Cuộc đua tìm kiếm, công bố và đưa vào thương mại vaccine ngừa Covid-19 đang nóng lên từng ngày.
Ngay sau khi Tổng thống Nga Putin công bố đăng ký loại vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới, có tên Sputnik-V, được lấy cảm hứng từ vệ tinh đầu tiên con người phóng lên vũ trụ Sputnik năm 1957, lập tức “thế giới chia đôi”. Một số nước, bao gồm 20 quốc gia đặt mua Sputnik-V coi vaccine này như một sự “cứu rỗi” trước sự tàn phá kinh hoàng của virus Corona. Số khác, có vẻ đông đảo hơn, nghi ngờ về công dụng và độ an toàn của Sputnik-V, chủ yếu nhắm vào lý do chưa được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đúng chuẩn. Cuộc đua tìm kiếm, công bố và đưa vào thương mại vaccine ngừa Covid-19 đang nóng lên từng ngày.
Ngay khi Nga công bố đăng ký và sắp tiến hành tiêm vaccine Sputnik-V ngừa Covid-19 rộng rãi tạo ra hệ miễn dịch vững vàng, chính quyền Mỹ đã công bố thông tin đồng ý mua 100 triệu liều vaccine lâm sàng của Hãng Moderna với giá 1,5 tỉ USD, tức 15 USD/liều, chứ không phải là mua từ Nga.
Trước những nghi hoặc tứ phía, Kirill Dmitriev - Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga đã nói: “Quên chính trị đi, hãy lo cứu người”. Ngụ ý của ông Kirill là rất rõ ràng: người ta phản ứng với vaccine Sputnik-V chẳng qua là do không chịu công nhận thành tựu khoa học mới của Nga trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Trong khi tất cả các hãng bào chế khác trên thế giới dù đã đổ những số tiền khổng lồ vào nghiên cứu thì kết quả vẫn còn rất xa vời.
“Chính trị hay cứu người”- nói về điều này bà Margaret Hamburg- Ủy viên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, lo ngại rằng chính quyền ông Trump sẽ chịu áp lực buộc phải ra mắt vaccine sớm để cạnh tranh với Nga, khi mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã đến rất gần. Mà điều đó là rất nguy hiểm.
Sputnik-V có phải là “chiến thắng của nhân loại” trước Covid-19?
Theo Cục Đăng ký dược phẩm Nga, Sputnik-V là dạng vaccine tiêm trực tiếp gồm 2 liều, tiêm cách nhau 3 tuần. Cơ chế này được cho là tạo ra miễn dịch bền vững và duy trì tối đa đến 2 năm.
Khi công bố thành tựu mới này, Tổng thống Nga Putin cho biết nó đã qua 2 tháng thử nghiệm trên người. Điều này mở đường cho việc tiêm chủng hàng loạt cho người dân Nga nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, trong khi thống kê của WHO cho thấy cứ 15 giây trên thế giới lại có 1 ca tử vong vì Covid-19. Như để cùng cố niềm tin, ông Putin cho biết chính cô con gái rượu của ông cũng đã tiêm Sputnik-V và kết quả là rất tốt.
Theo Bộ trưởng Y tế Nga Murashko, quá trình thử nghiệm lâm sàng loại vaccine phòng Covid-19, do Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh vật quốc gia mang tên Gamaleya nghiên cứu và phát triển, đã hoàn tất. Việc bào chế loại vaccine này sẽ được thực hiện tại hai cơ sở ở Nga gồm Viện Gamaleya và Công ty Binnopharm.
Còn ông Kirill Dmitriev- người đứng đầu Quỹ Đầu tư quốc gia của Nga, đơn vị cấp ngân sách cho nghiên cứu vaccine Covid-19 ca ngợi việc phát triển vaccine là “khoảnh khắc Sputnik” - so sánh với việc Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên trên thế giới mang tên Sputnik 1 vào năm 1957. Ông Dmitriev cũng cho biết Nga đã đã nhận được đơn đặt hàng 1 tỷ liều vaccine từ 20 quốc gia.
Tuy nhiên, theo AP, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo khi cho rằng Nga đã vội vã phê chuẩn vaccine trước khi nó hoàn tất giai đoạn thử nghiệm thứ 3. Họ cũng dẫn ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) yêu cầu Nga tuân thủ các quy định quốc tế về sản xuất vaccine chống Covid-19, khi mà vaccine của Nga không nằm trong danh sách 6 vaccine đang trong giai đoạn 3 của WHO (giai đoạn 3 có liên quan đến thử nghiệm trên người trên diện rộng).
Từ Geneva (Thụy Sĩ), phát ngôn viên WHO- ông Tarik Jasarevic cho biết WHO đang liên hệ chặt chẽ với giới chức y tế Nga. Ông Jasarevic nhấn mạnh, việc cấp chứng nhận này - như với bất kỳ loại vaccine nào khác, sẽ phải được thực hiện thông qua quy trình rà soát chặt chẽ, đánh giá tất cả các thông số, dữ liệu về độ an toàn và tính hiệu quả.
Đáp lại, Tổng thống Nga Putin khẳng định Sputnik-V đã qua tất cả các kiểm tra cần thiết và họ đang chuẩn bị tiêm chủng diện rộng vào tháng 10, như một “chiến thắng của nhân loại” với Covid-19.
Tỷ phú Bill Gates giận dữ. Tổng thống Argentina lo lắng
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành thế giới, đặc biệt dữ dội tại Mỹ, Brazil và Ấn Độ, trong khi đó một số quốc gia châu Âu cũng buộc phải “tái phong tỏa”.
Tại Mỹ, trong khi các bang không thống nhất được cách ứng phó với đại dịch kể cả việc Tổng thống Trump liên tục gây sức ép, thì bất ngờ tỷ phú Bill Gates lại đưa ra chỉ trích cách thức chống đại dịch của nước này.
Thái độ giận dữ của tỷ phú Bill Gates- người đã từ bỏ vai trò tại tập đoàn Microsoft để giành toàn bộ tâm chí cho Quỹ Bill và Melinda và gần đây trở nên nổi bật khi đổ khoản tiền đầu tư lớn vào vaccine, khiến dư luận nước Mỹ thêm sục sôi. Trả lời phỏng vấn của tờ Wired (Mỹ), ông Bill Gates bày tỏ thất vọng trước thực trạng hiện nay của Mỹ. Cựu lãnh đạo Tập đoàn Microsoft thất vọng và ngạc nhiên trước phản ứng của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh nước này (CDC). Theo ông, đây là nơi tập trung những chuyên gia dịch tễ học tinh hoa nhất thế giới. Trong thời điểm đại dịch, người dân hướng tới CDC đầu tiên, chứ không phải là Nhà Trắng hay người đứng đầu nhóm đặc trách Covid-19 của Mỹ (ông Anthony Fauci). Vậy nhưng CDC đã “biến mất” trong đại dịch, đánh mất vai trò khi thường xuyên phải hỏi ý kiến Nhà Trắng.
Còn tại Argentina, Chính phủ nước này đã cảnh báo đang giai đoạn nguy hiểm nhất của dịch Covid-19.
Theo Tổng thống Alberto Fernandez, nước này đang phải trải qua một giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, đồng thời kêu gọi người dân nêu cao ý thức tự bảo vệ mình và thận trọng trước những nguy cơ lây lan dịch bệnh khi ra đường.
Trên thực tế, Argentina là một trong những nước áp dụng sớm nhất biện pháp cách ly xã hội bắt buộc và trong những tháng đầu tiên đã hạn chế được số ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây khi Chính phủ bắt đầu nới lỏng việc giãn cách thì số ca nhiễm mới lại tăng đột biến với số ca nhiễm mới theo ngày liên tục ở mức trên 5.000 người, thậm chí có thời điểm đã lên tới trên 7.000 người. Theo thống kê chính thức, đến nay quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận hơn 260.000 ca mắc Covid-19, trong đó có gần 5.000 trường hợp tử vong.
Vì sao nhiều nhân viên y tế Mexico chết vì Covid-19?
Đại dịch Covid-19 tác động tới nhân viên y tế toàn thế giới, nhưng không ở đâu lại nặng nề như tại Mexico.
Kênh truyền hình NBC News (Mỹ) thông tin, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu căng thẳng ở Mexico vào cuối tháng 3/2020, bác sĩ Jose Garcia cho biết quản lý tại bệnh viện Lomas Verdes ở Mexico City (nơi có tới 213 nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2) đã từ chối khi ông yêu cầu cấp găng tay, khẩu trang, nước sát khuẩn, với lý do thiết bị bảo hộ chỉ cần thiết với ai làm việc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19. Còn ông Alejandro Macias, nhà dịch tễ học dẫn đầu phản ứng của Mexico trong đại dịch cúm năm 2009, cho biết nhân viên y tế ở Mexico đã phải tự mua thiết bị bảo hộ, thường là mua trên thị trường phi chính thức và kém chất lượng.
Bác sĩ Garcia là một trong hàng chục trường hợp nhân viên y tế lây nhiễm gián tiếp từ bệnh nhân nhập viện Lomas Verdes. Ông cho rằng lãnh đạo bệnh viện đã vô trách nhiệm với nhân viên y tế và không cung cấp đủ thiết bị bảo hộ cho họ.
Sau này, bác sĩ Garcia đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và lây cho cả vợ lẫn con. Bác sĩ Garcia là một trong hơn 70.000 nhân viên y tế nhiễm virus ở Mexico - nơi mà số ca tử vong cao thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Brazil. Chính Chính phủ nước này cũng thừa nhận nguy cơ nhân viên y tế của đất nươc mình tử vong vì Covid-19 cao gấp 4 lần so với Mỹ, gấp 8 lần so với Brazil. Theo Hội đồng Y tá quốc tế và Hiệp hội Bác sĩ và Y tá quốc gia Mexico, tại Mexico, 19% ca nhiễm Covid-19 là nhân viên y tế, gần gấp 3 tỷ lệ trung bình toàn cầu.
Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Bộ Y tế Mexico- ông Hugo Lopez-Gatell- cho biết rằng nhiều y bác sĩ chết vì Covid-19 là do có bệnh nền và một số người không sử dụng thiết bị bảo hộ đúng cách. Trong khi đó, một y tá ở bệnh viện công Mexico City cho biết cô cảm thấy bị giới chức bỏ rơi. Cô nói: “Nhưng chúng tôi không thể nói tôi không thể làm việc hay tôi không muốn làm việc. Vì đây là công việc nuôi sống chúng tôi trước khi có thể chết vì Covid-19”.
Cũng cần biết rằng, tính tới hết tháng 7, ở Mỹ (nước có dân số gấp 2,5 lần Mexico) có 123.738 nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2 và 598 người tử vong. Trong khi đó, Brazil, nước đông dân hơn Mexico, có 189 nhân viên y tế tử vong.
Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 tại TP Vũ Hán (Trung Quốc), cộng đồng khoa học thế giới đã lập tức khởi động tiến trình nghiên cứu, phát triển loại vaccine phòng bệnh. Với mục tiêu cấp bách là đối phó với dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng và có nguy cơ tàn phá toàn cầu, việc điều chế vaccine chống Covid-19 nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành cuộc chạy đua gay cấn trong lịch sử khoa học y tế của nhân loại. Thế giới hiện có hơn 100 loại vaccine phòng Covid-19 đang được nghiên cứu và phát triển. WHO nhận định, đây là đợt đầu tư vào nghiên cứu khoa học lớn chưa từng có trong lịch sử, nhưng vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn về thời điểm ra đời loại vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả.