Thời gian qua một số sản phẩm liên quan đến bảo hiểm Covid-19 được các doanh nghiệp bảo hiểm lớn tung ra thu hút sự quan tâm của dư luận. Vậy tính pháp lý của các sản phẩm cũng như trách nhiệm của Bộ Tài chính trong phê duyệt sản phẩm như thế nào?
Ảnh minh họa.
Hiện nay, các quy định pháp lý liên quan đến sản phẩm bảo hiểm sức khỏe được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 39 Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ: “Các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai”.
Còn tại Khoản 6 Điều 39 Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có trách nhiệm tuân thủ đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được phê chuẩn hoặc đăng ký với Bộ Tài chính. Trường hợp thay đổi phải được Bộ Tài chính phê chuẩn hoặc đăng ký với Bộ Tài chính trước khi thực hiện”.
Đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến bệnh Covid-19 là sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe nên phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai. Đối với những công ty bảo hiểm có hành vi vi phạm quy định về sản phẩm bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm quy định như “Triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn” sẽ bị “Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng”.
Trường hợp phát hiện doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe khi chưa được Bộ Tài chính phê chuẩn, Bộ Tài chính sẽ xem xét, xử lý vi phạm hành chính doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định trên. Ngoài ra, việc giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng liên quan đến hợp đồng bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm triển khai được thực hiện theo quy định.
Trong thời gian qua, một số sản phẩm liên quan đến bảo hiểm Covid-19 được dư luận đặc biệt quan tâm. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, ngay khi có thông tin DN Bảo hiểm triển khai gói bảo hiểm liên quan đến Covid-19, Cục Quản lý giám sát, bảo hiểm - Bộ Tài chính đã có Công văn yêu cầu các DN Bảo hiểm báo cáo việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm này.
Cục Quản lý bảo hiểm – Bộ Tài chính cho biết, sau khi hết thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Cục sẽ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát và thu thập các bằng chứng vi phạm của doanh nghiệp (nếu có) để xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với gói sản phẩm bảo hiểm Gói hỗ trợ viện phí và đền bù người bị nhiễm Covid-19 của Công ty TNHH Manulife Việt Nam: Đây là sản phẩm bảo hiểm tử kỳ cá nhân linh hoạt và nhóm các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ bao gồm sản phẩm bảo hiểm bổ trợ tử vong và thương tật do tai nạn; sản phẩm bảo hiểm bổ trợ hỗ trợ viện phí được phê chuẩn theo công văn số 12030/BTC-QLBH ngày 28/6/2016; Theo quy tắc điều khoản của các sản phẩm có quyền lợi trợ cấp y tế do Bộ Tài chính phê chuẩn, Công ty không loại trừ chi trả quyền lợi bảo hiểm trong trường hợp liên quan đến dịch bệnh hoặc đại dịch. Như vậy, trong trường hợp khách hàng phải nằm viện hoặc tử vong do dịch bệnh sẽ vẫn được chi trả các quyền lợi bảo hiểm theo thỏa thuận đã giao kết tại hợp đồng bảo hiểm.
Cục Quản lý bảo hiểm – Bộ Tài chính khẳng định tiếp tục theo dõi, giám sát việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật và xử lý các trường hợp vi phạm.