Tử Bình và Thiếu tướng Lê Thiết Hùng phụ trách, tôi đã được chỉ định làm chính trị viên đại đội học viên, kiêm bí thư chi bộ nhà trường, còn anh Nam Long làm đại đội trưởng. Giờ gặp lại nhau ở Quân khu 4 thì rất vui. Anh Nam Long là người dân tộc, là con người quý lắm, chất phác, bản lĩnh, trung thành, lại rất có tình với đồng chí, đồng đội. Anh ấy là Tư lệnh, tôi là Chính ủy nhưng những ý kiến mà tôi nêu ra thì anh đều ủng hộ hết. Ví dụ, tôi nói, bây giờ phải tổ chức mạng lưới phòng không của Quân khu 4 thành chiến tranh nhân dân thực sự chứ không phải chiến tranh nhân dân chỉ trên danh nghĩa, thì vấn đề thứ nhất là, phải tổ chức lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, từ trọng điểm ra đến thôn xóm. Anh Nam Long nghe thế thì rất ủng hộ… Thứ hai, vì vũ khí mình ít mà không quân địch lại mạnh nên mình phải biết cách kết hợp thật với giả, trận địa thật với trận địa giả, thực hiện nghi binh có nghệ thuật. Cho nên cứ dùng thợ mộc làm trận địa bằng cây phi lao đặt ở trên...
Những ngọn đồi cao...
- Đúng thế. Nhưng radar thì lại phải là thật.
Radar thật, nhưng súng thì giả?
- Radar thật, còn súng thì giả. Lúc đó mới thật sự là nghi binh. Rồi mình cũng phải để một hai khẩu đội ở xung quanh bắn thật...
Phải hư hư thực thực chứ hoàn toàn là giả thì địch nó sẽ không dễ bị mắc lừa.
- Nếu chỉ nghi binh theo kiểu thô sơ thì không ăn được đâu.
Đan xen cả thật lẫn giả trong đấy. Đó là “nguyên tắc vàng” không chỉ của phép nghi binh mà còn của rất nhiều sự trên đời (cười).
- (Cũng cười): Thứ ba là phải kết hợp vừa chốt trận địa vừa cơ động linh hoạt để phản tập kích bất ngờ vào kẻ địch. Thí dụ khi máy bay địch đánh cầu Cấm thì vì cụm pháo ở khu vực đó yếu nên mình phải chi viện, dùng cả một đại đội đi tới đó, đích thân tôi chỉ huy, đi mất cả một ngày, vừa đi vừa bắn. Hạ được hai máy bay...
Tôi nghe nói ông thường đưa ra những giải pháp bất ngờ đối với tư duy thông thường khi đó nên cũng hay gặp những sự chưa hẳn đồng thuận, có đúng vậy không ạ?
- Những việc làm trên đều được Tư lệnh Nam Long ủng hộ nên đều thực hiện được. Còn tới chuyện sau đây, mặc dù cũng được Tư lệnh ủng hộ, nhưng mình vẫn bị gay go. Số là, khi ấy Liên Xô có chi viện cho nước ta mấy bộ đèn chiếu bắn ban đêm, Quân khu 4 được cấp cho một bộ 6 chiếc. Anh em mang về cất trong kho. Tôi mới bàn với anh Nam Long và được anh đồng ý cho mang ra sử dụng, để bắn ban đêm khi máy bay địch vào. Khi 7 máy bay địch rầm rộ tiến vào bầu trời trên thành Vinh thì đèn của ta chiếu lên sáng rực cả. chúng hãi quá nên vội vàng tháo chạy ngay.
Không vào ném bom nữa?
- Không vào ném bom nữa. Mình bắn vu vơ thôi mà nó cũng không vào nữa. Và cũng thấy lạ, tại sao...
Tại sao Việt Nam lại loại có đèn này?
