Kinh tế

Vị Giáo sư dành cả cuộc đời cho cây lúa

THANH TIẾN (thực hiện) 11/02/2024 00:41

Tại Lễ trao giải VinFuture vừa qua, một cái tên được xướng lên làm nức lòng bao người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Đó chính là Giáo sư Võ Tòng Xuân - cha đẻ của nhiều giống lúa quý ở miền đất "chín rồng".

PV: Thưa Giáo sư, khi thấy tên mình được xướng lên tại giải VinFuture, ông cảm thấy như thế nào?

giao-su-vo-tong-xuan(1).jpg
Giáo sư Võ Tòng Xuân.

Giáo sư VÕ TÒNG XUÂN: Tôi rất vinh dự và vui mừng trước sự công nhận từ VinFuture về việc nghiên cứu, nhân rộng các giống lúa của mình trong suốt những năm qua. Từ những nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của các cá nhân và tập thể có liên quan đã giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long trồng lúa đạt năng suất lúa cao hơn, cải thiện sinh kế, đóng góp vào sự vươn lên của Việt Nam, trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Cách đây 50 năm, khi tôi cùng cộng sự, các học trò lăn lộn khắp các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phổ biến giống lúa IR36 nhằm đẩy lùi nạn rầy nâu, đồng thời hợp tác với nông dân ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa, tôi không nghĩ có ngày công việc đó có thể mang lại cho tôi một giải thưởng lớn như VinFuture.

Vậy ông có thể chia sẻ thêm về hành trình phổ biến giống lúa IR36?

- Tôi nhớ khi đó là mùa xuân năm 1976, rầy nâu xuất hiện bùng phát, gây hại rất nặng trên cây lúa, bắt đầu tại Tân Châu (An Giang). Nông dân khắp Nam Bộ, từ Long An, đến Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ điêu đứng vì rầy nâu phá hoại, tốn rất nhiều tiền mua thuốc diệt rầy mà diệt không nổi.

Các cánh đồng cháy xác xơ vì rầy đốt. Bà con phải nối hàng trăm chiếc xuồng, đi từ kênh này sang kênh kia mua gạo mà không được, cuộc sống vô cùng cơ cực.

Tôi cùng các đồng nghiệp ở Trường Đại học Cần Thơ bắt rầy, cho thử nghiệm tấn công trên các giống lúa cũ thì nhận thấy không còn giống lúa nào kháng được rầy nâu. Khi thông báo cho Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI), họ gửi giống mới sang, tôi nhận được 4 bao thư, mỗi bao có 200 hạt lúa giống mới, IR32, IR34, IR36, IR38. Chúng tôi thử nghiệm các giống lúa, bắt rầy đang phổ biến ở đồng bằng cho ăn giống lúa mới, rất rõ ràng nó kháng được rầy, trong đó, giống IR36 được đánh giá là tốt nhất, cây cao, hạt dài.

Lúc đó, tôi và đồng nghiệp xác định, nhiệm vụ của mình rất quan trọng, phải làm nhanh để chặn đứng rầy nâu. Với 200 hạt giống lúa nhận được từ IRRI, trong 2 mùa, sau 200 ngày chúng tôi nhân được 2,5 tấn hạt giống. Lúc đó, tôi đề nghị trường đóng cửa 2 tháng, đưa tất cả sinh viên đem hơn 2,5 tấn hạt giống giúp nông dân trồng, nhân giống.

Ngày ấy, chúng tôi huy động toàn bộ sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, ngoài sinh viên ngành nông nghiệp còn có sinh viên Toán, Sư phạm, Ngoại ngữ. Sinh viên trước khi xuống đồng, được học 3 bài: cách làm lúa mạ, cách làm đất và cách cấy 1 tép, 1 bụi như thế nào. Xuống đồng, mỗi nhóm đem 1kg hạt giống đi khắp nơi ở đồng bằng, chỉ trong vòng 2 vụ, với sức mạnh của tuổi trẻ, giống IR 36 đã phủ kín đồng bằng, "giặc" rầy nâu sạch bóng.

Trong rất nhiều giống lúa Giáo sư cùng các cộng sự nghiên cứu, lai tạo, có giống lúa nào ông cảm thấy đặc biệt ấn tượng?

- Có chứ. Tôi đặc biệt ấn tượng với giống lúa bây giờ vẫn còn sử dụng, IR 50404. Đây là giống lúa thích nghi với mọi loại đất, dễ trồng, năng suất cao, nhiều nông dân trồng được tới 8 - 9 tấn/ha trong vòng 3,5 tháng. Hiện, giống IR 50404 chủ yếu phục vụ chế biến, gạo IR 50404 được xuất khẩu sang Nhật Bản, Australia rất nhiều để làm bột gạo.

Ngoài ra, với sự dẫn dắt, hỗ trợ của tôi, trong giai đoạn 1980-2000, Đồng bằng sông Cửu Long đã có hàng trăm giống lúa mới được ra đời. Trong số này có thể kể đến đóng góp rất lớn của nhóm kỹ sư, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, đã bỏ tiền túi ra làm vốn nghiên cứu, lai tạo ra các giống lúa mới. Tuy nhiên, các giống lúa cao sản mới này không thơm như gạo Thái Lan bởi gen lúa thơm rất khó kết hợp với gen lúa ngắn ngày dù quá trình lai tạo rất tốn kém.

Cho tới khoảng năm 2015, ông Hồ Quang Cua khám phá ra được 1 giống lúa ngắn ngày có mùi thơm từ miền Bắc, đã thử lai với giống lúa ST có từ trước. Rất may mắn là gen thơm của lúa thơm ở miền Bắc kết hợp được với gen lúa ngắn ngày ST, cho ra gạo vừa ngon cơm vừa thơm. Giống lúa ST24 đã ra đời và trở thành giống lúa ưu việt nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2017. Không lâu sau đó, trong quần thể giống lúa ST24, ông Hồ Quang Cua chọn ra được 1 giống mới hơn nữa, được đặt tên là ST 25.

Đến năm 2019, ông Hồ Quang Cua đưa gạo ST25 sang Philippines tham gia dự Hội nghị Thương mại Gạo thế giới. Tại sự kiện này, gạo ST25 thi đấu với nhiều loại gạo nổi tiếng của các quốc gia khác và đạt kết quả là gạo ngon nhất thế giới.

Từ kết quả trên có thể thấy, mục tiêu của các nhà khoa học Việt Nam đã đạt được, không những có gạo ngon, mà gạo ST25 còn trồng được 3 vụ/năm trong khi Thái Lan chỉ trồng được 1 vụ/năm.

Sau khi nhận được giải thưởng VinFuture, ông có những dự định gì?

- Tôi dự định chia giải thưởng ấy làm 2 phần, trong đó 2/3 tôi muốn dành cho quỹ học bổng cho sinh viên ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Có một thực tế, việc tuyển dụng sinh viên ngành nông nghiệp đang có nhiều bất cập, sinh viên giờ ngại học nông nghiệp. Do vậy, tôi muốn tạo động lực để "kéo" nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp. Còn 1/3 tôi sẽ đầu tư cho dự án mà tôi bắt đầu từ mấy năm nay, đó là phổ cập hóa dạy song ngữ cho các trường phổ thông ở Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị Giáo sư dành cả cuộc đời cho cây lúa