Sáng 10/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2019. VEPR dự báo, mức tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2019 sẽ đạt 7,26 % và tăng trưởng cả năm sẽ đạt mức 7,05 %.
Báo cáo của VEPR cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III/2019 đạt mức 7,31% và trong 9 tháng đạt 6,98%. Trong đó, 9 tháng năm 2019, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,85%, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu 2,02%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 9,56%. Chỉ số sản xuất công nghiệp IPI tăng 9,6%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%.
Báo cáo của VEPR cũng chỉ ra, những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối diện trong thời gian tới. Đó là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Nhật Bản - Hàn Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá trị đồng tiền mạnh và tài sản.
Do vậy theo VEPR, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành lãi suất và tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài.
Cũng theo báo cáo của VEPR, trong quý III, tỷ giá tiếp tục ổn định, mức tăng không đáng kể. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá biến động cũng rất nhẹ và biên độ giảm giá VNĐ ngày càng thấp đi.
Kết thúc quý III, dự trữ ngoại hối đã tăng vượt 71 tỷ USD, mua ròng 6 tỷ USD từ cuối quý 1 đến nay. Theo NHNN, đây là mức kỷ lục hướng tới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng theo VEPR, so sánh với quy mô thương mại ngày càng mở rộng thì đây thực chất mới là mức an toàn. NHNN nên cân đối việc tăng dữ trữ ngoại hối.
Thời gian tới, các chuyên gia của VEPR cho rằng, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định. Việc hạ phá giá tiền đồng để thúc đẩy xuất khẩu, theo ông Phạm Thế Anh – Kinh tế trưởng của VEPR, là không nên làm thời điểm này.
Trong khi đó TS. Cấn Văn Lực cho biết tỷ giá thực của đồng VND so với 13 loại tiền tệ (của 13 đối tác thương mại lớn với Việt Nam) có diễn biến tương đối sát so với diễn biến thị trường, không có gì đáng lo.
Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam là xuất khẩu càng nhiều thì nhập khẩu càng nhiều, do đó giảm giá tiền đồng không có tác dụng với thúc đẩy xuất khẩu mà lại gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.
Trước đó tại cuộc họp báo quý III do Ngân hàng nhà nước tổ chức, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điều hành tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua được đánh giá là hài hòa.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, “tỷ giá đang được điều hành hài hòa. Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng nhận định chính sách điều hành tỉ giá hiện nay đang điều hành hợp lý”. Theo Phó Thống đốc, mặc dù tại một số nước, việc điều hành tỉ giá có phá giá và tăng giá nhưng Việt Nam, tỉ giá tương đối ổn định, thanh khoản thị trường được đảm bảo, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.