Tuyển sinh lớp 10 THPT: Trường tốt nhất là trường phù hợp nhất

Lam Nhi 15/04/2022 08:39

Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2022 - 2023 đang đến gần. Nhiều lưu ý với các thí sinh và gia đình do năm học này sẽ triển khai Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10 với những điểm mới, khác biệt so với những năm trước.

Thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào lớp 10. ảnh minh họa

Thận trọng “kép”

Năm học 2022-2023, toàn thành phố Hà Nội dự kiến có khoảng 129.000 học sinh (HS) xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 19.000 HS so với năm học 2020 - 2021). Trong đó các trường công lập tuyển khoảng 77.000 HS, tăng khoảng 10.000 HS và các trường ngoài công lập tuyển khoảng 27.000 HS, tăng khoảng 4.000 HS so với năm học trước… Như vậy, cuộc đua vào lớp 10 trường công lập sẽ tăng nhiệt hơn năm ngoái do số HS tăng thêm nhiều hơn số chỉ tiêu tuyển sinh thêm.

Theo ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), năm học 2022-2023 HS lớp 10 cả nước sẽ học chương trình mới. Chương trình THPT được xây dựng theo hướng phân hóa và với định hướng nghề nghiệp cao. HS sẽ được lựa chọn một số môn học theo năng khiếu, sở thích và tương lai nghề nghiệp của mình.

Mỗi trường sẽ đưa ra các phương án dạy học phù hợp với đội ngũ giáo viên, những điểm mạnh về chuyên môn… để xây dựng các tổ hợp môn tự chọn, chỉ tiêu các lớp cho từng tổ hợp môn tự chọn. HS cần nắm bắt sớm, kỹ lưỡng các quy định, kế hoạch về tuyển sinh lớp 10, thông tin về tổ hợp môn tự chọn của từng trường THPT để đặt bút điền nguyện vọng cho chính xác.

Đồng thời, HS cần đăng ký nguyện vọng phù hợp với năng lực, tránh tình trạng chọn trường chỉ dựa trên điểm chuẩn trúng tuyển của các năm học trước. Đó chỉ nên là số liệu tham khảo vì kỳ tuyển sinh năm nay sẽ khác nhiều do thay đổi chương trình mới bằng các môn bắt buộc và tự chọn, chỉ tiêu mỗi tổ hợp môn tự chọn của từng trường THPT.

Đừng áp đặt ý chí của cha mẹ lên con

Theo ông Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), nếu như nguyện vọng đăng ký của HS và ý kiến của cha mẹ giống nhau thì việc chọn trường sẽ đơn giản hơn nhiều. Nhưng nếu hai bên có ý kiến trái chiều thì cần phải làm gì? Phụ huynh nên tôn trọng ý kiến của con, nguyện vọng của các em sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Phụ huynh nên đóng vai trò tư vấn và thuyết phục để giúp các em có sự lựa chọn tốt nhất dựa trên kinh nghiệm thực tế của các HS đã và đang học tại trường, lời khuyên của giáo viên, kế hoạch giáo dục của nhà trường và mục đích học tập hướng tới tương lai của con…

Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Minh Tuấn - Cố vấn khoa học của Hệ thống giáo dục CEO Việt Nam High School cho rằng, để đưa ra một quyết định chọn trường đúng đắn thì việc đầu tiên phải làm rõ khía cạnh tư tưởng. Sẽ là mâu thuẫn nếu phụ huynh mong muốn con là đứa trẻ năng động, tự tin nhưng tư tưởng khi chọn trường lại phải là trường có quy mô lớn, có giáo viên nghiêm khắc, con được rèn về học tập liên tục, hoặc phải vào trường có thương hiệu đào tạo học sinh giỏi về kiến thức…

Mỗi trường đều có ưu điểm và thế mạnh riêng nên việc chọn trường nào cần cân nhắc đến mọi yếu tố phù hợp giữa hai bên, không chỉ là năng lực của con, địa điểm gần nhà, trường nội trú - ngoại trú hay mô hình trường tiên tiến, trường chuyên…

Không chỉ một con đường

Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm nào cũng nóng bởi chỉ tiêu tuyển sinh luôn ít hơn số HS có nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Dù có rất nhiều ngã rẽ khác như học trường dân lập, học nghề… nhưng chưa nhiều phụ huynh quan tâm đến hướng đi này.

Mặc dù những năm gần đây nhiều HS, phụ huynh đã có tâm lý cởi mở hơn với học nghề song nhìn chung, đa số mọi người vẫn còn mặc định về lộ trình học tập của một người trẻ. Đó là học hết cấp II thì sẽ cố gắng thi đỗ lên cấp III; hết cấp III lại tiếp tục thi lên đại học, cao đẳng. Việc chuyển hướng sang học nghề vẫn là một điều “bất đắc dĩ”, thường là sau khi HS trượt cấp 3 mới quyết định lựa chọn.

ThS Mai Thanh Hằng (Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) tại nghiên cứu “Thực trạng và đề xuất một số giải pháp về nguồn lao động chất lượng cao của Việt Nam” đã chỉ ra một thực trạng đáng báo động. Đó là cơ cấu trình độ của nhân lực lao động Việt Nam đang là: 1 đại học trở lên/0,32 cao đẳng/0,61 trung cấp/0,37 sơ cấp.

Trong khi đó theo quy luật của thị trường lao động, những người lao động trực tiếp (trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp (trình độ đại học). Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam.

Học tập là suốt đời nên mỗi thí sinh và gia đình cần chủ động cân nhắc hướng đi tương lai phù hợp với bản thân. Đừng chạy theo số đông bởi điều đó chưa chắc đã phù hợp với mình trong khi gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của gia đình, thí sinh. Thành công không chỉ có duy nhất một con đường vào đại học là điều thực tế đã chứng minh.

Theo ông Ngô Minh Tuấn - Cố vấn khoa học của Hệ thống giáo dục CEO Việt Nam High School, sẽ không có ngôi trường nào là tốt nhất mà chỉ có ngôi trường phù hợp nhất với mỗi học sinh do nhà trường đồng quan điểm với phụ huynh, học sinh về triết lý giáo dục, về mục tiêu hình ảnh học sinh sẽ đạt được sau khi tốt nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh lớp 10 THPT: Trường tốt nhất là trường phù hợp nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO