Cho đến thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển ĐH bằng xét học bạ. Theo đó, không ít trường có mức điểm sàn thấp, trung bình chỉ khoảng 5 điểm/môn. Nhiều nghi ngại đang đặt ra về chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo của các trường.
5 điểm/môn đã trúng tuyển đại học
Tính đến ngày 23/5, cả nước đã có 16 trường ĐH, học viện công bố điểm chuẩn học bạ THPT năm 2023. Theo đó, nhiều trường có mức điểm sàn thấp, trung bình chỉ khoảng 5 điểm/môn. Đơn cử như Trường ĐH Nha Trang đã mở cổng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển và công bố điểm sàn phương thức tuyển sinh dựa vào học bạ các ngành đào tạo ĐH chính quy năm 2023. Theo đó, ở phương thức này, trường lấy thang điểm 40 (tức tổ hợp 4 môn hoặc môn chính nhân 2). Trong 40 ngành tuyển sinh năm 2023, điểm sàn cao nhất của Trường ĐH Nha Trang là 27 điểm và thấp nhất là 20 điểm. Nếu tính trung bình, ngành cao nhất có trung bình mỗi môn 6,75 điểm còn điểm sàn ngành thấp nhất, mỗi môn 5 điểm.
Tương tự, theo công bố của Trường ĐH Hùng Vương, điểm chuẩn xét học bạ tổ hợp 3 môn học kỳ 1 hoặc tổ hợp 3 môn cả năm lớp 12 vào tất cả các ngành đào tạo của trường là 15 điểm. Trường ĐH Kiên Giang có 7 ngành lấy điểm chuẩn là 15 điểm (3 môn) và nhiều ngành khác có điểm chuẩn 16 điểm.
Tại khu vực phía Bắc, năm 2023 Trường ĐH Thái Bình xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT lớp 12, tổng điểm 3 môn theo tổ hợp đạt từ 15,0 điểm trở lên. Trường ĐH Hải Dương cũng xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT lớp 12 với tổng điểm trung bình của các môn trong tổ hợp xét tuyển đạt 15.5 điểm trở lên. Thứ tự ưu tiên xét tuyển điểm từ cao xuống thấp đến khi đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh.
Cần kèm theo các tiêu chí phụ khi xét tuyển
Xét tuyển ĐH với mức điểm học bạ quá thấp, dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo. Ghi nhận thực tế, với phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ đã công bố đợt 1/2023, nhiều trường ĐH đều xác định điểm chuẩn 18 cho các ngành. Riêng các ngành sức khỏe có điểm chuẩn 24.
Từ năm 2018 đến nay, từ khi Luật Giáo dục ĐH được ban hành và có hiệu lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chỉ quy định, công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với nhóm ngành sư phạm, sức khỏe. Các ngành còn lại các trường ĐH tự xác định điểm sàn.
Trong khi đó từ năm 2017 trở về trước, với phương thức xét tuyển học bạ, Bộ GDĐT quy định điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6.0 đối với trình độ ĐH. Điều này có nghĩa điểm sàn xét tuyển học bạ THPT là 18 điểm đối với bậc ĐH.
Ghi nhận ở mùa tuyển sinh 2022, một số trường ĐH sử dụng khá nhiều phương thức xét tuyển. Một số trường sử dụng kết quả học bạ làm căn cứ xét tuyển nhưng không dựa hoàn toàn vào điểm số. Nhiều tiêu chí khác được đưa vào nhằm sàng lọc, lựa chọn được thí sinh có năng lực thực sự, phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường. Cùng với đó, điểm xét tuyển bằng học bạ của nhiều trường cũng tăng nhanh trong vòng 3 năm qua.
Đơn cử mùa tuyển sinh 2022, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội có 3 ngành có mức điểm chuẩn vượt trần 30,5 điểm theo phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT là ngành báo chí, luật và quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành. Chuyên ngành văn hóa truyền thông cũng có điểm chuẩn 30; Thí sinh xét học bạ THPT vào Học viện Ngân hàng phải đạt từ 26 đến 28,25 điểm tùy ngành, đồng thời phải thỏa mãn điều kiện học lực năm lớp 12 đạt loại giỏi.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT) nêu quan điểm: Một số ý kiến cho rằng xét tuyển theo học bạ không đánh giá được năng lực thí sinh, theo tôi các trường có thể đánh giá năng lực thí sinh dựa trên tổng hòa nhiều yếu tố, không chỉ xét riêng mỗi kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Các trường thường xem xét đến các điều kiện khác, tiêu chí phụ khác đi kèm học bạ. Việc các trường ĐH lựa chọn xét tuyển theo phương thức nào là tùy thuộc vào chương trình đào tạo, yêu cầu đầu vào của mỗi chương trình đào tạo.
Điều đáng nói, nghịch lý học bạ đẹp, điểm thi thấp theo đó cũng đã tồn tại vài năm trở lại đây. Sự “vênh” nhau giữa điểm thi và điểm học bạ không chỉ xảy ra ở những địa phương vùng xa, vùng khó mà ngay tại khu đô thị lớn, khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về vấn đề “học thật, dạy thật, thi thật”.
TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, nếu gác sang một bên chuyện lạm phát điểm học bạ thì việc xét học bạ phản ánh đúng hơn quá trình học tập của học sinh. Nó cũng cho thấy sức học của học sinh theo thời gian, loại trừ được yếu tố đột xuất nhất thời. Chỉ tiếc là bệnh thành tích, sự dễ dãi của một số giáo viên và lòng mong mỏi của phụ huynh dẫn đến nhiều học bạ bị sai lệch điểm, từ ít đến rất nhiều.