Về Bàu Trúc

Miên Thảo (Giới thiệu) 27/05/2016 16:00

Tới nay, làng Chăm Bàu Trúc đã không còn xa lạ không chỉ đối với người Việt  mà với cả du khách quốc tế. Những người yêu sản phẩm gốm đều biết đến Bàu Trúc. Đây là ngôi làng gốm cổ bậc nhất Đông Nam Á, cách làm gốm cũng như màu sắc đặc trưng của nó không giống với bất cứ hình thức gốm nào. Trước hết hãy tìm hiểu, ngôi làng Chăm này vì sao có tện gọi là Bàu Trúc?

1. Cũng có những cách giải thích khác nhau về tên của làng, nhưng cách được nhiều người thừa nhận hơn cả là theo nghĩa của từng từ. Bàu- có nghĩa là ao hồ. Trúc- là cây trúc. Ngôi làng Chăm này ở gần hồ nước lớn nơi có nhiều cây trúc, vì thế được gọi là Bàu Trúc. Trong tiếng Chăm, làng được gọi là Paley Hamu Trok.

Năm 1822, dưới thời vua Minh Mạng, làng có tên là Vĩnh Thuận. Tới năm 1964, có một trận lụt rất lớn, làng bị ngập nước, từ đó bà con đã rời lên nơi cao ráo hơn, chính là Bàu Trúc hôm nay. Nằm ven quốc lộ 1A làng gốm Bầu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km về hướng Nam. Tới Ninh Thuận, hỏi đường về Bàu Trúc thì ai cũng biết. Ngôi làng Chăm nổi tiếng với những sản phẩm độc đáo, thú vị đã thành điểm đến của rất nhiều người. Người ta nói rằng, đến Ninh Thuận mà không thăm tháp Chăm, không ghé bãi biển Ninh Chữ, không ngắm những cánh đồng nho và không đến Bàu Trúc thì cũng có nghĩa là không biết Ninh Thuận.

Nung gốm.

Dù cho trải qua nhiều biến động, nhưng làng Chăm Bàu Trúc vẫn giữ lại được nhiều đặc điểm rất riêng. Bàu Trúc hiện có khoảng 400 hộ, người ta làm nhiều nghề khác nhau để sinh sống nhưng có tới 80% số hộ của làng liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến gốm. Và dù có trực tiếp làm gốm hay kinh doanh gốm, kể cả không liên quan đến gốm thì dân làng đều tôn trọng nghề gốm, luôn nhớ về ông tổ nghề đã cho họ phương kế sinh nhai.

Hàng năm, vào ngày mùng hai tháng bảy (theo lịch Chăm), đồng bào Chăm làng Bàu Trúc nô nức tổ chức giỗ tổ nghề gốm tại đền Pôkong Chanh. Giỗ tổ nghề gốm được tiến hành sau lễ hội Ka tê tại tháp Pô Klong Garai. Người dân trong làng kể cho nhau rằng, ông Poklong Chanh và vợ là bà Nai Lank Mưh đã dạy cho phụ nữ làm gốm từ xa xưa lắm rồi. Cái nghề ấy được lưu giữ mãi, đem lại no ấm cho dân làng. Vì thế, lễ giỗ tổ nghề là lễ chung của cả làng, gia đình nào cũng có mâm cúng. Hôm đó, làng Chăm thật náo nức. Bà con tự hào về sản phẩm truyền thống của làng, ngày đó cũng được gọi là ngày biết ơn.

2. Một trong những nguyên nhân quan trọng để sản phẩm gốm hoàn thiện chính là nguyên liệu đất. Khu vực người Bàu Trúc định cư có những mỏ đất, mỏ cát riêng biệt mà chỉ phù sa sông Quao mới có. Ðất ở đây mịn, dẻo đến lạ lùng. Còn cát thì hạt nhỏ li ti, lại rất mịn màng. Trước khi tạo hình, người ta trộn đất với cát theo một công thức nào đó, nhưng dẫu có trộn nhiều cát thì gốm ra lò vẫn rất đẹp, không rạn, nứt.

Một điểm hết sức thú vị là người làm gốm Bàu Trúc không dùng bàn xoay như những làng gốm khác, mà hoàn toàn dùng tay: người thợ xoay quanh sản phẩm chứ không phải ngồi rồi xoay sản phẩm trên bàn xoay. Chính cách làm này đã tạo ra những sản phẩm thủ công đúng nghĩa. Không sản phẩm nào giống “như đúc” sản phẩm nào cho dù cùng chung một mẫu. Mỗi sản phẩm đều có chi tiết riêng, tạo nên sự độc bản. Trước kia, chỉ có phụ nữ mới trực tiếp làm gốm, nhưng tới nay thì cả đàn ông Chăm Bàu Trúc cũng làm gốm.

Nhìn chung, vẻ đẹp của gốm Bàu Trúc chính là sự dung dị. Trên thân sản phẩm không nhiều hoa văn, và hoa văn cũng gần gũi, gắn với cuộc sống tự nhiên, ít tính cách điệu. Vì thế, nó đem lại cho sản phẩm sự thân quen, ấm cúng. Các hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc có nhiều đường khắc vạch hình sông nước, hoa lá. Trên cổ sản phẩm trang trí nhiều hơn, nhưng cũng thiên về họa tiết vẫn nhìn thấy đâu đó trong cuộc sống hàng ngày.

Du khách với gốm Bàu Trúc.

Cách nung gốm ở Bàu Trúc cũng khá đặc biệt: người ta nung một cách lộ thiên ở nhiệt độ cao, trong vòng 6 giờ, sau đó lấy ra để phun màu (loại màu được chiết xuất từ trái thị trên rừng). Sau đó, gốm lại được nung tiếp trong vòng 2 giờ, để màu chín, thấm vào gốm. Cũng chính từ cách nung này mà gốm Bàu Trúc thường có màu vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, hoặc là nâu, rất dễ nhận biết. Cũng cần lưu ý, gốm Bàu Trúc không cần lò nung. Người ta chỉ dùng rơm, củi khô chất thành đống rồi đốt.

Người Bàu Trúc làm ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhưng bà con cũng không quên sáng tạo những bức phù điêu mang hình phụ nữ Chăm đội nước, hình những vị vua Chăm và cả vũ nữ. Sau này, phục vụ khách du lịch mua làm đồ lưu niệm, bà con còn làm ra nhiều mẫu gốm, tạo nên sự phong phú cho gốm Bàu Trúc.

Sản phẩm gốm Bàu Trúc trải qua 5 công đoạn chính. Đầu tiên là khâu chuẩn bị đất. Đất sét đập thành những cục nhỏ, phơi khô, loại bỏ những tạp chất rồi ngâm nước trong cái hố đất đã đào sẵn. Cát cũng được sàng lọc kỹ và lượng cát pha cũng phải tuỳ thuộc vào hình dạng và kích thước của sản phẩm gốm định làm. Người ta dùng chân để nhồi đất và cát mịn, sau đó cuộn thành từng lọn hình trụ và được phủ kín bằng tấm vải để ủ qua đêm.

Tiếp đó là nặn hình, tạo dáng gốm cơ bản ban đầu. Rồi chà láng gốm: dùng “vải cuộn” thấm nước, quấn vào tay chà láng thân gốm và tạo hình miệng. Bước thứ ba là trang trí hoa văn. Thứ tư là tu sửa gốm và cuối cùng là nung gốm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về Bàu Trúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO