Mới bắt đầu vào mùa gặt, nhưng hầu hết những cánh đồng tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội như Đan Phượng, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn… đã chuyển thành những mảng màu đen bởi thói quen đốt rơm rạ của người dân. Việc làm này khiến các quận nội thành Hà Nội như bị “xông” khói đang gióng lên hồi chuông về mức độ ô nhiễm không khí hiện nay.
Hà Nội mịt mù khói vì nông dân đốt rơm.
Những ngày đầu tháng 6 mức nhiệt tại thủ đô Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng bên cạnh sự ngột ngạt của thời tiết, khói rơm rạ từ các huyện ngoại thành lại bủa vây các quận nội thành khiến cho sự khó chịu của người dân như bị cộng dồn.
Đặc biệt các khu vực ven đô như Mỹ Đình, Từ Liêm, khu vực đại lộ Thăng Long, Trần Duy Hưng, Phạm Hùng, sân bay Nội Bài… người đi đường dễ dàng nhận ra một màn khói bao phủ, kèm theo đó là mùi khét lẹt khiến người tham gia giao thông cảm thấy cay mắt, thậm chí khó thở.
Chị Nguyễn Thị Minh, xã Đông Hội, huyện Đông Anh cho biết, mùa gặt đến đồng nghĩa với việc cả nhà chị lại sống chung với khói. Ai cũng biết việc đốt rơm rạ không tốt cho môi trường, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không có cách nào để xử lý nên đành chịu.
Từ đường cái, đường làng, thậm chí cả những đoạn đường quốc lộ ven các cánh đồng mù mịt khói rơm rạ. Khi chúng tôi đến, bà Đào Thị Loan, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất đang đốt dở những đống rơm từ ruộng.
Bà Loan cho biết, hầu hết mọi người đều đốt rơm rạ sau khi thu hoạch vì bây giờ ít nhà nuôi trâu bò. Các gia đình cũng chuyển sang dùng bếp ga hoặc bếp than, rơm rạ không biết dùng vào việc gì nên phải đốt để lấy tro bón ruộng cho vụ sau.
Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân Thành phố đã phát động chiến dịch “cánh đồng không đốt rơm rạ” đang được thí điểm tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng để góp phần nâng cao ý thức người dân.
Ngay trong buổi tham gia chiến dịch đã có khoảng 100 hộ gia đình xã Thọ Xuân tình nguyện ký cam kết “cánh đồng không đốt rơm rạ”, tương đương khoảng 5 ha ruộng không đốt rơm rạ sau mùa gặt vụ Chiêm Xuân này.
Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội: Việc đốt rơm rạ ở các vùng ngoại thành rất đáng báo động. Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang thực hiện các giải pháp kết hợp đồng thời làm việc trực tiếp với các địa phương khác trên địa bàn thành phố để nhân rộng chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”.
Khi tham gia vào việc này không chỉ bà con nông dân tại xã Thọ Xuân sẽ được hưởng bầu không khí trong lành, mà hàng nghìn người dân đang sinh sống tại quanh khu vực cùng hàng triệu người dân Thủ đô cũng không phải chịu cảnh khói bụi, ngột ngạt từ đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành.
“Đây là cách làm mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững và có tác động tích cực đến môi trường. Tham gia vào chiến dịch này, bà con còn được cung cấp và hướng dẫn việc dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp. Góp phần tăng chất lượng và mức độ an toàn cho sản phẩm nông sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Thái nói.
Đốt bỏ 352.000 tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp/năm Ước tính hàng năm Thành phố Hà Nội phát sinh trên 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp với lượng đốt bỏ ngoài cánh đồng khoảng 352.000khoảng 35.700 tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp/năm, chủ yếu được đốt bỏ ngoài cánh đồng với 90%, chỉ có 10% đưa về đun nấu và làm thức chăn cho gia súc. Và chỉ tính riêng huyện Đan Phượng, bình quân mỗi năm đã thải ra ngoài môi trường khoảng 290 tấn CO, 10 tấn CH4, 17 tấn SO2 và 1 tấn N20, (31 tấn bụi PM10, 155 tấn PAHs) từ việc đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. |