Ngày 25/12, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Hội nghị là dịp để đánh giá một cách tổng quát nhất về tình hình thực hiện Chiến lược, xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc ban hành Chiến lược mới, xác định những căn cứ cho các chính sách của Đảng, Chính phủ và ngành văn hóa trong những vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân của khó khăn, hạn chế, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học tốt, phân tích thời cơ, thách thức và các vấn đề đặt ra trong việc xây dựng Chiến lược văn hóa mới, đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến trong xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia thẳng thắn chỉ ra rằng: Việc chịu quá nhiều áp lực khiến con người Việt Nam hiện nay không thể giống như trước kia. Những mặt trái của nền kinh tế thị trường không chỉ tồn tại trong lĩnh vực kinh tế, mà còn lan tràn ra các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trong đó, văn hóa được xem là lĩnh vực nhạy cảm nhất, xuyên suốt nhất. Xu hướng cá nhân hóa đang gia tăng trong xã hội bởi các nguyên nhân từ sự phổ biến của các phương tiện truyền thông mới như Internet, mạng xã hội... đã khiến cho các cá nhân quan tâm đến mình nhiều hơn, sống ích kỷ hơn, từ đó tạo ra những vấn đề đối với văn hóa. Sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới tạo ra thói quen mới, nhu cầu mới, ngôn ngữ mới, lối sống mới. Những cách xử lý vấn đề, lối sống trước kia đôi khi không còn phù hợp, thậm chí có tác động ngược lại, cản trở sự phát triển. Cái mới chưa rõ ràng, cái cũ thì vẫn còn tồn tại dẫn đến xã hội mất phương hướng trong nhiều lĩnh vực cụ thể. Thế giới ảo không còn ảo nữa mà nhiều khi thật hơn thế giới thật, và chi phối thế giới thật…
Đồng quan điểm, bà Trần Vân Anh - Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho rằng, tốc độ đô thị hóa cao, dân số cơ học tăng nhanh, do vậy văn hóa Hà Nội có sự đan xen của văn hóa, phong tục tập quán của người Hà Nội và văn hóa của các vùng miền trong cả nước. Bên cạnh những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội còn có nhưng hiện tượng chưa đẹp như đi lại không tuân thủ luật lệ giao thông, nói năng chưa văn hóa, thậm chí văng tục chửi thề nơi công cộng, phong cách ứng xử quá phóng khoáng hoặc tùy tiện, nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa… Sau hơn 2 năm thực hiện, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội đã từng bước đi vào cuộc sống, có những tác động tích cực, được dư luận nhân dân đồng tình, hưởng ứng, nhiều mô hình hay, cách làm tốt xuất hiện, được nhân rộng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại, hạn chế như trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của người dân khác nhau, dân cư thường xuyên biến động nên việc tuyên truyền phổ biến và xây dựng chuẩn mực văn hóa của người Hà Nội còn khó khăn. Quy tắc ứng xử nơi công cộng quy định chuẩn mực ứng xử chung nhưng nhận thức và thói quen phụ thuộc vào từng cá nhân, nhất là nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về yêu cầu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn hạn chế. Do đó, để thay đổi nhận thức và thói quen cần phải có thời gian, kiên trì, bền bỉ và lâu dài.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, nhiều năm nay, văn hóa là lĩnh vực bị phản ánh có nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về đạo đức xuống cấp. Rất ít người nói được những bước tiến có thể lượng hóa được về phát triển văn hóa. Nhưng các số liệu thống kê cho thấy, chúng ta có một sở cứ về sự phát triển của văn hóa bằng số lượng rất rõ. Với điện ảnh, nếu 10 năm trước, khi xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa, chúng ta mới có 8 phim truyện điện ảnh được sản xuất mỗi năm thì nay đã có trên 40 phim. Trước đây chỉ có 63 rạp chiếu phim thì nay có trên 540 rạp… Nhiều năm nay, chúng ta không chỉ hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới và Việt Nam hóa văn hóa của thế giới mà còn tích cực đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Rất nhiều thành tựu từ phát triển du lịch, thể thao cũng cho thấy những đóng góp tích cực của sự phát triển văn hóa… Điều đó cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể định lượng, chuẩn hóa, lượng hóa được sự phát triển của văn hóa. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, gần đây, có nhiều điều xã hội làm được nhưng chúng ta chưa cắt nghĩa được, chưa đưa ra được các tiêu chí để đánh giá, lượng hóa nó, không định hướng được xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, thời gian qua, nguồn lực của toàn xã hội cho văn hóa đã lớn hơn rất nhiều. Đây là hệ quả từ nhận thức về văn hóa được nâng lên. Khi nhận thức thay đổi sẽ dẫn đến nhiều sự thay đổi khác trong hành động, trong đầu tư về thời gian, con người, vật chất, nguồn vốn. “Chúng ta nhận thức văn hóa là sức mạnh mềm và đã bàn rất nhiều về sức mạnh này. Nhưng, văn hóa sẽ còn phát triển hơn nữa nếu được đầu tư tốt hơn” - Phó Thủ tướng nói.