Ngày nay, văn học trẻ đã và đang có nhiều cơ hội, nhiều sân chơi để các tác giả trẻ tạo tên tuổi và khẳng định mình. Họ chính là những người hứa hẹn sẽ tạo nên diện mạo cho văn chương thủ đô và nước nhà. Nhưng văn học trẻ đã thực sự phát triển, bứt phá và khẳng định tiếng nói của mình trên văn đàn?
Nhà văn trẻ đang được kỳ vọng tạo nên làn gió mới cho văn học Việt Nam.
“Làn gió” mới cho văn học
Mới đây, tại Tọa đàm “Nhận diện văn học trẻ Thủ đô 10 năm gần đây” do Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp CLB Văn học trẻ Hà Nội tổ chức đã phần nào làm rõ vấn đề này. Có thể thấy, ở bất cứ thời đại nào văn chương luôn được quan tâm và những người viết trẻ vẫn luôn nhận được sự chú ý. So với thế hệ đi trước, thế hệ những người viết trẻ hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cả về mặt đời sống cũng như môi trường sáng tác, phần lớn đã tốt nghiệp các trường đại học trong và ngoài nước, một số công tác ở các cơ quan chuyên môn về văn chương nên họ có nhiều thuận lợi để tạo ra những tác phẩm vừa có giá trị về nghệ thuật, vừa có sự giá trị về nội dung...
Những cây viết trẻ đã đem đến không khí mới mẻ cho văn học từ sự đa dạng về thể loại, phong phú về đề tài, táo bạo, phá cách trong ngôn ngữ, sáng tác. Nhìn từ đời sống văn học thời gian qua, dễ dàng nhận thấy, nắm giữ vị trí chủ lực của văn học trẻ hiện nay là những tác giả thuộc thế hệ 8X và 9X. Có thể kể ra nhiều tác giả trẻ tiêu biểu, có các sáng tác chất lượng được đông đảo bạn đọc đón nhận như Khúc Hồng Thiện, Phạm Thanh Thúy, Lương Đình Khoa, Văn Thành Lê, Đinh Phương, Hoàng Công Danh, Nguyễn Phong Việt, Tiểu Quyên, Nhật Phi, Lý Hữu Lương, Nguyễn Thị Kim Nhung, Viễn Hải, Ngô Gia Thiên An...
Thậm chí, nhà văn trẻ Nhật Phi phải thốt lên rằng “Các tác giả trẻ, một thế hệ đa văn hoá, đã trình diện một bộ mặt rất gần với cách thế văn chương thế giới... Chúng ta đã có những tác giả chào sân với khoa học giả tưởng, với kì ảo, với trinh thám, siêu thực. Bên cạnh đó vẫn có không ít tác giả nối dài những con đường truyền thống hơn với văn hoá, lịch sử, dã sử”.
Theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, người viết trẻ hiện nay có nhiều lợi thế “Họ có thể viết tất cả những gì mình quan tâm thích thú, kể cả mặt trái và góc khuất tăm tối của đời sống xã hội cũng như quá trình tha hóa chưa từng thấy của con người thời đại. Họ có thể bộc bạch những chuyện riêng tư thầm kín nhất của cá nhân mình mà đáng lẽ những chuyện đó chỉ nói trong phòng kín và chỉ có hai người...Văn trẻ bây giờ hơn các thế hệ trước ở sự tự do thông tin khi internet, mạng xã hội đến Việt Nam. Văn trẻ có cái sắc thái táo bạo, phá cách trong sáng tác, phải thừa nhận là văn trẻ có ý thức làm mới văn chương khi quyết liệt tìm cách viết mới”.
Nhiều nhà văn cũng thừa nhận các nhà văn trẻ đã nhập cuộc mạnh mẽ, có ý thức trách nhiệm với thời cuộc. Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh có cái nhìn tích cực về một bộ phận người viết trẻ. Anh cho rằng, người viết trẻ đã chủ động sáng tạo ra thế giới nghệ thuật riêng,theo góc nhìn của mình với biên độ ngoại vi được mở hết cỡ, tính đa thanh, đa văn hóa khá rõ nét. Các tác giả đã đưa ra những khái niệm, triết luận, suy tưởng về con người, xã hội nhân sinh, cùng mọi chủ đề liên quan cuộc sống...với thuật dẫn dắt hấp dẫn, logic. Cấu trúc truyện theo lối mở có khả năng vẫy gọi người đọc đồng sáng tạo... “Tôi đánh giá cao và hết sức tin tưởng vào những cây viết thế hệ này, đặc biệt trong bối cảnh lan tràn facebook & chúng ta đang cố hội nhập vào thế giới phẳng. Đội ngũ này sẽ thực sự thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển gần hơn với thế giới. Những tác giả này đã đem lại sinh khí mới cho văn học” - nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh nói.
