Giáo dục

Tuyển sinh lớp 6: Đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh

Thu Hương 05/08/2024 08:05

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2024 - 2025, các trường THCS chất lượng cao, trường công lập tự chủ tài chính hoặc trường tư thục có số lượng học sinh đăng ký đông hơn rất nhiều so với chỉ tiêu, nên sẽ tổ chức xét tuyển kết hợp thi tuyển để chọn học sinh phù hợp. Từ đó vấn đề công bằng cần phải được đặt lên hàng đầu.

anh-cover.jpg
Một tiết học của học sinh lớp 6, Trường THCS Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Giảm áp lực cho thí sinh

Năm học 2024 - 2025, TPHCM có 6 trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức khảo sát năng lực HS. Trong đó, Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa có số lượng HS đăng ký cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, là 4.301 HS đăng ký dự thi, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 350 em. HS vào trường phải trải qua 2 phần thi gồm trắc nghiệm và tự luận. Bài thi hoàn thành trong 90 phút, được HS và giáo viên đánh giá vừa sức, đánh giá toàn diện năng lực sử dụng tiếng Anh, tiếng Việt; Toán học, tư duy logic; khoa học tự nhiên; khoa học xã hội; thường thức đời sống. Cách ra đề thi bao phủ kiến thức, có nhiều nội dung liên quan đến thực tế. Đặc biệt, yêu cầu của phần trắc nghiệm là nội dung về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và vận dụng, giải quyết vấn đề thực tiễn bằng tiếng Anh, từ đó được ứng dụng nhuần nhuyễn trong đời sống.

Tương tự, nội dung bài khảo sát đánh giá năng lực xét tuyển vào lớp 6 của 3 trường THCS thực hiện mô hình trường tiên tiến, chất lượng cao của TP Thủ Đức (TPHCM) là Trần Quốc Toản 1, Hoa Lư, Bình Thọ cũng bao gồm 2 phần như trên. Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP Thủ Đức thông tin, bài thi đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình GDPT 2006, tiệm cận với Chương trình GDPT 2018, chú trọng vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn, có tính phân hóa HS. Ngữ liệu được chọn lọc đưa vào đề khá quen thuộc với HS, trong đó có nội dung giáo dục địa phương, cụ thể là các nội dung liên quan đến TP Thủ Đức nói riêng, TPHCM nói chung.

Theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GDĐT TPHCM, việc TPHCM mở rộng tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức khảo sát năng lực HS tại các trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế là nhằm giảm áp lực tuyển sinh khi nhu cầu đăng ký của phụ huynh vượt quá khả năng đáp ứng của nhà trường; đồng thời tạo thêm cơ hội cho HS và phụ huynh lựa chọn môi trường học tập phù hợp năng lực, điều kiện gia đình. Đặc biệt, việc các địa phương được trao quyền tổ chức kỳ khảo sát gồm quy định thời gian tuyển sinh, cách thức tổ chức, nội dung và mức độ phân hóa của đề khảo sát giúp các quận, huyện và TP Thủ Đức chủ động hơn trong công tác tổ chức, qua đó nâng cao hiệu quả tuyển sinh.

anhbaitren.jpg
Thí sinh thi vào lớp 6 Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) năm học 2024 - 2025. Ảnh: Trang Nhung.

Không luyện thi, liệu có khó đỗ?

Trên thực tế, không chỉ riêng TPHCM mà hiện nay việc tuyển sinh vào lớp 6 ở nhiều trường trên cả nước bao gồm trường tư thục, trường công lập không theo phân tuyến tuyển sinh mà chọn lọc HS phù hợp với mô hình trường chất lượng cao, tiên tiến hoặc mục tiêu đào tạo của nhà trường. Đơn cử tại Hà Nội, có 7 trường THCS chất lượng cao và công lập tự đảm bảo chi thường xuyên là THCS Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Chu Văn An… đang tổ chức thi tuyển kết hợp xét tuyển đầu vào với các bài thi toán, tiếng Việt, tiếng Anh, khoa học tự nhiên và toán; khoa học xã hội và tiếng Việt... tùy trường. Trong khi đó, bài thi lớp 6 vào trường Marie Curie bao gồm 2 bài kiểm tra đánh giá năng lực môn Toán và Tiếng Anh.

Nội dung kiểm tra được các trường nhấn mạnh là thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành của Bộ GDĐT, bảo đảm 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng ở cấp độ thấp và vận dụng ở cấp độ cao. Mặc dù vậy, phần đông giáo viên và HS đều cho rằng nếu không luyện thi sẽ khó đỗ được vào các trường này dù năng lực tốt. Bởi kiến thức giáo viên giảng cho HS trên lớp chỉ cơ bản, nằm trong chương trình, không có phần nâng cao.

Trong khi đó, bài kiểm tra, đánh giá năng lực đầu vào của các trường THCS tổ chức thi tuyển bao gồm cả các câu hỏi khó, đòi hỏi HS đào sâu tư duy. Vì vậy, khi đặt mục tiêu vào các ngôi trường này, thông thường phụ huynh thường định hướng cho con ôn tập từ khoảng lớp 3, lớp 4, thậm chí là sớm hơn để có sự chuẩn bị tốt nhất. Điều này dẫn đến việc học tập với nhiều HS thêm phần áp lực bởi luyện thi thường tổ chức sau giờ học chính khóa. Nếu HS có năng lực tiếp thu tốt thì sẽ không quá vất vả nhưng nếu khả năng có hạn nhưng kỳ vọng của bố mẹ quá cao sẽ khiến trẻ rất căng thẳng.

