Vẫn hấp dẫn nguồn vốn FDI

Hồ Hương 19/01/2017 09:05

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng tốp đầu. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là 2 quốc gia đang và sẽ đầu tư rất mạnh vào Việt Nam.

Năm 2016, có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Nhật Bản tăng đầu tư

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm Việt Nam đã chia sẻ các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục hoạt động vững chắc, tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác Việt Nam. Cả Chính phủ Nhật Bản và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam.

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản cũng đã khẳng định, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư gắn với tăng trưởng xanh, các dự án hợp tác phát triển công nghiệp hóa Việt Nam - Nhật Bản, các dự án phát triển hạ tầng chất lượng cao, dự án PPP, dự án dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là tài chính, ngân hàng, du lịch, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế tạo.

Phần lớn vốn đầu tư của Nhật Bản đến từ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay lĩnh vực nông nghiệp được đối tác Nhật quan tâm.

Báo cáo từ Cục đầu tư nước ngoài Bộ kế hoạch Đầu tư, nội năm 2016, có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản giữ vị trí thứ 2 đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 2,58 tỷ USD, chiếm 10,62% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Năm 2016 cũng là thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 907 dự án đầu tư đăng ký mới; 766 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 13,4 tỷ USD, chiếm 74,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 49 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 740,9 triệu USD, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 684,8 triệu USD, chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư.

Đón những luồng gió mới

Không chỉ đón cơ hội từ Nhật Bản, năm 2017, Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội mới để thu hút FDI từ Thái Lan. Việt Nam được coi là địa bàn đầu tư quan trọng trong khu vực của chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Thái Lan và Việt Nam gần về địa lý, tương đồng về văn hóa. Chính phủ hai nước cũng đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác đầu tư nên đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư vào ngày 7/2/1992. Do vậy, các nhà đầu tư Thái Lan không gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam và Thái Lan cũng hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ các quốc gia ASEAN. Hai bên đã thể hiện vai trò tích cực trong khu vực, cùng các thành viên khác quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng lớn mạnh.

Không chỉ Chính phủ Thái Lan khuyến khích doanh nghiệp (DN) nước này đầu tư vào Việt Nam mà Chính phủ Việt Nam cũng coi Thái Lan là đối tác đầu tư quan trọng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Việt Nam mong muốn DN Thái Lan tăng cường hợp tác đầu tư vào Việt Nam ở các lĩnh vực mà quốc gia này có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, thực phẩm và xe hơi, nông nghiệp.

Để thu hút FDI từ Thái Lan, Việt Nam đã và đang tiến hành một số giải pháp như: Thúc đẩy các chương trình xúc tiến đầu tư được tổ chức hàng năm giữa hai nước; vận động đầu tư Thái Lan theo hình thức mới, chọn các dự án trọng điểm; tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của Thái Lan tại Việt Nam; nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp, tạo sự gắn kết giữa FDI Thái Lan và DN trong nước; kêu gọi đầu tư Thái Lan vào các lĩnh vực thế mạnh của họ mà Việt Nam đang có nhu cầu như phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ với dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN. Các ngành tiềm năng phát triển là giáo dục, y tế, công nghệ, thực phẩm, tiêu dùng nhanh…

Ngoài ra, nhờ vào các hiệp định thương mại đã được ký kết và lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, Việt Nam đang và vẫn sẽ tiếp tục trở thành công xưởng của khu vực khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục chuyển dịch nhà máy từ các nước trong khu vực sang Việt nam để sản xuất và xuất khẩu đi toàn thế giới.

Để có thể tận dụng tốt được xu hướng này, Chính phủ cần hết sức quan tâm đến chất lượng của các dự án đầu tư nước ngoài, cụ thể tác động tới môi trường của dự án và tăng cường khả năng kết nối của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn hấp dẫn nguồn vốn FDI

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO