Truyện “Biển mất” của tác giả Kai Hoàng gần như sao chép lại truyện “Những biển” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, từ tứ truyện, nội dung và nhiều tình tiết. Đáng tiếc, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lại là giám khảo của cuộc thi truyện ngắn mà Kai Hoàng gửi truyện tham dự.
Báo Người lao động Chủ nhật ra ngày 26/5/2019 đã đăng truyện ngắn dự thi “Biến mất” của tác giả Kai Hoàng dự cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề “Người lao động hôm nay” phát động từ ngày 3/5/2018. Sau khi truyện in, Ban Tổ chức nhận được phản ánh của bạn đọc truyện này, và đã thông báo: “Sau khi đọc lại và so sánh hai văn bản, Ban Tổ chức nhận thấy truyện “Biến mất” của Kai Hoàng có tứ truyện, nội dung và nhiều tình tiết gần như sao chép từ truyện “Những biển” của Nguyễn Ngọc Tư” (có in trong tập truyện ngắn “Cố định một đám mây”, PhanBook & NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2018). Cũng thông tin từ Ban Tổ chức, sau khi trao đổi với tác giả Kai Hoàng, anh cho rằng mình đã đọc văn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhiều nên đã bị ảnh hưởng mà không biết và khi viết ra cũng không kiểm soát được, đồng thời qua báo Người lao động, Kai Hoàng gửi lời xin lỗi đến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ban Tổ chức cuộc thi đã quyết định gỡ bỏ truyện “Biển mất” khỏi Báo Người lao động điện tử, loại ra khỏi cuộc thi và không chấm nhuận bút cho truyện.
Kai Hoàng tên thật là Hoàng Tuấn Thanh, sinh năm 1988, từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, là Hội viên Hội VHNT Vũng Tàu. Anh từng xuất bản “Tuổi trẻ nào rồi cũng sẽ qua” (2015), “Gặp tôi ngày mê sảng” (2016) và “Ngày mai là một ngày khác” (2016). Kai Hoàng cũng từng nhận giải thưởng của các báo Mực tím, Lao động... qua một số cuộc thi viết.
Sự cố của việc truyện “Biển mất” sao chép lại “Những biển” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã làm cái tên Kai Hoàng hoàn toàn bị lu mờ trước những bài thơ hay truyện ngắn mà anh đã công bố. Giờ, tìm kiếm tên “Kai Hoàng”, sẽ thấy cụm từ hiện trên đầu thanh công cụ: “Kai Hoàng đạo văn”.
Trong con đường theo đuổi văn chương, đạo văn là điều tối kỵ. Trên thực tế, việc mô phỏng phong cách viết, hay sử dụng lặp lại tình tiết, bắt chước kỹ thuật... của nhà văn đi trước là điều rất dễ thấy ở những cây bút mới bước vào nghề.
“Có thể một số người quá dễ dãi với nghề nghiệp của mình hoặc lười, hoặc muốn đi tắt đón đầu mà đỡ phải nhọc công suy nghĩ tìm tòi, muốn nổi danh, muốn kiếm tiền... mà làm những việc trái đạo đức nghề nghiệp, - nhà văn Uông Triều chia sẻ. -Việc thoát ra khỏi ảnh hưởng của người khác, những cái bóng quá lớn cũng không phải dễ. Phải có bản lĩnh, ý thức học hỏi và độ đọc đủ rộng và sâu để có thể bình thản, tự tin với tác phẩm của riêng mình để không lặp lại, không sao chép. Tất nhiên, ảnh hưởng những “ông lớn” là không tránh khỏi. Nhưng ảnh hưởng là nói về cảm quan chung, tinh thần thời đại, chứ giống về từng chi tiết, câu chữ, cảm xúc... thì không thể chấp nhận”.
Với tư cách là một người biên tập mảng văn xuôi cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nói về vấn đề đạo văn, hay mô phỏng, hoặc bị ảnh hưởng từ tác phẩm của các nhà văn đi trước của những cây bút trẻ, nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ chia sẻ: “Về vụ đạo văn, tôi nghĩ nó xưa như trái đất rồi. Hơn chục năm làm nghề biên tập, tôi cũng phát hiện hàng chục bản thảo đạo văn, đạo ý tưởng, đạo cốt truyện, chi tiết... Cách xử lí của tôi là tế nhị nhắc tác giả, kiểu “bạn xem lại chi tiết này, câu văn này, đoạn văn này, giọng điệu này, nó quen quen làm sao”. Cách này tỏ ra hữu hiệu, vì người có tật rất dễ giật mình. Cũng có một trường hợp liên quan đến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Truyện ngắn ấy do chính nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gửi cho Văn nghệ Quân đội, tôi đọc xong thì “chat” với Tư: Anh thấy truyện này giống của em quá. Tư nói, bạn ấy là “fan” của em, nên có chút ảnh hưởng. Tôi hỏi, bạn ấy bao nhiêu tuổi. Tư nói: 27-28 gì đó. Và tôi quyết định cho in. Tôi nghĩ, người mới vào nghề, có ảnh hưởng các nhà văn nổi tiếng cũng chưa đáng ngại, khi trưởng thành họ sẽ biết tách thầy để xác lập giá trị riêng. Quan điểm riêng của tôi, người đạo văn đáng thương hơn đáng trách. Vì thế, trong vụ việc ầm ĩ ở một tạp chí địa phương, tôi, với tư cách là người bị đạo tác phẩm đã bỏ qua, không trả lời phỏng vấn khi một số báo muốn tôi lên tiếng. Tôi nghĩ, một người trẻ đạo văn hoặc ảnh hưởng ai đó chưa phải là cái gì ghê gớm, bởi qua thời gian họ sẽ dần nhận thức được rằng, chỉ khi nào xác lập được cái riêng của mình thì tác phẩm mới có giá trị. Còn không thi suốt đời sáng tạo trở nên vô nghĩa. Theo quan sát của tôi, hầu hết các tác giả mới vào nghề đều thần tượng một tác giả nào đó. Và từ thần tượng dẫn tới ảnh hưởng, bắt chước. Nhưng khi tác phẩm ra, bị dư luận xem nhẹ (nếu ở mức ảnh hưởng), hoặc lên án (ở mức sao chép), họ sẽ dần dần ngộ ra chân lí, văn chương không có bản sao. Trên thực tế, văn chương rất khắc nghiệt với mọi hành vi sao chép mô phỏng. Bởi người viết có tài hay không, sẽ bộc lộ ở ngay tác phẩm đầu tay. Mọi sự dễ dãi thông cảm với “đạo văn”, tưởng bỏ qua cho người viết non trẻ, nhưng cũng chính là đẩy họ sâu hơn vào ảo giác tìm kiếm danh tiếng trong khi không hề có khả năng để theo đuổi con đường khó nhọc này.
Tôi từng tham gia một trại sáng tác văn chương. Để tham gia trại sáng tác, mỗi tác giả trẻ phải gửi tới ít nhất là ba tác phẩm, sau khi được duyệt, tác giả trẻ sẽ được Ban Tổ chức gửi giấy mời tham dự. Trại diễn ra trong khoảng một tháng, các tác giả trẻ từ mọi miền về xum tụ. Tại đây họ được gặp nhau trao đổi kinh nghiệm viết, được trò chuyện với các nhà văn nhà thơ nổi tiếng, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và điều kiện là kết thúc trại sáng tác, mỗi người sẽ để lại một tác phẩm mới được viết tại đây. Chúng tôi chia tay nhau bịn rịn và đầy ắp kỷ niệm đẹp. Các sáng tác được in chung trang trọng trong một tuyển tập. Tuy nhiên vài tháng sau đó, một tin buồn rộ lên, những sáng tác mà một bạn viết trẻ gửi tới để Ban Tổ chức duyệt, và cũng tác phẩm mà bạn để lại, hoàn toàn sao chép từ một số truyện ngắn của các tác giả khác đã in trên báo Hoa học trò. Đó là một sự cố đáng tiếc. Mặc dầu bạn viết đó đã khóc, đã xin lỗi... nhưng mọi thứ đã quá muộn. Đó thực sự là vết nhơ đi theo bạn viết đó suốt cuộc đời. Về sau này, tên và tin tức về bạn viết trẻ đạo văn hoàn toàn biến mất khỏi nhóm tác giả trẻ từng tham dự trại viết đó và cũng không còn xuất hiện ở bất cứ đâu”.
Chia sẻ thêm với tôi, nhà văn Đỗ Tiến Thụy nói: “Tôi đồng ý. Những tác giả không có sức sáng tạo, thì cho dù có trót lọt trong việc đạo văn thì cũng chả đi tới đâu. Vì suốt đời làm một thứ dây leo bám vào những cây đa cây đề, làm cái bóng lẽo đẽo theo sau những người tiên phong. Còn đạo văn, cách nói tránh của từ ăn cắp, đó là hành vi chủ ý với mưu cầu rõ rằng (danh tiếng, tiền bạc...) thì không thể tha thứ. Giá trị của mỗi nhà văn được đo bằng hàm lượng sáng tạo trong tác phẩm của anh ta. Đọc một cuốn sách, chúng ta thường hay nói với nhau những câu "cuốn này có cái để đọc”, "có ý mới", "cách xử lí chi tiết khá sáng tạo" hoặc "cuốn ấy chả có gì", và sự trừng phạt nặng nề nhất đối với những tác giả dạng ấy là sự lãng quên.”
Cùng câu chuyện về vấn đề đạo văn, nhà văn Uông Triều nói: “Trước hết là đạo đức của người làm nghề. Nghề văn là thứ sáng tạo, tôi nhắc lại: sáng tạo, chứ không phải lặp lại, nó không phải sản xuất hàng loạt hay sản xuất công nghiệp. Nên trước hết tác phẩm phải do mình viết và sáng tạo ra. Nếu không có một quan niệm hoặc lớn hơn là triết lí về nghề thì khó mà thành công cũng như vướng mắc với các vấn đề nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp”. Tránh được việc tác giả trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi tác phẩm của nhà văn khác, nhà văn Uông Triều chia sẻ: “Để có được một tác phẩm, trước hết người viết cần đọc nhiều để biết người khác đã viết gì để tránh, cũng để học hỏi. Đọc sâu để kiến thức nó lắng, để ta tự tin với tác phẩm mình. Khi viết, cần chuẩn bị trước hết là về tinh thần, một trạng thái sáng suốt và hưng phấn. Một cảm xúc được ấp ủ dồn nén lâu ngày đã chín. Về công việc là tạm gác những việc nhỏ, ngắn hạn để dồn sức, thời gian, trí lực để viết. Khi viết, cần làm việc nghiêm túc với tinh thần chuyên nghiệp. Có ý thức để tạo ra sản phẩm mới, độc đáo và khác biệt. Đọc, suy nghĩ, lắng nghe và lao động cật lực, không thoả mãn với mình. Chỉ khi nào lao động nghiêm túc, chuyên nghiệp, cầu tiến, không tự bó mình vào bất cứ con đường nào có sẵn, tự tin vào bản thân và một sự đầu tư kĩ càng, sâu và rộng thì mới có hi vọng những sáng tạo khác biệt”.