Ngày 25/8, tại TP HCM, Ủy ban Kinh tế APEC đã khai mạc phiên họp về vấn đề xây dựng thể chế chính sách thúc đẩy sự phát triển cho các nền kinh tế thành viên APEC.
Các phiên họp toàn thể lần thứ 2 và phiên họp thứ 5 sẽ được diễn ra trong 2 ngày (25, 26/8), trong đó Ủy ban Kinh tế APEC sẽ xem xét dự thảo Báo cáo chính sách kinh tế APEC về phát triển nguồn nhân lực và tái cấu trúc; trao đổi kết quả công tác của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và nhóm công tác luật và chính sách cạnh tranh (CPLG) về đánh giá cạnh tranh; bàn thảo về công tác chuẩn bị cho Cuộc họp chính thức cấp cao về tái cơ cấu (HLSROM)... Phiên họp cũng thảo luận các vai trò của luật gia với chính sách cạnh tranh; quản lý và luật doanh nghiệp; cải cách quy định về hành chính kinh doanh,...
Phiên họp của Ủy ban Kinh tế APEC thu hút sự quan tâm của Việt Nam đối với các nội dung về quản lý và luật doanh nghiệp, công tác xây dựng chương trình hợp tác luật và hành chính công, thông qua việc thảo luận và trao đổi thông tin giữa các nền kinh tế thành viên của APEC.
Việc xây dựng một chương trình hợp tác luật được coi là bước tiến quan trọng, nhất là trong lĩnh vực hành chính công. Việt Nam đang nỗ lực trong cải cách hành chính trong các lĩnh vực, trước tiên là hành chính công để lấy lại niềm tin của người dân, các cá nhân, tổ chức.
Nhiều thành viên APEC hiện có nhiều kinh nghiệm về công tác xây dựng luật, nhất là việc xây dựng khung pháp lý về kinh tế, giúp các nền kinh tế thành viên cải thiện khung pháp lý đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đem lại hiệu quả cao hơn cho mỗi nền kinh tế thành viên.
Kết quả của phiên họp sẽ giúp đưa ra các khuyến nghị, gợi ý cho các nền kinh tế tham chiếu, lựa chọn cho phù hợp với điều kiện cụ thể, hướng đến đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, giúp xây dựng thể chế chính sách thúc đẩy sự phát triển cho các nền kinh tế thành viên APEC.