Thời điểm này nhiều thí sinh lớp 12 đã nhận được kết quả trúng tuyển đại học (ĐH) xét tuyển bằng học bạ và cả kết quả thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia băn khoăn về sự chênh lệch trình độ thí sinh giữa các hình thức xét tuyển.
Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Rối mù phương thức xét tuyển
Ngày 24/7, trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh là trường ĐH đầu tiên trong cả nước công bố điểm trúng tuyển ĐH hệ chính quy năm 2019. Trong đó, ngành luật thương mại quốc tế có điểm chuẩn cao nhất là 23; thấp nhất là ngành quản trị kinh doanh với 17 điểm. Mức điểm trên (không nhân hệ số) cụ thể của các ngành theo từng tổ hợp xét tuyển, dành cho thí sinh thuộc khu vực 3. Đây là mức điểm được tính dựa trên 2 giai đoạn thực hiện theo Đề án tuyển sinh riêng của trường gồm xét tuyển sơ bộ và kiểm tra năng lực với 3 tiêu chí: học bạ (chiếm tỷ trọng 10% điểm trúng tuyển), điểm thi THPT quốc gia năm 2019 (chiếm tỷ trọng 60% điểm trúng tuyển) và điểm kiểm tra năng lực (chiếm tỷ trọng 30% điểm trúng tuyển).
Trong khi đó, nhiều trường đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ từ trước cả khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT. Đơn cử, trường ĐH Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh (ĐH Quốc gia TP HCM), trường ĐH Bách khoa TP HCM đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển bằng học bạ ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia. Không những thế, trường ĐH Công nghệ TP HCM còn thông báo những thí sinh trúng tuyển đợt 1 (ngày 30/6) vào trường bằng học bạ thì nhập học từ ngày 17/7 đến ngày 30/7. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GDĐT từ ngày 22/7 đến 31/7 là thời gian thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng (NV). Nên nếu thực hiện nhập học trong thời gian này, thí sinh sẽ mất cơ hội lựa chọn vào những trường khác.
Đây không phải là hiện tượng cá biệt mà việc thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác ngoài kết quả thi THPT quốc gia với yêu cầu nhập học sớm trước thời gian Bộ GDĐT quy định điều chỉnh NV diễn ra khá nhiều khiến các thí sinh và gia đình không khỏi băn khoăn.
Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Sơn- Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng việc một số trường xét tuyển học bạ nhưng lại yêu cầu thí sinh xác nhận trúng tuyển trước khi xét tuyển chung một ngày (vào đầu tháng 8) tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các trường. Nhiều em đứng trước sự lựa chọn là xác nhận trúng tuyển thẳng theo học bạ hay lấy kết quả thi THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển vào chương trình hoặc trường theo NV của các em đó. Nếu chúng ta yêu cầu các em phải xác nhận nhập học sớm là đã tước đi quyền của thí sinh trong đợt xét tuyển chung, ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường khác.
Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ Phó Vụ ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng về phía các thí sinh sẽ bị rối thông tin khi có nhiều cơ hội trúng tuyển bằng các phương thức khác nhau. Tự chủ tuyển sinh là quyền của các trường đã được quy định rõ trong Luật GD ĐH sửa đổi 2019 với các phương án tuyển sinh dựa vào kết quả học tập THPT; kết quả thi THPT quốc gia hoặc có thể sử dụng cả hai phương án, phương án xét tuyển riêng… Nhưng không thể vì cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thí sinh mà các trường có thể làm sai quy định của Bộ GDĐT. Cụ thể, Bộ đưa ra quy định là tuyển sinh 50% bằng học bạ, 50% là điểm thi THPT quốc gia nhưng đến khi không đủ điều kiện thì có trường lại xét tuyển đến 80% bằng học bạ.
Thực tế này đã xảy ra nhiều năm khi qua khi qua kiểm tra, ông Nguyễn Huy Bằng- Chánh Thanh tra Bộ GDĐT cho biết, đã phát hiện đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án. Nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo. Chính vì vậy, ngay từ đầu mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GDĐT cũng đã phải ra một văn bản chấn chỉnh công tác tuyển sinh của các trường.
Lo lắng sự chênh lệch
Theo quy định của Bộ GDĐT, mỗi thí sinh sẽ chỉ xác nhận nhập học vào một trường duy nhất. Với việc có nhiều hình thức xét tuyển sẽ gây rối nhất định cho thí sinh. Với hệ thống tuyển sinh, cũng gây ra hiện tượng ảo nhất định. Chẳng hạn, một thí sinh vừa đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào một trường A, vừa được trường B tuyển thẳng theo kết quả là học sinh giỏi nhưng vẫn đăng ký xét tuyển theo nguyện vọng 1-2-3-4 vào các trường khác. Như vậy, một thí sinh cùng một lúc có 3-4 kết quả xét tuyển vào các trường, khi đó sẽ khó nắm bắt tức thời tình trạng tuyển sinh của từng trường như thế nào.
Đây cũng là băn khoăn của nhiều chuyên gia khi việc đánh giá chất lượng đầu vào giữa hình thức “xét học bạ” và “sử dụng kết quả thi THPT quốc gia tuyển sinh” liệu có sự “vênh” nhau hay không. Nhất là khi bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay vẫn còn đất sống thì việc xét điểm bằng học bạ, thậm chí bằng kết quả kỳ thi tuyển sinh riêng của trường trên thực tế vẫn còn có sự chênh lệch giữa trình độ giữa các thí sinh. Đặc biệt, với khối ngành y dược mặc dù Bộ GDĐT đã quy định điểm sàn riêng cho các trường nhưng một số trường lách luật bằng đề án tuyển sinh riêng với kỳ thi riêng nên điểm chuẩn thực tế vào trường vẫn là một vấn đề đáng lo lắng. Nhất là chất lượng của kỳ thi riêng do nhà trường tổ chức vẫn chưa được kiểm chứng.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An, trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH vừa có hiệu lực, quyền tự chủ của các trường được mở rộng đòi hỏi các trường ngày càng phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong nhà trường. Việc các trường được tự chủ xác định phương thức tuyển sinh, tự chủ tham gia hệ thống xét tuyển, lọc ảo toàn quốc, tham gia các nhóm xét tuyển miền Bắc, miền Nam đã làm cho kỳ xét tuyển ĐH được minh bạch, công bằng, khách quan và nhẹ nhàng hơn so với trước đây.
Đồng thời xây dựng chính sách chất lượng cho trường mình, bắt đầu từ việc chú trọng chất lượng đầu vào; tăng cường quản lý chất lượng trong quá trình đào tạo; đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra; cũng như việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Qua đó thực hiện sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược phát triển của mỗi trường; khẳng định năng lực, vị trí, uy tín của trường mình trong cả hệ thống.