Thực tế không phải đến mùa tuyển sinh mà quanh năm, các chủ đề liên quan đến kinh nghiệm luyện thi, địa chỉ học thêm… được các phụ huynh sôi nổi chia sẻ trên các diễn đàn đồng hành cùng con ôn thi vào các trường chất lượng cao. Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), trong bối cảnh bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học, học bạ của các em đều đẹp như nhau thì việc xét tuyển đối với các trường đông hồ sơ rất khó khăn. Ngay cả khi căn cứ vào việc thí sinh đã đạt giải ở một kỳ thi nào đó để nhà trường có thể lựa chọn HS thì vẫn tồn tại khả năng có một số trường hợp chạy điểm để có giải. Khi đó nhà trường cũng rất khó có thể phát hiện nên việc tổ chức thi tuyển kết hợp xét tuyển đến nay vẫn là phương án hợp lý và công bằng, dễ nhìn thấy ngay năng lực thực sự của thí sinh.

Đảm bảo công bằng trong tuyển sinh

Nhiều chuyên gia giáo dục ủng hộ việc kiểm tra, khảo sát đầu vào sẽ giúp HS bớt vất vả và công bằng hơn so với việc phải tham gia nhiều cuộc thi để lấy điểm ưu tiên. Tuy nhiên, với mức độ cạnh tranh rất lớn, cuộc đua vào các ngôi trường “hot” này đòi hỏi HS phải ôn tập, rèn luyện kỹ càng ngay từ những năm đầu tiểu học. Nhưng nỗ lực của HS cần được ghi nhận một cách chính xác, thực chất bằng cách đảm bảo công bằng trong tuyển sinh ở mọi khâu.

Vừa qua, kỳ kiểm tra năng lực đầu vào lớp 6 năm học 2024 - 2025 (lớp chất lượng cao) vào Trường THCS Trần Phú, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, gây ra nhiều ồn ào về sự cố điểm bài kiểm tra sau phúc khảo khiến nhiều phụ huynh rất bức xúc. Cụ thể, năm nay có trên 460 HS tham dự kỳ kiểm tra này với tổng số 1.387 bài kiểm tra. Kết quả phúc khảo cho thấy so với điểm ban đầu chênh lệch lớn. Có HS từ 1,25 lên 8,5 điểm, từ 1,5 lên 7,5 điểm, có em sau khi phúc khảo bất ngờ trở thành người thuộc top điểm cao 8,75. Ngược lại cũng có thí sinh từ 8,75 điểm sau khi phúc khảo xuống còn 0,75. Điều này khiến nhiều HS từ đỗ thành trượt và ngược lại.

Những bài thi với kết quả chênh lệch quá nhiều được lý giải bằng nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều là lỗi chủ quan do con người tạo ra khiến dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch, chính xác, khách quan của một kỳ thi tuyển sinh.

Điểm số “nhảy múa” cũng là câu chuyện đang xảy ra ở Thái Bình đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học này. Kết quả phúc khảo cho thấy nhiều thí sinh có điểm thi môn Văn, Toán được công bố ban đầu chỉ 2 - 4 điểm, sau khi phúc khảo thì tăng lên 8 - 9,5 điểm. Các bài thi này tập trung ở các thí sinh thi vào Trường THPT chuyên Thái Bình và Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh - là những trường top đầu của tỉnh Thái Bình, lại một lần nữa khiến dư luận băn khoăn, liệu công tác chấm thi, lên điểm có đúng quy định?

Ông Nguyễn Xuân Khang cho rằng, nhiều sự cố sau các kỳ thi cho thấy dù đã có quy chế thi cử, quy định, quy trình chặt chẽ nhưng vẫn là do con người thực hiện, nên nếu ai đó không làm tốt trách nhiệm của mình, vi phạm do lỗi chủ quan hay khách quan thì đều ảnh hưởng đến chất lượng của một kỳ thi. Khi đó, việc tuyển sinh sẽ khó đảm bảo công bằng với mọi thí sinh. Vì vậy, khâu kiểm tra, kiểm soát từ ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi, khớp phách, nhập điểm… đều phải được thực hiện cẩn trọng, kỹ lưỡng và bài bản để hạn chế tối đa sai sót và tiêu cực có thể nảy sinh.

anhbox.jpg

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, tuyển sinh theo hình thức khảo sát năng lực HS giúp nâng cao chất lượng đầu vào của HS, đảm bảo yêu cầu công bằng, khách quan, đồng thời tạo điều kiện cho HS tiếp cận mô hình trường tiên tiến so với tuyển sinh dựa vào phân tuyến địa bàn.

Tuy nhiên, để tổ chức kỳ khảo sát, địa phương và các trường phải chuẩn bị từ kinh phí tổ chức, đội ngũ nhân lực đến ngân hàng câu hỏi đề thi… để thực sự tuyển chọn được những HS chất lượng, phù hợp với định hướng của nhà trường.

Riêng đối với công tác ra đề thi, các câu hỏi cần gắn liền với thực tiễn cuộc sống HS, gắn với những hoạt động đang phát triển ở địa phương, phù hợp với định hướng phát triển năng lực mà Chương trình GDPT 2018 hướng tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh lớp 6: Đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh