Giáo dục

Vào đại học, đừng mang tâm lý xả hơi

Lam Nhi 27/09/2024 13:56

Hàng năm, số lượng sinh viên "đứt gánh giữa đường" ở các trường đại học (ĐH) là con số không nhỏ. Đây là vấn đề quen thuộc và đều nằm trong quy định của các trường ĐH. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên vừa bước qua cánh cửa trường phổ thông để vào ĐH mơ ước, đây vẫn là một cú sốc lớn.

bai duoi
Tân sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tham quan cơ sở vật chất của Trung tâm Công nghệ ô tô và Đào tạo lái xe. Ảnh: NTCC.

Không ít em các em có tâm lý xả hơi sau một chặng đường vất vả, chưa kịp làm quen với việc tự chủ động về mọi hoạt động như học tập, sinh hoạt, hòa nhập với môi trường mới mà không có bố mẹ, người thân ở bên nên đã sa đà, bỏ bê học tập.

Thực tế này được nhiều trường cảnh báo ngay trong tuần sinh hoạt công dân dành cho tân sinh viên. Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, mặc dù các trường không mong muốn phải cảnh báo học vụ, buộc thôi học sinh viên nhưng đây là việc phải làm để các trường đảm bảo chất lượng đào tạo, sàng lọc và đảm bảo sản phẩm đầu ra của các trường đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nếu sinh viên không chịu đầu tư cho việc học thì sẽ bị cảnh báo lần 3, đồng nghĩa với buộc thôi học. Chính vì vậy, tân sinh viên cần chú trọng xây dựng kế hoạch học tập ngay từ những ngày đầu tiên, không nên có tâm lý xả hơi sau khi đỗ ĐH vì chương trình đào tạo ở ĐH yêu cầu tự học rất nhiều. Nếu để đến cuối kỳ “nước đến chân mới nhảy” thì không thể đạt thành tích tốt, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ học lại, thi lại…

PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng chỉ ra mục tiêu giáo dục, đào tạo ngày càng chịu ảnh hưởng của bối cảnh trong nước và quốc tế, nổi bật là tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các tác động bất lợi từ thiên tai, dịch bệnh… Trước bối cảnh đó, học viên, sinh viên cần không ngừng nỗ lực, sáng tạo và thích ứng để có thể đi đến thành công. Không có con đường thành công nào trải đầy hoa hồng và trên con đường vinh quang, không có dấu chân của kẻ lười biếng.

Từ kinh nghiệm của một người đi trước, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải nhấn mạnh cần phải đặt ra tính kỷ luật cho bản thân. Chỉ khi có tính kỷ luật và biết đặt kế hoạch sẽ tạo ra sự tự chủ, từ đó mới có thể thành công chinh phục chính bản thân mình, thể hiện bản lĩnh trong cuộc sống, làm cho thầy cô và gia đình tin tưởng. “Trong thời đại công nghệ thay đổi toàn bộ cuộc sống, các bạn sinh viên cần biết cách chắt lọc và tiếp thu kiến thức, bên cạnh kiến thức chuyên môn cần có kiến thức quản trị” – ông Dương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vào đại học, đừng mang tâm lý xả hơi