Mặt trận

Vận dụng linh hoạt các hình thức giám sát

Nguyễn Thị Ngân (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh) 01/04/2024 07:13

Quá trình triển khai việc giám sát cán bộ, đảng viên trong nhiều năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã rút ra được những kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động giám sát này.

bai-chinh.jpg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Hồi công bố quyết định giám sát của MTTQ với việc thực hiện trách nhiệm đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: NN.

Chọn đối tượng, nội dung sát thực tiễn

Hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện từ nhiều năm qua. Ban đầu nội dung, phạm vi giám sát còn hẹp, mới chỉ thực hiện giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở trong việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Từ năm 2021 đến nay, hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai với nhiều nội dung mới; đối tượng, phạm vi giám sát đều có sự thay đổi, mở rộng, bao gồm cả cơ quan hành chính và đại biểu dân cử.

Năm 2021, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức giám sát đối với 36 cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và năm 2022, tổ chức giám sát đối với 61 cán bộ là Giám đốc, Phó Giám đốc các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh là địa phương đầu tiên trên toàn quốc tổ chức và hoàn thành đạt kết quả cao Chương trình giám sát việc thực hiện trách nhiệm và chương trình hành động của Đại biểu HĐND tỉnh, với 18 đại biểu. Công tác giám sát thực hiện theo hình thức kết hợp vừa nghiên cứu, xem xét báo cáo vừa tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác, Ban Tiếp công dân, Ủy ban MTTQ các địa phương và lấy ý kiến nhận xét của các chi bộ nơi cư trú…

Không chỉ chú trọng đến việc lựa chọn đối tượng, nội dung giám sát hàng năm phù hợp với chủ đề công tác mà Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh còn rất quan tâm đến việc giải quyết kiến nghị sau giám sát. Sau các cuộc giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đều có kiến nghị gửi các cơ quan chức năng cùng phối hợp theo dõi, giám sát việc khắc phục theo các kiến nghị đề ra.

Do đó, kết quả các cuộc giám sát đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong hệ thống chính trị, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh ghi nhận, đánh giá cao. Đồng thời, làm rõ vai trò của MTTQ trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Lựa chọn đúng và trúng

nội dung giám sát

Từ kinh nghiệm thực tiễn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã rút ra kinh nghiệm để hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên đạt hiệu quả cần phải lựa chọn nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát vừa đảm bảo sát thực tiễn, trúng, đúng những vấn đề Đảng, Nhà nước và nhân dân đang quan tâm, đồng thời phù hợp với năng lực giám sát của MTTQ.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát cán bộ, đảng viên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, cần phải vận dụng linh hoạt các hình thức giám sát, gồm: Giám sát thông qua báo cáo và tổ chức Đoàn giám sát trực tiếp thẩm định, xác minh tại cơ sở.

Trong đó chú trọng hình thức tổ chức Đoàn giám sát trực tiếp tại nơi làm việc và nơi cư trú. Đối với hình thức này cần quan tâm việc lựa chọn các thành viên tham gia đoàn giám sát giám sát. Ngoài các thành viên Đoàn giám sát thì mời thêm một số cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, các ban Đảng có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm phù hợp với nội dung giám sát; có bản lĩnh, năng lực nhận diện, phát hiện vấn đề; năng lực phân tích, đánh giá, tổng hợp tham gia làm thành viên và Tổ giúp việc Đoàn giám sát.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cần phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên nghiên cứu chuyên sâu theo các nội dung giám sát. Đối với các lĩnh vực phức tạp, các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, Đoàn giám sát cần tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học, huy động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên nghiên cứu chuyên sâu. Qua đó, giúp nhận diện, phát hiện, tổng hợp trước những nội dung bất cập, tồn tại, hạn chế cần trao đổi, làm rõ khi tiến hành hoạt động giám sát tại cơ sở.

Khi triển khai giám sát tại cơ sở, Đoàn giám sát nên chia thành các nhóm thu thập thông tin, tài liệu. Trên cơ sở các nội dung thu thập, xác minh được, Đoàn giám sát tổ chức làm việc với các địa phương, các cơ quan, đơn vị và đối tượng giám sát để thống nhất nội dung kết luận giám sát. Tại buổi làm việc, từng nội dung giám sát, nhất là những tồn tại, hạn chế được trao đổi thẳng thắn, giải trình làm rõ đảm bảo tính khách quan, chính xác, thống nhất giữa Đoàn giám sát và cá nhân được giám sát. Trưởng Đoàn giám sát kết luận những ưu điểm, hạn chế, tồn tại của mỗi cá nhân được giám sát và kiến nghị giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại. Kết luận giám sát là cơ sở xây dựng Báo cáo kết quả giám sát và Văn bản kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ.

Bên cạnh đó, để triển khai giám sát cán bộ, đảng viên đạt kết quả còn cần quan tâm một số nội dung như: Xây dựng Chương trình, Kế hoạch giám sát hàng năm báo cáo cấp ủy cùng cấp để thống nhất trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; xây dựng Đề cương giám sát và hệ thống phụ lục các bảng biểu số liệu thống kê kèm theo Báo cáo và các mẫu Biên bản xác minh, thẩm tra khi đi làm việc tại cơ sở; nâng cao chất lượng công tác tổng hợp báo cáo giám sát và ban hành Văn bản kiến nghị sau giám sát cũng như theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các cá nhân, cơ quan đơn vị liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vận dụng linh hoạt các hình thức giám sát