Nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế phối hợp với Tạp chí Sông Hương vừa tổ chức giới thiệu tác phẩm “Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại” của TS Trần Huyền Sâm- giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Huế.
Buổi giới thiệu tác phẩm.
Tác phẩm dẫn luận về phê bình nữ quyền và lối viết nữ giới, giới thiệu tư tưởng của các nữ quyền Pháp, trong đó tiên phong là Simone de Beauvoir và phong trào giải phóng nữ giới Pháp với các gương mặt tiêu biểu như: Antoinette Fouque, Lucce Irigaray, Hélène Cixous, Julia Kristeva, Béatrice Didier…
Trên cơ sở đó, tác giả nghiên cứu tinh thần của hơn 20 cuốn tiểu thuyết của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại qua các thế hệ nhà văn nữ trước và sau chiến tranh như: Đoàn Lê, Y Ban, Dạ Ngân, Lý Lan, Phong Điệp…
Thông qua các dạng thức trần thật, tiểu thuyết các nữ VN đã thể hiện được những sắc thái khắc nhau về tinh thần nữ quyền trong những giai đoạn lịch sử cụ thể.
Phê bình nữ quyền xuất hiện ở Pháp từ thập niên 80 của thế kỷ trước và đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, chính trị của xã hội Pháp và cả châu Âu; trong khi đó tại VN, việc nghiên cứu nữ quyền còn hạn hẹp.
Theo Trần Huyền Sâm, Simone de Beauvoir là bạn đời tri kỷ của J.Paul Sartre-một triết gia hiện sinh Pháp và tình nhân của nhà văn Mỹ Nelson Algren.
Đối với VN, mặc dù vấn đề nữ quyền trong văn học xuất hiện khá sớm.
Theo nghiên cứu của tác giả, cùng với Manh Manh, Đạm Phương nữ sử là người khởi xướng, cổ xúy và thực hành tinh thần nữ quyền vào những năm đầu thế kỷ XX.
Dù vậy vẫn không hình thành một khuynh hướng mạnh mẽ, táo bạo như ở phương Tây.
Qua nghiên cứu hơn 20 tiểu thuyết, tự truyện của nữ văn sĩ VN thuộc 2 thế hệ trước và sau chiến tranh, Trần Huyền Sâm nhìn nhận sắc thái nữ quyền có phần khác nhau.
Y Ban, Thùy Dương, Bích Ngân, Dạ Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Lê Vân… lớp sinh ra trước chiến tranh, tác phẩm của họ có điểm chung trải qua nỗi đau chiến tranh và tâm thế sáng tạo, tinh thần nữ quyền của họ dù khó vượt thoát những vấn đề trì níu của xã hội nhưng điều đáng trọng là họ luôn có ý thức để là chính mình.
Trần Huyền Sâm đã dành công sức để phân tích, đánh giá (theo tinh thần nữ quyền) tác phẩm của thế hệ nữ tác giả sinh sau chiến tranh như: Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy, Di Li, Đỗ Bích Thúy, Phan Hồn Nhiên…
Với không gian toàn cầu hóa, thế hệ nữ nhà văn sau chiến tranh có đủ điều kiện để tiếp thu văn hóa, kiến thức của nhân loại.
Viết, đối với họ được xem là một thái độ hiện tồn, một cuộc chơi, một cuộc phiêu lưu. Họ không né tránh những chủ đề nhạy cảm như tính dục, đồng tính luyến á.
Họ cắt nghĩa, lý giải thế giới và con người theo nhãn quan của người phụ nữ hiện đại và đối thoại với nam giới không chỉ trong lĩnh vực tình yêu, tình dục mà cả chính trị, xã hội, nghề nghiệp qua đó bộc lộ tinh thần nữ quyền của mình.
“Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ VN đương đại” của tác giả Trần Huyền Sâm là công trình được giới nghiên cứu đánh giá là một trong số những chuyên luận có hệ thống, trình bày khá đầy đủ về tư tưởng nữ quyền của các nữ văn sĩ sĩ Pháp và Việt Nam.
Sách do NXB Phụ nữ ấn hành.