Dù là huyền sử dấu xưa hay thế mạnh ngày nay thì huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vẫn luôn nổi bật với lớp lớp trầm tích văn hóa đặc sắc, là vùng “địa linh, nhân kiệt”. Nền tảng văn hóa, truyền thống yêu nước đã góp phần “nâng” Can Lộc trở thành huyện nông thôn mới (NTM) thứ hai của tỉnh Hà Tĩnh. “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc…”, câu hát ngày nào như lời mời gọi hấp dẫn đưa ta về vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.
Hoan Châu đệ nhất danh lam – chùa Hương Tích, điểm đến du lịch tâm linh lý tưởng ở Can Lộc.
Đất linh thiêng, người tuấn kiệt
Lần theo dấu xưa, cư dân Can Lộc quần sinh quanh núi Hồng Lĩnh, trải qua hàng nghìn năm với nhiều tên gọi và địa giới hành chính khác nhau, nhưng đất và người Can Lộc vẫn luôn khẳng định được vị thế riêng. Xưa, Can Lộc thuộc huyện Hà Hoàng, quận Cửu Chân, năm 271 đổi là huyện Phù Lĩnh, năm 679 là huyện Việt Thường. Năm 1010, mang tên là huyện Phỉ Lộc, sau đó là huyện Phúc Lộc. Năm 1469, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 10, vua Lê Thánh Tông ban đạo dụ thành lập 12 thừa tuyên, mang tên là huyện Thiên Lộc. Năm 1862, vua Tự Đức đổi thành huyện Can Lộc cho đến ngày nay.
Thiên Lộc xưa trải dài một vùng đầu Mênh, cuối Sót, từ hữu ngạn Sông La đến tả ngạn sông Cửa Sót. Suốt chiều dài lịch sử, vùng đất Can Lộc hình thành nên những trầm tích văn hóa nổi tiếng với Hoan Châu đệ nhất danh lam – chùa Hương Tích ở xã Thiên Lộc, với “Trường Lưu bát cảnh” (xã Trường Lộc) nổi danh khắp xứ… Nơi đây còn nổi lên những dòng họ nức tiếng học giỏi, đỗ đạt cao như họ Nguyễn Huy, họ Đặng, họ Ngô…
Can Lộc là vùng đất luôn sản sinh, nuôi dưỡng những con người làm rạng dạnh quê hương, đất nước. Sử sách còn ghi, thời kỳ Nho học, Can Lộc có 42 vị đỗ đại khoa, chiếm 1/3 của cả tỉnh Hà Tĩnh, được ghi danh trên bảng vàng Văn miếu Quốc Tử Giám. Từ người khai khoa Thái học sinh Đặng Bá Tĩnh cho đến Đình nguyên Thám hoa Phan Kính, Thám hoa - Danh sư Nguyễn Huy Oánh, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Tiến sĩ Dương Trí Trạch, Hà Công Trình, Hà Tôn Mục, Vũ Diệm… Truyền thống học hành khoa cử ấy còn được lưu truyền từ ngàn xưa, vì thế dân gian mới có câu phương ngôn “bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc”.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, Can Lộc là địa phương luôn đi tiên phong trong các phong trào cách mạng. Tinh thần quật khởi của Can Lộc trong phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh 1930–1931 vẫn còn vang vọng đến muôn đời. Cách mạng Tháng Tám 1945, đây là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh giành được chính quyền. Những chiến công hiển hách ở vùng đất này đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như Ngã ba Đồng Lộc, làng K130 (xã Tiến Lộc)...
Đất Can Lộc cũng là mạch nguồn góp phần làm nên Văn phái Hồng Sơn lừng lẫy từ Nguyễn Huy Tự (“Truyện Hoa Tiên”), Nguyễn Huy Hổ (“Mai đình mộng ký”), nối đến ông hoàng thi ca Xuân Diệu. Từ những những nhà khoa học đầu ngành Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu tới gần 200 giáo sư, phó giáo sư tính từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay.
Truyền thống văn hóa, yêu nước của người dân Can Lộc luôn được thăng hoa, trao truyền qua các thế hệ đã góp phần tạo nên một hệ thống di sản văn hóa cả vật thể lẫn phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng. Từ nền tảng và truyền thống ấy đã tạo nên đất và người Can Lộc luôn kiên trung, hiếu học, đoàn kết, giàu dũng khí. Bởi thế, tất cả các xã trên địa bàn huyện đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, thời kỳ đổi mới có 2 xã được công nhận là đơn vị Anh hùng Lao động - đó là Quang Lộc và Khánh Lộc.
Nền tảng cho huyện NTM
Huyện Can Lộc có 23 đơn vị hành chính gồm 21 xã và 2 thị trấn (thị trấn Nghèn và thị trấn Đồng Lộc), có tổng diện tích đất tự nhiên 301,74 km2 và dân số gần 130.000 người, chiếm 5% diện tích và 10,5% dân số của tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây có địa hình vừa đồi rừng vừa đồng bằng, là tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất hàng hóa đa dạng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nơi đây vốn được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng và nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo có giá trị cao. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có hơn 250 di tích trong đó có 82 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh (có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt (Ngã ba Đồng Lộc); 15 di tích cấp Quốc gia; 66 di tích cấp tỉnh); 3 lễ hội truyền thống; 4 làng nghề truyền thống. Đặc biệt, ở vùng đất này có 2 di sản tư liệu “Mộc bản Trường Lưu”, “Hoàng hoa sứ trình đồ” được UNESCO công nhận là Di sản Phi vật thể Ký ức khu vực châu Á Thái Bình Dương và di sản “Hát ví Phường Vải - Dân ca Nghệ Tĩnh” (di sản đồng 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) là Di sản Văn hóa Phi vật thể thế giới, nay đang được quan tâm bảo tồn, phát huy và phục vụ tổ chức các hội thảo quốc gia, quốc tế, tham quan cộng đồng...
Vùng đất đậm đặc di tích này trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước, doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng cao, tạo đà phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện nhà. Cụ thể năm 2018-2019 mỗi năm Can Lộc đón hơn 50 vạn du khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 60 tỷ đồng.
Ngày 17/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Can Lộc đạt chuẩn NTM năm 2019. Như vậy, Can Lộc hoàn thành chương trình NTM trước gần 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra và là huyện thứ 2 của Hà Tĩnh được công nhận huyện đạt chuẩn NTM (sau huyện Nghi Xuân). Đây là kết quả của quá trình vượt lên chính mình, quyết liệt từ chỉ đạo và được sự chung sức, chung lòng của toàn dân trong huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường chia sẻ: “Các giá trị văn hóa huyện Can Lộc thực sự đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội và tạo sự ổn định về an ninh chính trị, khích lệ lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong người dân để cùng góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa trong từng thôn xóm, làm giàu thêm các giá trị văn hóa làng xã”.
Sức mạnh, truyền thống của nhân dân trong xây dựng NTM ở Can Lộc không chỉ thể hiện ở mặt tinh thần, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân mà còn ở sự đóng góp về vật chất. Theo thống kê của Văn phòng điều phối NTM huyện, sau gần 9 năm (2010-2019) xây dựng NTM, toàn huyện đã huy động hơn 3.400 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp hơn 736 tỷ đồng (chiếm 21,1%), tiền mặt hơn 478 tỷ đồng, ngày công lao động (quy tiền) hơn 175 tỷ đồng, hiện vật quy đổi (hiến đất, giá trị tài sản) gần 82 tỷ đồng.
Câu chuyện giữ gìn và phát huy
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, mặc dù văn hóa là nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhưng việc nhìn nhận của xã hội đối với lĩnh vực này chưa thực sự tương xứng. Ở Can Lộc, vùng đất đậm đặc di tích, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cũng không phải ngoại lệ.
Phát huy các giá trị văn hóa ở Can Lộc đang đứng trước nhiều khó khăn. Đó là tư duy, nhận thức của lãnh đạo cũng như các cấp, các ngành vẫn luôn coi văn hóa đứng sau kinh tế; công tác quy hoạch, đầu tư ít được quan tâm; cán bộ đam mê, tâm huyết với văn hóa ngày càng ít đi, trong khi đó các giá trị văn hóa truyền thống dần dần mai một theo thời gian; nhận thức của nhân dân về văn hóa truyền thống ngày càng phai nhạt và du nhập quá nhiều văn hóa ngoại lai…
Song, từ lâu, địa phương này đã định hình kế hoạch phát triển bền vững đối với văn hóa đó là khai thác các giá trị văn hóa gắn với du lịch. Bởi suy cho cùng, chỉ các giá trị văn hóa đơn thuần sẽ không thể tồn tại được.
Ông Bùi Huy Cường cho biết: Cấp ủy, chính quyền huyện đã và đang tập trung phát triển các loạt hình du lịch gắn với các giá trị văn hóa, trong đó chú trọng phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông thôn. Bước đầu đã hình thành nhiều tour tuyến hấp dẫn du khách, phát huy hiệu quả... Hiện Can Lộc đang tập trung kêu gọi để mở rộng đầu tư tại các di tích văn hóa truyền thống như: Khu du lịch Ngã ba Đồng Lộc, Khu hình du lịch danh lam Chùa Hương Tích, Khu du lịch sinh thái Cữa Thờ - Trại Tiểu, Làng văn hóa Trường Lưu, các mô hình du lịch trải nghiệm vùng Trà Sơn…Song hành với đó là xây dựng các điểm dừng chân và hệ thống nhà hàng, khách sạn để níu chân du khách.
“Để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thì không có cách nào tốt hơn ngoài con đường giáo dục. Văn hóa truyền thống gắn vào giáo dục là hướng đi bền vững và hiệu quả nhất. Chính vì thế, Can Lộc đã, đang và sẽ đưa các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể vào trường học, xây dựng các câu lạc bộ văn hóa dân gian, tổ chức các phong trào thi đua, tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống…” – ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc nhấn mạnh.