Không hề nói quá khi cho rằng đang có một thế hệ trưởng thành từ mạng xã hội, một thế hệ “check in”. Những thói quen từ mạng xã hội có thể là niềm vui của người này, nhưng đôi khi lại là sự phiền phức của người khác. Mạng xã hội khiến những người ở xa nhau nửa vòng trái đất cũng trở nên gần gũi nhờ tương tác đều đặn hàng ngày. Nhưng đôi khi lại khiến những người ở gần trở nên xa cách…Tất cả là do cách mà mỗi người sử dụng, cũng như ứng xử với mạng xã hội.
Đừng biến mạng xã hội thành những công cụ mang tính sát thương tâm lý. (Nguồn: theleader.vn).
“Ném đá” trên mạng xã hội là một biểu hiện rất rõ của thói a dua theo đám đông. Theo các nhà nghiên cứu, hiệu ứng đám đông là một hiện tượng tâm lý xã hội tồn tại trong mọi cộng đồng, mang đặc tính hai mặt: tích cực và tiêu cực. Chính nhờ đặc điểm tâm lý xã hội này mà một nhóm người cụ thể có thể thực hiện được nhiều điều lớn lao hay vĩ đại mà một vài người riêng lẻ không thể thực hiện được. Tuy nhiên hiệu ứng đám đông cũng có thể “giết chết” một con người.
Đồng nghiệp của tôi ở một tờ báo địa phương kể chuyện, phóng viên có đăng nhầm một bức ảnh minh họa cho bài viết trên báo. Biết sai, tờ báo đã đính chính và có lời xin lỗi bạn đọc. Những tưởng sự việc sẽ kết thúc, nhưng câu chuyện về tấm ảnh sau đó vẫn được đưa lên mạng xã hội để “câu like”, thóa mạ, chê bai, mổ xẻ… Sự việc đã thu hút hàng trăm lượt bình luận, phần lớn là mạt sát, xúc phạm người viết bài và chỉ trích, bêu xấu tờ báo. Cho dù những người trong cuộc cũng tham gia mạng xã hội để thanh minh, nhưng vẫn không làm giảm nhiệt sự a dua của đám đông. Sau đó, phóng viên viết bài trong câu chuyện vừa nêu đã bị stress nặng và phải rất lâu sau mới lấy lại được cân bằng.
Đem câu chuyện về tính hai mặt của mạng xã hội trao đổi với TS Tâm lý học Nguyễn Hiếu Triển, ông bảo rằng chuyện “ném đá” nghiên cứu của cá nhân PGS.TS Bùi Hiền đang ồn ào những ngày qua là minh chứng gần nhất. Nhân chuyện này, TS Triển liên hệ tới đôi câu đối ở đền Phù Đổng quê ông: “Thi viết: Tố vị nhi hành, Kinh vân: Hữu thành khả cách” (Dịch nghĩa là: Sách nói rằng hành động theo địa vị/ Kinh nói rằng chiếu cố sự thành tâm). Như thế có thể hiểu là người ta quý mình, mang biếu mình miếng ăn người ta cho là ngon, là quý, nếu không hợp với khẩu vị, với tạng của mình thì mình cảm ơn, để đấy không dùng.
Sao nỡ nặng lời với người có lòng thành kính với mình như thế! Vả lại, xưa nay khoa học lúc đầu không thuộc về số đông. Chẳng phải số đông sai bét đã đem thiêu sống cái ông nói đúng, một mình ông ấy đúng rằng “Dù sao trái đất vẫn quay” đó sao? Liên hệ vào trường hợp của PGS.TS Bùi Hiền, công trình của người ta làm mấy chục năm, mình mới xem qua một tý, chưa hiểu đầu cua tai ếch thế nào đã sổ toẹt. Đây là công trình nghiên cứu. Có được chấp nhận không còn bao nhiêu người, bao nhiêu cơ quan xem xét cân nhắc chứ đã đưa được vào cuộc sống ngay đâu mà vội lo mình sẽ trở thành mù chữ!
Giờ đây mạng xã hội đang trở thành mảnh đất dung dưỡng cho cái xấu khi sơ hở của người khác trở thành “miếng mồi” ngon để lên án, chỉ trích. Không ít người hàng ngày có thói quen thích đùa cợt, chê bai ác ý trên mạng xã hội. Họ không quan tâm tới hậu quả của những lời bình phẩm cay nghiệt. Cách đây ít lâu, từng có vụ việc một cô bé 15 tuổi ở Đồng Nai bị người yêu cũ tung clip sex lên mạng đã phải uống thuốc tự tử vì bị chỉ trích từ cộng đồng mạng. Người chịu trách nhiệm cho cái chết của thiếu nữ ấy hẳn là người yêu cũ. Nhưng xét một cách sâu xa hơn, hung thủ thật sự chính là sự soi mói, cay độc của cư dân mạng.
Một lời chê bai có thể chưa mang lại nhiều tác động tiêu cực, nhưng khi một đám đông cực đoan cùng “hùa” vào chê bai thì hậu quả thật khó lường. Sự a dua tập thể chính là một con dao vô hình, có thể lấy đi sự tự tin, niềm vui, cướp đi ước mơ, hoài bão, thậm chí sinh mạng con người…
Mạng xã hội còn là nơi để các cá nhân, tổ chức mạo danh lập các tài khoản, đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm bôi nhọ người khác, hạ thấp uy tín đối phương và trục lợi. Những người nổi tiếng thường là nạn nhân của những chiêu trò xấu xí trên mạng xã hội. Bình luận về hành vi này, dưới góc độ xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, hiện mạng xã hội đang phát triển như vũ bão. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do việc kiểm soát các hoạt động trên mạng xã hội không hề dễ dàng.
Con người hiện sống trong thời đại, thế giới của công nghệ. Không hề nói quá khi cho rằng đang có một thế hệ trưởng thành từ mạng xã hội, một thế hệ “check in”. Những thói quen từ mạng xã hội có thể là niềm vui của người này, nhưng đôi khi lại là sự phiền phức của người khác. Mạng xã hội khiến những người ở xa nhau nửa vòng trái đất cũng trở nên gần gũi nhờ tương tác đều đặn hàng ngày. Nhưng đôi khi lại khiến những người ở gần trở nên xa cách…Tất cả là do cách mà mỗi người sử dụng, cũng như ứng xử với mạng xã hội. Nhưng dù thế nào đi nữa, sự ra đời của mạng xã hội cũng đang tác động đến cuộc sống của con người thậm chí làm thay đổi nếp sống, cách nghĩ của nhiều người khi họ tương tác với một thế giới rộng lớn hơn.
Điều đáng suy nghĩ là hiệu ứng đám đông cũng chính là bạo lực tinh thần. Trong khi ngày càng có quá nhiều người lập ngôn, lập thân trên cõi mạng thì những cú ném đá cộng đồng sẽ trở thành bi kịch cho những cuộc đời nhỏ bé. Hẳn những nhà sáng lập ra Instagram, Twitter hay Facebook… có thể không bao giờ mong muốn sản phẩm của mình sẽ mang lại phiền toái đau thương cho con người, bởi vì những trang mạng xã hội thật ra chỉ là phương tiện giải trí, gắn kết mọi người. Vì thế, những cư dân mạng cần phát huy tác dụng ấy. Xin đừng biến mạng xã hội thành những công cụ mang tính sát thương tâm lý!