- Tại sao Việt Nam lại có loại đèn này? Thế nhưng, trong lúc ấy thì ông Bí thư tỉnh Nghệ An lại điện cho Trung ương để phản đối, cho rằng làm thế là mạo hiểm. Cho nên “ông” Tổng cục Chính trị đã cử người vào. Gặp tôi, tôi bảo, Liên Xô họ viện trợ đèn cho mình để mình bắn chứ có phải để cất trong kho đâu, sao các anh phí phạm thế! Thế nhưng, anh cán bộ được cử vào dứt khoát không chịu nghe tôi. Vì lý lẽ của anh ấy là, ban đêm thì đèn pin cũng phải cấm, khăn mặt trắng cũng không được phơi ngoài sân... Buồn cười lắm.
Mỗi thời có một kiểu quá đà của nó... Thế ông vì vụ này có bị “xử lý” gì không?
- Cách nghĩ ấy, theo tôi, là do kiến thức quân sự kém và sự am hiểu binh khí kỹ thuật cũng kém. Có trong tay vũ khí khí tài rất tốt nhưng mà cất trong kho, đấy là có tội... Thế nhưng, ông Bí thư tỉnh cứ nghĩ như thế và gửi điện ra Trung ương. Tôi nghe nói là khi đọc bức điện này, anh Ba (đồng chí Lê Duẩn – HTQ) cứ cười, nhưng các vị khác thì lại đồng ý với ý kiến của Bí thư tỉnh. Họ kết luận là làm theo cách của tôi là phiêu lưu, mạo hiểm. Và thế là tôi thôi làm Chính ủy Quân khu 4.
Một năm, ba lần
thay đổi công tác
Đó là vào năm bao nhiêu vậy?
- Vẫn trong năm 1965. Lúc giữa năm.
Vậy nghĩa là ông chỉ làm Chính ủy Quân khu 4 được có vài tháng...
- Tôi về Hà Nội nghỉ được ít thời gian thì trên lại điều đi luôn, mà đi làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ đội Tình nguyện Trung Hạ Lào. Tôi bảo, các anh cứ điều, đi đâu tôi cũng đi được, nhưng mà đi chỗ nào có chiến tranh ác liệt thì tôi đến. Sau khi chỉ huy đánh thắng trận Ma Ha Xay và tấn công tiêu diệt hàng loạt cứ điểm của ngụy Lào -Thái, tôi lúc đang đi trên đường 9, thì bị máy bay địch bắn vào xe nên bị thương nặng.
Ông đã bị thương nặng?
- Đạn dính vào động mạch chính. May mà đội phẫu thuật của mình đóng ở gần đó nên cấp cứu kịp thời, chứ nếu chậm tí nữa là chết... Rồi tôi về Hà Nội điều trị tại Quân y viện 108. Khi sức khỏe đã bình phục, tôi thông qua anh Song Hào, đề đạt nguyện vọng lên Quân ủy Trung ương, xin ra chiến trường. Và tháng 5-1966, tôi đã được điều vào làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn – Đoàn 559.
Và ông ở đó bao nhiêu lâu ạ?
- Thực ra, mới chân ướt chân ráo ở Đoàn 559, đang sốt sắng tìm hiểu tình hình và triển khai công việc thì ngay tháng 7-1966, tôi lại phải chuyển công tác.
Một năm mà ba lần thay đổi công tác!
- “Đá lăn, chẳng mọc được rêu”, trong tình cảnh đó thì khó làm được việc gì cho ra tấm ra món. Có lẽ người ta nghĩ rằng ông này bị thương nặng thế chả làm được cái gì hơn nên điều tôi sang làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Khi Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cầu Đinh Đức Thiện ướm hỏi tôi về phân công công việc thì tôi bảo, làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần hay làm trưởng thì tôi cũng chả ngại gì cả, nhưng bây giờ có chiến tranh, tôi phải đến nơi có chiến sự...
Đâu có chiến sự thì đấy mới là nơi phải đến.
- Thế là đồng chí Đinh Đức Thiện mới cử tôi đi làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương, phụ trách tuyến sông Lam.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (giữa) duyệt phương án vận chuyển xăng dầu cho mặt trận Tây Nguyên năm 1969 (Ảnh: VOV).
Không phòng ngự đơn thuần
Tôi có nghe kể là, mặc dù rất quý ông, nhưng đồng chí Đinh Đức Thiện, với tính “thẳng như ruột ngựa” của mình, đã nói: “Không hiểu cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị đi làm vận tải thì sẽ xoay sở ra sao đây”...
- Đúng là như thế. Khi làm việc xong, anh Thiện vừa động viên vừa có ý khích tôi, nói: “Cậu từng là Tổng Tham mưu phó, nay lại về chính quê hương “tuyến lửa”, cậu hãy thử sức trên cương vị mới, trọng trách mới!”…
Khiển tướng không gì bằng khích tướng!
- Thì cũng chẳng sao. Và vào trong đó rồi, tôi mới phát hiện ra một vấn đề. Thực ra, cái này tôi đã bắt đầu nhìn ra ngay từ khi vào làm Chính ủy Quân khu 4. Khi chỉ huy sở Quân khu 4 rời lên Nam Đàn, các lãnh đạo đều vào nhà dân ở. Hằng ngày, làm việc xong ra sân rửa mặt thì tôi mới phơi khăn mặt trắng ở sân. Thì có cậu bảo vệ đi từng nhà thu những khăn mặt phơi như thế, các nhà khác họ biết, họ cất đi, còn tôi tôi cứ phơi đấy. Khi thấy cậu bảo vệ đến thu, tôi mới bảo, ơ, khăn của tôi phải để đấy cho tôi chứ! Cậu ấy cự lại, có lệnh là phải thu, chứ không máy bay nó thấy... Tôi hỏi, ai ra lệnh này? Và tôi bảo, thôi, cháu để ấy cho bác, không việc gì đâu, nhưng bác nói với cháu, máy bay nó nhìn thì nó phải thấy mái ngói to hơn chứ, còn cái khăn này thì chỉ bé như bàn tay thôi (cười). Sau đó, ra họp Quân khu, tôi bảo, tình hình này thì coi như là ta không đánh thắng nổi chiến tranh phá hoại đâu, vì không hiểu địch, hiểu ta...
Không tri nhân, không tri kỷ...
- Vào khu 4, tôi thấy tình trạng rất phổ biến lúc đó là: tất cả lấy phòng tránh là chính.
Không chủ động. Không lấy tấn công làm phòng ngự mà lấy phòng tránh là chính.
- Phòng tránh là chính, phòng tránh đến nỗi cái đèn pin bọc ba lớp giấy rồi mà vẫn còn cấm. Phòng tránh theo kiểu đó là cực đoan đến cao độ. Cho nên ông Bí thư Nghệ An phản đối việc dùng đèn chiếu sáng thì cũng dễ hiểu thôi. Sau này, khi tôi đã làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Bí thư ấy được cử đi làm Đại sứ ở Liên Xô. Tôi gặp, tôi mới nói đùa rằng, lần này sang Moskva, anh nên hỏi xem Liên Xô dùng đèn chiếu sáng ấy để làm gì? (cười)
(Cũng cười): Thế ở Bộ Tư lệnh Tiền phương của Tổng cục Hậu cần, ông có phát hiện ra biểu hiện nào của tư tưởng phòng tránh là chính không?
- Khi cần mạo hiểm thì mình phải mạo hiểm, chứ không địch nó cưỡi lên đầu mình ngay. Vào trong đó, tôi thấy, ô tô lúc đó chủ yếu chỉ được chạy ban đêm, mưa cũng chạy ban đêm, nắng cũng chạy ban đêm, sương mù dày dặc cũng chạy ban đêm, chứ ban ngày thì không chạy mặc dù có đường đá. Mà chạy lại chỉ từng chiếc một, mạnh ai nấy đi, không có đội hình gì cả... Và tôi đã điện về cho anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - HTQ), tôi bảo, kiểu này thì không đánh lớn được đâu anh ạ... (cười). Anh Văn bảo tôi ra cho anh gặp. Ra Hà Nội, tôi báo cáo, tôi nói với anh Văn rằng, tư tưởng phòng tránh ăn sâu trong lòng dân, đến cả từ tướng tới lính, thậm chí ở cả cấp rất cao, tất cả đều bị tư tưởng phòng tránh ăn sâu vào đầu rồi, tư tưởng phòng ngự đơn thuần. Đương nhiên, phòng ngự với tấn công là hai mặt của vấn đề, nhưng mà nếu đơn thuần phòng ngự không thì rất là nguy hiểm... Một hôm tôi đi kiểm tra trên đường, tôi thấy đường đá nhưng cũng có chỗ lầy, bộ đội ta mới chặt cành cây xanh vất xuống để chống lầy cho xe vận tải đi qua. Tôi làu bàu bảo, đây là “biểu diễn văn công” chứ không phải làm vận tải quân sự, cành cây xanh mà ném vào nước thì tạo thành chất keo khiến xe không vượt nổi...
Nó dính vào bánh xe...
- Tôi bảo, đá có đầy đây, tại sao các đồng chí không đổ đá vào; mặc dù đi lộp cộp một tí, nhưng vẫn còn hơn. Đó là một sự bất cập.
Thế còn những bất cập nào nữa mà ông phát hiện ra không?
- Tôi nhớ, khi học ở Học viện Quân sự Cao cấp Bắc Kinh về nước, tới sân bay Gia Lâm, sương mù dày đặc, máy bay không xuống được, phải quay lại sân bay Nam Ninh, Trung Quốc. Sang bên Trung Quốc, tôi mới hỏi các anh em lái là, tại sao về Gia Lâm rồi lại phải quay sang đây? Anh em bảo, khi mây dày đặc như thế thì không thể xuống thấp được. Hỏi tiếp thì tôi được biết là khi đó máy bay đang ở độ cao 300 mét trên mặt đất... Đến khi về làm Chủ nhiệm Tổng cục Tiền phương, lúc ấy có quyền rồi, thì tôi đi kiểm tra thực địa và ngạc nhiên là vì sao ngay cả khi sương mù dày đặc như thế mà xe vẫn không chạy ban ngày. Và tôi quyết định đổi cách chạy xe, những lúc bầu trời bị sương mù che phủ bởi gió mùa đông bắc thì xe có thể chạy cả ban ngày, ngay cả khi máy bay Mỹ đang gầm rú trên đầu. Không biết tận dụng thiên thời ấy là bỏ phí thời cơ. Cần phải nhớ rằng, gió mùa đông bắc, mưa phùn ở Quảng Bình, Hà Tĩnh là ghê gớm lắm...
Xin phép được nói với ông rằng, bố tôi, khi ấy là một binh trạm phó ở Trường Sơn, được trực tiếp chứng kiến cảnh ông đưa ra quyết định tương tự khi vào làm Tư lệnh Đoàn 559, đến bây giờ vẫn thường xuyên nói với tôi rằng, ông đã làm một cuộc cách mạng ở Trường Sơn với quyết định táo bạo đó. Và bố tôi cứ thắc mắc rằng, tại sao lại không phong cho ông danh hiệu Anh hùng các Lực lượng Vũ trang? Tôi mới nói đùa với bố tôi rằng, ở thời của bố, các vị tướng chỉ nghĩ tới việc tặng danh hiệu Anh hùng cho những người lính dưới quyền để động viên họ, chứ không ai tự động viên mình bằng danh hiệu ấy cả. Đã là tướng thì dĩ nhiên phải anh hùng rồi thì mới điều binh thắng lợi trong giai đoạn toàn nước sôi lửa bỏng ấy…
- (Cười): Cho tôi gửi lời hỏi thăm tới bố của Hồng Thanh Quang. Và xin kể tiếp. Khi tôi đưa ra quyết định đó, không ít người trong cơ quan tỏ ý lo ngại. và có người lại phản ánh ra với Tổng Tư lệnh. Và Tổng cục Chính trị lại cử thanh tra vào. Tôi mới nói rằng, các anh cứ yên tâm, ở đây tôi làm theo khoa học thực tế chứ không phải phiêu lưu đâu. Các anh cứ ngồi đây kiểm tra một tuần xem có chuyện gì không, cần thì đi theo tôi, tôi đảm bảo là các anh không ai bị hy sinh đâu (cười). Và cứ thế, hễ trên đài báo sáng mai gió mùa đông bắc, mưa phùn...
