Trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết thì CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu) là rất quan trọng.
Hai hiệp định này chiếm tới 35% giao dịch thương mại toàn cầu, với thị trường rộng lớn. Bên cạnh thời cơ thì các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương bao giờ cũng đi cùng thách thức. Một trong những thách thức đó về phía Việt Nam chính là sản phẩm nông sản được làm ra bởi 8,6 triệu hộ nông dân.
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TTXVN.
Tại Hội nghị “Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do” diễn ra chưa lâu, các chuyên gia trong ngành đã lên tiếng cảnh báo nếu không nỗ lực, chuyển đổi tích cực phương thức sản xuất thì nông sản của chúng ta khó chiếm lĩnh thị trường thế giới. Trong những năm qua, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã đứng chân được tại nhiều thị trường, kể cả những thị trường khó tính. Lúa gạo, trái cây, thủy sản… xuất khẩu đã làm nên thương hiệu của nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường ngày càng khó tính; với các hiệp định thương mại tự do khi cơ hội mở ra với nước này cũng có nghĩa là mở ra với nước khác. Tính cạnh tranh sẽ mạnh mẽ hơn, đòi hỏi chất lượng hàng hóa cao hơn cũng như giá cả hợp lý hơn.
Theo giới chuyên gia, thách thức lớn nhất khi tham gia các hiệp định thương mại là nông nghiệp nước ta còn dựa trên nông hộ là chủ yếu, với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún và phân tán, năng lực sản xuất còn hạn chế, sức cạnh tranh thấp, khó đảm bảo nguồn cung với số lượng lớn. Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng chúng ta phải nhận diện rõ đâu là cơ hội. Khi mở cửa, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi kể cả có những điều kiện mà chưa bằng các nước bạn, chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh. Từ đó, ông Cường cho rằng cần vận động nông dân tham gia hợp tác xã kiểu mới, bắt tay liên kết cùng với các doanh nghiệp làm hàng hóa ở quy mô lớn, theo chuỗi.
Còn theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định, để người nông dân thích ứng được với những thời cơ cũng như thách thức mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, thì các ngành chức năng cần tăng cường thông tin cho các doanh nghiệp và nông dân. Ông Định cũng lưu ý cần nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất, tuân thủ các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp trong sử dụng đầu vào, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ có như vậy nông nghiệp nước ta mới tránh được tổn thương và nâng được sức cạnh tranh.
6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng nông nghiệp là khá thấp: mức tăng trưởng đạt 2,39%. Tuy nhiên, đây cũng đã là cố gắng rất lớn trong hoàn cảnh khó khăn. Dịch tả lợn châu Phi hoành hành (tiêu hủy khoảng 2,8 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt trên 1,8 triệu tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2018), cùng với những biểu hiện thời tiết cực đoan là những bất lợi lớn đối với ngành nông - lâm- thủy sản.
Vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nửa cuối năm cần tập trung đẩy mạnh, nhanh hơn ở những ngành hàng đang có dư địa. Đó là lĩnh vực lâm nghiệp và lĩnh vực thủy sản (khai thác và nuôi trồng). Bên cạnh đó, lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi cũng phải đẩy nhanh tái cơ cấu.
Đó là trước mắt, với những tháng cuối năm 2019, nhưng về lâu về dài khi CPTPP và EVFTA “thấm sâu” thì đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, dài hơi. Đứng trước thị trường mở hết sức rộng lớn, muốn nông nghiệp của chúng ta tiếp tục phát huy sức mạnh, tăng cường sức cạnh tranh, thu được hiệu quả hơn ở các quốc gia tham gia hiệp định thì vấn đề tạo ra sức mạnh mới bứt phá là việc phải đặt ra. Trước hết, đó là mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, để tạo nên chuỗi giá trị hàng hóa, đồng thời đẩy nhanh tiến độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp. Mà muốn có được sự liên kết ấy người nông dân phải có “đại diện” của mình để ký kết với doanh nghiệp. Tự từng hộ nông dân không thể làm được điều đó. Vì vậy, việc thành lập những hợp tác xã kiểu mới cần được đẩy mạnh hơn.
Một vấn đề cũng hết sức quan trọng chính là chuyển đổi phương thức sản xuất, từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn; thay thế vật nuôi, cây trồng ít giá trị bằng vật nuôi, cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của thị trường của các bên tham gia hiệp định, họ cần gì thì mình đáp ứng, có nghĩa là “bán cái người ta cần chứ không chỉ bán cái mình có”.
Như vậy, gốc rễ vấn đề chính là sự đổi mới tư duy trong nông nghiệp, là sự đầu tư chiến lược cho nông nghiệp. Nông nghiệp của chúng ta vẫn được coi là “trụ đỡ của nền kinh tế”, thì nay chính là thời điểm bứt phá một lần nữa, nếu không muốn chậm chân.