Từ lâu, văn học nước ngoài được dịch ra tiếng Việt chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn nghệ. Thời gian qua, tiếp tục cho thấy nỗ lực của giới xuất bản khi khai thác nhiều tác phẩm mới lạ để đưa tới bạn đọc trong nước.
“Bình yên nước Mỹ” của Philip Roth, đoạt giải Pulitzer 1998. Cuốn tiểu thuyết đã phơi bày những nỗi đau, từ quy mô nhỏ như gia đình, sự thất vọng đối với kỳ vọng cá nhân… cho đến lớn hơn là chiến tranh, bạo lực, phân biệt chủng tộc... Tác giả như cùng bạn đọc tự chất vấn với mong muốn tìm ra giá trị sống đích thực.
Trong khi đó, tiểu thuyết “Bốn ngọn gió” của Kristin Hannah được viết bằng giọng văn giàu nữ tính, nhưng lại được ví như bản anh hùng ca về câu chuyện vượt lên khó khăn, thách thức cũng như nghịch cảnh của người phụ nữ không màng tất cả để cứu lấy gia đình mình. Những trang viết đầy cảm xúc cho thấy nghị lực và sức mạnh của người phụ nữ. Tương tự, cuốn tiểu thuyết “Con cháu của họ cũng thế thôi” của Nicolas Mathieu (đoạt giải Goncourt 2018) lấy bối cảnh một nước Pháp phi công nghiệp hóa, nơi các giá trị những tưởng trường tồn giờ đã thay đổi. Xoay quanh 3 nhân vật chính là 3 người trẻ đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành, từ đó họ đứng ở ngã ba đường giữa việc phải chọn lựa tương lai mới cho mình, nhưng cũng khó khăn trong việc thay đổi sứ mệnh, khi xã hội ngày càng phân cấp. Giới phê bình văn học cho rằng đây là tác phẩm mang tính thách thức, nhưng thông qua đó cũng kêu gọi thêm sự đồng cảm và chia sẻ.
Một nhà văn nữ khác, Camille Laurens, lại đem đến sự thú vị qua tác phẩm “Con gái”. Camille Laurens nổi tiếng với việc sử dụng hồi ức cá nhân, từ đó làm nổi bật lên bối cảnh xã hội. “Con gái” rất nữ tính, xoay quanh một người phụ nữ, từ khi sinh ra, trưởng thành và rồi làm mẹ, nhưng kèm theo đó cũng là những sự áp bức và thiếu công bằng mà xã hội đặt trên vai họ.
Một tác phẩm được dịch ra tiếng Việt cũng rất đáng chú ý, đó là tiểu thuyết “Đứa trẻ cát” của Tahar Ben Jelloun. Lấy bối cảnh Maroc thời kỳ thuộc Pháp, cuốn sách xoáy vào tình trạng của một cá nhân không được là mình, bởi những áp chế về mặt xã hội. Kết hợp với motif kể chuyện “Ngàn lẻ một đêm”, các hình tượng và liên tưởng hấp dẫn đậm chất thi ca…, đây là tác phẩm không chỉ hấp dẫn riêng về câu chuyện, mà còn để lại dấu ấn đậm nét trong nghệ thuật đặc biệt.
Với cái tên có vẻ cứng nhắc, “Giáo dục châu Âu” nhưng tác giả Romain Gary người từng 2 lần đoạt giải Goncourt danh giá, lại cho thấy những xung lực lớn trong cách cách tân nghệ thuật viết và kể những câu chuyện “bên lề”. Romain Gary rất giỏi sử dụng nghệ thuật “truyện lồng trong truyện”, cách dùng tương phản như một đòn bẩy, từ đó đi sâu vào thân phận con người.
Trong khi đó, “Lời hứa” của Damon Galgut lại xoay quanh hai thế hệ gia đình, với độ dài mang tính sử thi, đã khắc họa những vấn đề rất cốt tủy của một quốc gia châu Phi, trong bối cảnh xung đột chủng tộc, giai cấp. Tuy nhiên, nó còn rộng hơn, sâu hơn mang tính phổ quát hơn chính là lòng tham, sự ghen tị và thiếu chia sẻ. Giới phê bình văn học nhận xét, Damon Galgut là người kể chuyện cực hấp dẫn, nhưng xe vào đó lại là những đoạn văn được viết một cách vô cùng mượt mà, như sự chuyển tiếp của những cảnh phim sở hữu góc quay được đặt từ phía trên cao.
Cùng với Han Kang và Bora Chung, Bae Suah là một trong những nhà văn đến từ Hàn Quốc có được danh tiếng cũng như sức hút trên toàn thế giới. Trong đó “Ngày và Đêm” là tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn này. Cách xa truyền thống Đông phương, tuy vậy cuốn sách đậm tính hiện thực huyền ảo vẫn cho thấy một Hàn Quốc chuyển động nhanh chóng, nơi đó cuộc sống thị dân đặt ra rất nhiều vấn đề.
“Ngày và Đêm” được xem là tác phẩm đáng chú ý thời gian gần đây của một tác giả châu Á.