Trong khuôn khổ Dự án xuất bản sách do Tổng thống Liên bang Nga tài trợ, vừa qua Trung tâm Văn hóa Nga tại Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt các tác phẩm văn học Nga nhằm giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật và các nhà văn Nga với độc giả Việt Nam góp phần thúc đẩy và củng cố quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc Việt Nam và Nga qua lăng kính văn học.
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại buổi lễ.
Dự án dịch và xuất bản các tác phẩm văn học kinh điển Nga nổi tiếng trên toàn thể giới sang tiếng Việt và các kiệt tác văn học Việt Nam sang tiếng Nga đã được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2012 và là một trong những phần cấu thành quan trọng trong hợp tác nhân văn giữa Nga và Việt Nam.
Chịu trách nhiệm thực hiện bởi Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, Quỹ hỗ trợ phố biến văn học Nga tại Việt Nam, Hội dịch thuật với sự tài trợ của Ngân hàng VTB.
Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Tôi có thể nói với ngài Đại sứ và các bạn Nga rằng văn hóa Nga trẻ mãi, sống lâu bền trong trái tim người Việt Nam. Cuộc sống có thể có nhiều thay đổi nhưng những gì mà chúng tôi tiếp nhận từ văn hóa Nga sẽ sống mãi. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng văn học Nga, văn hóa Nga là một trong những di sản quý báu nhất của nền văn học vĩ đại của loài người. Việc dịch các tác phẩm là một việc làm cao cả, để làm cho dòng chảy giao lưu văn hóa mãi mãi bền vững”.
Các tác phẩm được giới thiệu đến độc giả lần này gồm 2 sách văn học cổ điển Nga là vở kịch kinh điển “Nỗi khổ vì trí tuệ” của Aleksandr Griboedov và tiểu thuyết “Đầu xanh tuổi trẻ” của Fedor Dostoevski; cùng 2 tác phẩm văn học Nga đương đại: Tập truyện vừa “Kinh nghiệm tình ái” và “Đôi cánh”. Dịch giả Thúy Toàn - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam, văn học Nga của Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Nhà soạn kịch cổ điển Nga thế kỷ XIX A.Griboedov từ lâu đã được giảng dậy ở chương trình đại học Việt Nam, nhưng từ nay sinh viên ta không còn phải nghe giảng dạy chay mà đã có sách nghiên cứu, tham khảo. Cố đạo diễn điện ảnh Việt Nam Đình Quang đã ca ngợi tác phẩm này trên sách báo và mong có dịp vở kịch sẽ được dàn dựng trên sâu khấu Việt Nam. Giờ đây điều mong muốn đó có cơ hội thành sự thực”.
Dịch giả được xem là nhân vật trung gian để gắn kết giữa tác giả và người đọc, kéo những thế hệ khác nhau lại gần với nhau. Tuy nhiên việc dịch các tác phẩm còn vấp phải nhiều khó khăn khi nền văn hóa của 2 nước khác xa nhau, hơn nữa về khoảng cách thời gian, có những tác phẩm ra đời thế kỉ 19 và nay là thế kỉ 21 thì ngôn ngữ và cách diễn đạt phải phù hợp, không thể quá hiện đại mà cũng không thể quá cổ điển. Điều đó đòi hỏi đội ngũ dịch giả phải có sự tìm tòi nghiên cứu và có trình độ chuyên môn cao.
Xét trên thực tế, cùng với việc tiếng Nga không còn phổ biến ở Việt Nam, số lượng người học tiếng Nga không nhiều, nên đội ngũ người Việt có thể dịch trực tiếp các tác phẩm văn học Việt sang tiếng Nga hiện không có.
Số ít dịch giả thời trước nay đều đã tuổi cao. Bởi vậy, công việc chuyển ngữ chỉ còn biết nhờ vào phía bạn. Tuy nhiên, Nga cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm người dịch bởi các dịch giả người Nga biết tiếng Việt ngày càng ít và đều đã lớn tuổi.
Dịch giả Thúy Toàn cũng lên tiếng kêu gọi những bạn đọc có khả năng, yêu văn học và nền văn hóa Nga cùng tham gia dự án dịch thuật, góp phần giúp người dân 2 nước hiểu biết về nhau nhiều hơn.
“Hy vọng rằng tới đây sẽ một thế hệ dịch giả mới để tiếp nối công việc quảng bá hình ảnh Việt Nam tới nước Nga và ngược lại”- dịch giả Thúy Toàn gửi gắm.