Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về hàng loạt lễ hội trên khắp đất nước diễn ra hết sức sôi động và náo nhiệt. Đây là nét văn hóa truyền thống đẹp của dân tộc, vừa mang sắc thái tâm linh, vừa là dịp thư thái du xuân ngắm cảnh. Song, năm nay trong bối cảnh dịch cúm corona mới (2019-nCoV) đang diễn biến hết sức phức tạp thì việc tập trung đông người tại các lễ hội, nhất là các lễ hội nổi tiếng sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do vậy, nhiều lễ hội lớn (khai ấn đền Trần, xuân Tây Yên Tử...) đã không tổ chức.
Hội chùa Hương vẫn mở vào ngày 6 Tết (30/1).
Việc Ban Tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định), lễ hội xuân Tây Yên Tử (Bắc Giang), lễ hội phết Hiền Quan (lễ hội cướp phết - Phú Thọ) ra thông báo dừng tổ chức lễ hội không chỉ là thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch cúm nCoV, mà còn thể hiện trách nhiệm coi bảo vệ sức khỏe cộng đồng xã hội là ưu tiên số 1. Đại bộ phận người dân đều hết sức ủng hộ quyết định trên của ban tổ chức các lễ hội, bởi nếu cứ cố tổ chức lễ hội vì một lẽ nào đó để rồi bùng phát dịch bệnh thì mọi ý nghĩa của các lễ hội cũng không còn.
Tất nhiên việc các địa phương quyết định dừng tổ chức lễ hội là do có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng virus nCoV gây ra. Song, nếu địa phương nào muốn “cố” thì có lẽ vẫn tổ chức được, bởi trong Chỉ thị của Thủ tướng không “cấm ngặt” mà chỉ yêu cầu tạm dừng những lễ hội không thực sự cần thiết để tránh tập trung đông người dễ lây lan dịch bệnh. Chẳng phải mới đây lễ hội chùa Hương (Hà Nội) vẫn hồn nhiên tổ chức khai hội với hàng nghìn người tham dự mà hầu hết đều chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn tối thiểu như đeo khẩu trang y tế hay sao?
Ngay khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, nhiều du khách đã phải hủy các chuyến du lịch dù đã lên kế hoạch từ lâu và chấp nhận bỏ tiền đặt cọc để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Với dịch cúm nCoV thì việc tránh tập trung đông người là một biện pháp cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan, bùng phát dịch bệnh. Do vậy, mỗi cá nhân đều phải tự ý thức việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và người thân, bằng việc tránh đến những nơi tập trung đông người nếu không thực sự cần thiết.
Song, đáng nói là còn khá nhiều người dân vẫn chưa ý thức được mối nguy hiểm thật sự của dịch cúm nCoV. Bởi vậy, không ít người vẫn hồn nhiên đi lễ hội, tụ tập ăn uống ở những đám cưới hỏi, mừng thọ... mà không có bất cứ sự bảo hộ y tế tối thiếu nào. Đây chính là nguy cơ rất cao phát tán chủng virus nCoV ra cộng đồng, khó bề kiểm soát. Nếu như các lễ hội vẫn được tổ chức, người dân vẫn lơ là không có các biện pháp phòng dịch thì mọi nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa dịch cúm nCoV há chẳng phải là công cốc hay sao? Đáng lo hơn nữa là khi người dân vẫn chưa thực sự có ý thức mà chính quyền địa phương lại thờ ơ thì hậu quả sẽ khôn lường.
Nói như vậy để thấy rằng, việc các địa phương Nam Định, Bắc Giang, Phú Thọ quyết định dừng tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần, xuân Tây Yên Tử, phết Hiền Quan thể hiện ý thức xã hội rất cao, không vì cái lợi trước mắt của địa phương mà bất chấp sức khỏe của cộng đồng. Chẳng phải Thủ tướng Chính phủ từng chỉ đạo: Ưu tiên phòng chống dịch cúm do chủng virus nCoV gây ra, chấp nhận thiệt hại về kinh tế đó sao? Nếu cố tổ chức lễ hội để tăng thu ngân sách cho địa phương mà trả giá bằng việc để dịch bệnh nguy hiểm lây lan, bùng phát ra cả cộng đồng xã hội thì quả là đáng trách.
Ấy vậy mà trong khi các tỉnh như Nam Định, Bắc Giang, Phú Thọ thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên phòng dịch với mọi biện pháp có thể, thì ngay tại Thủ đô lễ hội chùa Hương vẫn được tổ chức rầm rộ. Ai dám đảm bảo trong số hàng nghìn người chen chân trong lễ khai hội chùa Hương không có người đã mắc dịch cúm nCoV? Chỉ cần một người dương tính với nCoV tại lễ hội chùa Hương thì liệu sẽ có bao nhiêu người sẽ bị lây nhiễm?
Đến các lễ hội lớn, nổi tiếng như khai ấn đền Trần, phết Hiền Quan... mà chính quyền các địa phương còn dừng không tổ chức, thì các lễ hội nhỏ, hội làng thiết nghĩ cũng nên tạm dừng tổ chức để đảm bảo công tác phòng chống dịch cúm nCoV lây lan, bùng phát. Khi mà cơ quan quản lý nhà nước thực sự quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, thực sự quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, khi mà mỗi người dân có ý thức biết tự bảo vệ bản thân, gia đình và người thân trước hiểm họa của bệnh dịch, tin rằng dịch cúm nCoV sẽ mau chóng được khống chế và dập tắt. Vậy nên hãy coi việc phòng chống dịch cúm nCoV là ưu tiên số 1 trong lúc này.