Là ông lại cho quân đi...
- Là cho xe đi. Đi một lần ban ngày bằng 15 lần đi ban đêm. Trước đây đã 2 năm không thực hiện được kế hoạch. Tôi vào làm một tháng thì xong luôn kế hoạch phải làm. Điện về báo cho ông Thiện. Ông Thiện nói ngay, anh đúng là con nhà quân sự có khác. Tôi mới bảo, thế mà ngày xưa anh cho là tôi không làm nổi! (cười). Mình cũng biết ông Thiện là người chân thật, đứng đắn, tranh luận thẳng thắn, không sợ gì cả. Ông bảo, tôi ủng hộ anh, mình phải có cách làm của mình, chứ phụ thuộc “mấy ông chính trị” thì chỉ bét thôi (!) (cười). Tôi làm trong hai tháng thì xong kế hoạch cả năm! Xong rồi, đến tháng 12, anh Văn phái ông Thiện vào nói với tôi, thôi, bây giờ anh kiêm luôn cả Đoàn 559, vì cách làm của Đoàn 559 cũng giống như bộ phận tiền phương ở đây. Tôi bảo, nếu khó, càng khó, thì tôi càng đi, càng xin đi làm. Và tháng Giêng năm 1967, tôi sang làm Tư lệnh 559...
Tôi biết câu chuyện làm Tư lệnh của ông ở Đoàn 559 rất kỳ thú. Nhưng có lẽ đó sẽ là nội dung của cuộc trò chuyện sau, nếu ông cho phép. Tôi chỉ muốn hỏi ông thêm một điều trong buổi trò chuyện hôm nay. Tôi nghe rất nhiều chuyện về thái độ và sự ưu ái của ông đối với đội ngũ văn nghệ sĩ ở Trường Sơn, đặc biệt là anh Phạm Tiến Duật. Ông có nhớ lần đầu ông gặp anh Duật thế nào, làm sao ông phát hiện ra ở một anh lính bình thường tư chất nhà thơ để từ đó ông có chính sách ưu ái như thế?
- Lần đầu tiên tôi biết tới cái tên Phạm Tiến Duật là lúc đang ở Bộ tư lệnh 559 thì nhận được điện từ Binh trạm 12 gọi vào báo cáo, có một anh nhà thơ vào, nhưng anh ấy không chịu đi theo đường giao liên mà lại cứ đòi ngồi ô tô. Nhưng ngồi ô tô đi là nguy hiểm lắm, chúng tôi không dám cho đi... Tôi trả lời, một nhà thơ như thế thì chưa cần làm thơ cũng đã là nhà thơ rồi, các anh cứ cho lên ngồi xe đi, không bắt đi theo đường giao liên. Chính nhờ đi như thế nên Duật đã viết được bài thơ đầu tiên, “Tiểu đội xe không kính” (cười). Một con người như thế là được!
Dũng cảm!
- Dũng cảm! Khi Duật gửi lên cho tôi bài thơ “Tiểu đội xe không kính”, tôi thấy người thế này mà ở Trường Sơn là đúng rồi. Tôi mời lên Bộ Tư lệnh gặp, bảo, chú ở đây, gì chứ đậu xanh thì thừa, chú cứ việc làm thơ... Nhưng tay này lại thích đi, không ngồi yên một chỗ được. Tôi bảo, cậu triệu tập thêm bạn bè làm thơ vào đây. Sau đó có tới 13 đoàn văn công vào. Tôi vẫn nói, văn công cũng là một binh chủng, binh chủng động viên thì là nhất!
Vâng, rất quan trọng đối với tinh thần của mọi người. Xin cảm ơn ông và chúc ông luôn mạnh khỏe!