Văn Lê là nghệ sĩ đa tài. Ông là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn điện ảnh. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những thành tựu đáng kể. Tối 6/9, ông đã mất tại nhà riêng ở TP HCM, sau một cơn đột quỵ, thọ 72 tuổi.
Văn Lê tên thật là Lê Chí Thuỵ, sinh ngày 2/3/1949, quê ở Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình. Ông nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường B2 năm 1967. Năm 1974, ông về Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Sau 1975, ông công tác ở tuần báo Văn nghệ Giải phóng, tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1977, ông tái ngũ chiến đấu ở Mặt trận 479, Campuchia, đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải Phóng cho tới năm 2010 nghỉ hưu.
Văn Lê là con người đa tài, xuất thân nhà thơ, rồi chuyển sang viết văn, viết kịch bản và đạo diễn phim, đạt nhiều thành tựu. Ông đã xuất bản 3 tập thơ, 2 trường ca, 5 tập truyện, 15 tiểu thuyết và được phong Nghệ sĩ ưu tú của ngành điện ảnh. Ông được trao giải A về thơ Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995 và rất nhiều giải thưởng văn chương khác trong nước.
Trong lĩnh vực điện ảnh, Văn Lê đã nhận các giải thưởng: 3 lần đạt giải thưởng kịch bản phim Tài liệu xuất sắc nhất, 1 giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất, 1 giải Bông Sen Vàng, 5 Bông Sen Bạc, 2 Cánh Diều Vàng, 1 giải Galaxy của truyền hình Nhật Bản và nhiều giải thưởng cao về phim tài liệu của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Ông là tác giả kịch bản phim truyện “Long Thành cầm giả ca”, Giải nhất về kịch bản trong đợt sáng tác kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Khi “Long thành cầm giả ca” được sản xuất, bộ phim đã giành giải Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh năm 2012.
Nói về Văn Lê, nhà văn Phan Hoàng ngậm ngùi: “Thật choáng váng, quá đau buồn. Văn Lê là nhân cách lớn, cây bút tài hoa hàng đầu về tiểu thuyết, thi ca, điện ảnh, người anh thân thiết hết lòng với anh em văn trẻ. Vĩnh biệt một trong những bậc đàn anh đáng kính trọng nhất của làng văn nghệ. Mình đang ở xa không cầm được nước mắt!”.
Hai tiểu thuyết cuối cùng của Văn Lê là “Phượng hoàng” và Cống nhân. Tác phẩm Phượng hoàng vừa được trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP HCM lần 2 (5 năm một lần) năm 2019. Đây là tác phẩm về đề tài chiến tranh, được Văn Lê ấp ủ nhiều năm hậu chiến mới chấp bút. Còn với tác phẩm “Cống nhân” do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP HCM ấn hành là cuốn tiểu thuyết lịch sử mà ông đã cầm bút với nhiệt tâm sôi nổi, lấy cảm hứng từ lịch sử đời Trần, giai đoạn nhà Trần suy vi đang đứng trước nguy cơ rơi vào tay Hồ Quý Ly.
Cống nhân viết về số phận đầy sóng gió của hai cha con Hoàng giáp Đại sư Tuệ Quang, một vị thiền sư, một lương y tài năng. Người vợ yêu quý của ngài mất sớm, ngài xuất gia. Sau lần bất ngờ gặp lại người vợ đã mất – đã trở thành một mỹ nhân ngư- ít lâu sau, một bé gái được gửi đến chùa cho Tuệ Quang. Tin chắc đó là con gái ngài với người vợ đã mất, ngài đặt tên Duyên cho cô bé. Khi Duyên đã lớn thành một thiếu nữ xinh đẹp, cha con Tuệ Quang cùng nhiều người dân khác bị cống nạp cho người Bắc phương. Lấy ý tưởng từ tấn thảm kịch khuất tất trong lịch sử: Cống nhân - tục cống người ở nước ta sang Bắc phương, đời nhà Minh ở Trung Quốc, Văn Lê cho ta thấy thân phận cay đắng, nhỏ nhoi của con người bị vùi dập dưới chính sách tàn bạo của vua chúa. Tác phẩm cất lên tiếng hát oán than nỗi niềm tha hương cũng như ý thức lưu vong của những cống nhân Đại Việt phải chịu cảnh lưu lạc ở Trung Quốc thời bấy giờ.
Tiếng kêu của Nhân quyền chạy dọc xuyên suốt toàn tác phẩm. Dù thoát ra từ vết thương lịch sử cách đây hàng trăm năm nhưng mãi đến khi tác phẩm Cống nhân ra đời, tiếng kêu ấy mới được trần tình.
Một thiền sư – Lương y Tuệ Quang trong chuyến đi được phép trở về cố hương, đi ngang qua vùng đất Chiết Giang, nhìn thấy bá tánh chịu cơn bệnh dịch đậu mùa. Là một lương y, ông không thể bỏ mặc người dân, ông quyết định ở lại chữa trị, bằng tất cả tấm lòng và dốc toàn sức lực, ông bị kiệt sức và chết khi chưa kịp trở về quê nhà. Lời cuối cùng trước khi chết, ông nói với xã trưởng rằng: “Nếu có ai ở An Nam sang thì cho tôi về theo với”...
Nhà văn Văn Lê từng chia sẻ: “Tôi muốn gửi gắm tinh thần cao thượng của một (cống nhân) lương y đã bay trên tất cả sự thù hằn, tinh thần kiên cường bất khuất của người Đại Việt xưa. Dù đất nước có lúc hưng thịnh, lúc suy lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo nhưng luôn mang trong tim mình tinh thần của một người con nước Việt”.
Với óc quan sát tỉ mỉ lịch sử, văn hóa, phong tục Việt Nam đời nhà Trần, những hiểu biết phong phú về đông dược và giọng văn thuần chất lịch sử pha trộn màu sắc huyền ảo đầy mê hoặc và xúc cảm; cố gắng dùng ngôn ngữ phù hợp với thời đại ngày xưa. Văn Lê đã tạo được một văn nghiệp lớn với những cuốn tiểu thuyết giá trị về mặt lịch sử và xã hội, có sức thu hút đối với bạn đọc trong nước lẫn ngoài nước. Tiểu thuyết lịch sử Cống nhân của Văn Lê cũng là quyển sách đầy tiềm năng để vươn xa, loang rộng ra cuộc đời, là khúc ca sử Việt vàng son vừa lộng lẫy vừa ngậm ngùi kể về thân phận tha hương của những cống nhân Đại Việt xưa.