Trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường Đại học (ĐH), đã cân đối chỉ tiêu. Bên cạnh đó, một số trường cũng đưa ra phương án tuyển sinh riêng hứa hẹn một mùa thi - tuyển với nhiều đổi mới.
Ảnh minh họa.
Điểm mới trong kỳ thi THPT Quốc gia
Năm 2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia để lấy điểm xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng (CĐ). Về cơ bản kỳ thi vẫn được diễn ra tương tự như năm 2015. Tuy nhiên, với từng hạng mục, định hướng của Bộ GD&ĐT cho kỳ thi năm nay đã có cải tiến đáng kể.
Trong đó, về việc ra đề thi, Bộ GD&ĐT cho biết: Năm 2016 đề thi sẽ được ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, đảm bảo độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Tương tự như năm 2015, các câu hỏi ở mức độ cơ bản trong đề thi chiếm khoảng 60%, đảm bảo các thí sinh đủ điều kiện dự thi và ôn tập tốt sẽ làm bài đạt mức điểm đủ để công nhận tốt nghiệp THPT. Các câu hỏi ở mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% để phục vụ mục đích tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, sẽ tăng cường câu hỏi ở mức vận dụng cao trong số 40% các câu hỏi yêu cầu nâng cao…
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, sẽ tăng số lượng cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi tại các cụm thi tốt nghiệp; tăng số lượng cán bộ, giáo viên thuộc sở GD&ĐT tham gia chấm thi tại các cụm thi ĐH. Các sở GD&ĐT và các trường ĐH chủ trì cụm thi công bố kết quả thi tạo thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh tra cứu kết quả thi. Rút kinh nghiệm từ đợt thi trước, Bộ GD&ĐT lên phương án tuyển sinh cho năm 2016 đỡ phức tạp hơn. Trong đó, thời gian đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và xét tuyển cho đợt đầu tiên là 12 ngày; mỗi thí sinh được ĐKXT vào tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo. Các đợt xét tuyển kế tiếp, thời gian ĐKXT và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh ĐKXT mỗi đợt vào tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo.
ĐHQGHN: Thi tuyển vào tháng 5 và tháng 8
Bên cạnh kỳ thi THPT Quốc gia, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQGHN cũng nhận được sự quan tâm của xã hội. Đầu năm 2016, ĐHQGHN cũng đã đưa ra thông tin chính thức về phương thức tuyển sinh của nhà trường trong năm 2016. Năm nay, ĐHQGHN tiếp tục áp dụng Đề án tuyển sinh ĐH chính quy theo phương thức ĐGNL như mùa tuyển sinh 2015, có điều chỉnh một số nội dung trong đề án cho phù hợp.
Về bài thi ĐGNL, ĐHQGHN cơ bản giữ nguyên như năm ngoái với 140 câu hỏi trắc nghiệm, trong thời gian làm bài là 195 phút. Thí sinh dự thi vào ĐH Ngoại ngữ tiếp tục thi thêm bài thi môn Ngoại ngữ trong thời gian 90 phút; Về địa điểm tổ chức thi, ĐHQGHN cho biết sẽ tổ chức tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng; Về thời gian thi, ĐHQGHN tổ chức thi ĐGNL trong 2 đợt. Đợt 1, từ ngày 5-5 đến ngày 8-5 và từ ngày 13-5 đến ngày 15-5. Đợt 2, từ ngày 5-8 đến ngày 15-8.
Kết quả bài thi ĐGNL có giá trị để đăng ký xét tuyển vào ĐHQGHN và vào các trường ĐH, CĐ không thuộc ĐHQGHN có công bố sử dụng kết quả bài thi ĐGNL và đã được ĐHQGHN đồng ý để xét tuyển. Kết quả bài thi ĐGNL được bảo lưu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi. Được biết, đến nay đã có 6 trường ngoài ĐHQGHN đăng ký sử dụng kết quả bài thi ĐGNL để làm căn cứ tuyển sinh.
Về thời gian ĐKDT, đợt 1 từ 8h00 ngày 2-3 đến 17h00 ngày 22-3; Đợt 2 từ 8h00 ngày 15-6 đến 17h00 ngày 25-6. Thí sinh ĐKDT theo thời gian quy định của mỗi đợt thi và được ĐKDT tất cả các đợt thi.
Cơ bản, phương án xét tuyển vào các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN vẫn giữ ổn định như năm 2015. Thời gian xét tuyển, ĐHQGHN tổ chức xét tuyển 2 đợt. Đợt 1, dự kiến vào cuối tháng 7-2016. Đợt 2, dự kiến vào cuối tháng 8-2016.