Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban phong trào, UBTƯ MTTQ Việt Nam, cần tuyên truyền vận động người dân thay đổi nhận thức và thay đổi hành vi mua sắm hàng hóa ưu tiên hàng Việt.
Ngày 21/9, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị “Tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Phó Trưởng ban phong trào, UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu gợi ý thảo luận, ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban phong trào, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó trưởng Ban Thư ký Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) nhấn mạnh: Hội nghị là dịp để các địa phương, tổ chức, người tiêu dùng tìm ra các giải pháp phù hợp với điều kiện, nâng cao hơn nữa việc phục vụ, sản xuất hàng hoá và phục vụ người tiêu dùng.
Ông Trần Anh Tuấn chỉ ra một số hạn chế trong triển khai thực hiện hiện CVĐ của tỉnh Kiên Giang như, nhận thức của người tiêu dùng về CVĐ chưa cao. Các cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai CVĐ chưa đầy đủ, tuyên truyền về CVĐ chưa đáp ứng. Nhiều nơi có biểu hiện giao khoán. Trong triển khai cuộc vận động còn hình thức, đối phó, biện pháp còn chung chung, thiếu cụ thể...
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Đình Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, sau hơn 8 năm thực hiện CVĐ, các bộ ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả.
Cụ thể như các mô hình tuyên truyền, vận động, quảng bá hàng Việt, như CLB người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ấp năm xã Vị Thanh, Hậu Giang; mô hình tổ tiêu dùng CLB “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Hội phụ nữ tỉnh Đồng Tháp. Mô hình sản xuất, phân phối hàng Việt, như mô hình mỗi xã phường 1 sản phẩm ở tỉnh Quảng Ninh; HTX kiểu mới ở Lào Cai. Mô hình phân phối tiêu thụ hàng Việt. Mô hình chỉ đạo và tổ chức thực hiện CVĐ…
Ông Ngô Phương Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang thông tin về quá trình triển khai thực hiện CVĐ: MTTQ các cấp đã phối hợp với các ngành liên quan và các tổ chức thành viên, tổ chức nhiều hoạt động đưa hàng Việt tới người tiêu dùng ở các đơn vị được thực hiện có hiệu quả đã tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân được 9.880 cuộc với 271.847 lượt người tham dự và tham gia mua sắm hàng Việt; phối hợp các sở, ngành vận động các doanh nghiệp cùng các địa phương tổ chức được 40 hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới, hải đảo, với trên 515.100 lượt người tham dự; một số huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trưng bài, giới thiệu hàng Việt.
Quang cảnh hội nghị.
Kết luận hội nghị, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, mục đích của CVĐ phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam. Sản xuất ra nhiều hàng hoá có chất lượng ngày càng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
"Chúng ta phải khẳng định, tiếp tục triển khai CVĐ bằng việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phải coi việc triển khai CVĐ là việc làm thường xuyên, liên tục và đưa vào các cấp ủy Đảng. Tuyên truyền vận động người dân thay đổi nhận thức và thay đổi hành vi mua sắm hàng hoá ưu tiên hàng Việt. Chúng ta vận động người dân tiêu dùng trong khi chất lượng hàng hoá yếu kém thì không được".
Theo ông Tuấn, Kiên Giang phải làm tốt hai việc: Một là quản lý tốt thị trường để chống hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Hai là chỉ đạo tốt việc ngăn ngừa các mặt hàng ngoại nhập tràn lan vào thị trường.