Cơ hội nào cho người trẻ?
Tuy nhiên, bên cạnh một số tác giả trẻ có tác phẩm chất lượng với việc dấn thân vào đề tài mới, lạ, văn phong mới mẻ được bạn đọc đón nhận thì cũng có những người trẻ sáng tác theo trào lưu đánh vào tâm lý đám đông và chạy theo yếu tố thị trường nên thường nhạt nhẽo, nông cạn, không đủ sức giữ độc giả. Về vấn đề này, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng: “Lực lượng viết trẻ chưa thực sự bứt phá “nổi đình nổi đám” và làm cho văn đàn Việt Nam khởi sắc tựa như sự xuất hiện của các thi sĩ lãng mạn thời Thơ mới (1932-1945) ngày trước”. Ở đó, theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, một trong những nguyên nhân khiến cho Văn trẻ chưa đáp ứng được nguyện vọng của xã hội, xuất phát từ quan niệm về văn chương và tâm thế của người viết trẻ đối với văn chương. Có những người trẻ chưa thực sự hết mình hoặc không mấy mặn mà với nghề chữ này. Một số người có khát vọng làm mới văn chương bằng cách hướng ra thế giới với tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng đáng tiếc là sự tiếp biến chưa có hiệu quả. Một số bạn trẻ bị “đứt rễ” với mảnh đất màu mỡ của đời sống nhân dân vốn luôn là nguồn dinh dưỡng tinh thần cho sáng tạo nghệ thuật. Đọc Văn trẻ nhiều người có cái cảm giác thiếu vắng hơi thở của đời sống thực tế bao bọc quanh ta đến mức có thể sờ mó được đường nét, hít thở cảm nhận được mùi vị, lắng nghe đựơc các cung bậc âm thanh… của một thế giới sống động, sinh sắc và sinh thành. “Dường như họ viết đã rồi mới sống, khác với quan niệm sống đã rồi mới viết trước kia. Từ sự thiếu thực tế để tích lũy vốn sống như ngày trước, người viết trẻ dựa vào tài liệu gián tiếp qua các kênh thông tin của các phương tiện truyền thông và sự hỗ trợ của kĩ thuật thì ắt dẫn đến hệ quả là tác phẩm nhiều “chữ” nhưng có thể thiếu hụt nghĩa” - nhà văn Bùi Việt Thắng bày tỏ.
Còn với nhà văn Vinh Huỳnh, bên cạnh việc cảm nhận các yếu tố tích cực cũng chỉ ra một số hạn chế của các bạn viết trẻ. Theo anh, nhiều tác giả đi vào đề tài lịch sử nhưng chỉ là sự phục dựng lại lịch sử khiến cho tác phẩm ít lôi cuốn người đọc. Trong khi văn học sử dụng yếu tố sử để chuyển tải thông điệp của tác giả, nhận định lại những nghi vấn lịch sử, đào xới, lật lại vấn đề đưa ra các dẫn xuất mới, lý giải mới, tìm những ý nghĩa mới, cách đánh giá mới... Trong những tác phẩm của các tác giả trẻ dễ dàng bắt gặp những phát ngôn thái quá, những chi tiết (thậm chí tình tiết) sống sượng do tác giả đang đà cao hứng hoặc giả bê nguyên từ đời sống vào không theo chủ ý hay ăn theo chủ đề của tác phẩm, các tác giả đã tước bỏ mọi mỹ từ chỉ để ngôn ngữ trần trụi như cuộc sống hàng ngày. Một điều đáng tiếc nữa là do quá chú trọng vào yếu tố tưởng tượng nên các tác giả đã bỏ phí nhiều dữ liệu vốn sống đô thị hiện đại cực kỳ phong phú khi không gắn các chi tiết đắt giá với các ý tưởng tự thân, chưa khái quát hóa được vấn đề, cũng như chưa chuyển tải được thông điệp ý nghĩa cuộc sống vào tác phẩm.