Kiên cố hóa trường lớp cho học sinh và nhà công vụ giáo viên; hỗ trợ học sinh ở các vùng đặc biệt khó khăn... Nhiều năm qua chính sách của Nhà nước đầu tư tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục đã tạo điều kiện cho sự nghiệp trồng người ở vùng khó phát triển.
Kiên cố hóa trường lớp
Chỉ còn ít ngày nữa, hàng triệu học sinh trên cả nước bước vào năm học mới 2017 - 2018. Nhiều địa phương đã gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn cử như tỉnh Thanh Hóa, năm 2017 đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, sẽ có 347 phòng học mầm non, tiểu học được đầu tư, xây dựng, phục vụ nhu cầu học tập của học sinh. Các địa phương được đầu tư kiên cố hóa phòng học đợt này gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Triệu Sơn, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nga Sơn...
Tương tự, với mong muốn khắc phục tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, đảm bảo yêu cầu dạy và học cho học sinh, nhất là đối với các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giai đoạn từ năm 2017 - 2020, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai 74 dự án xây mới phòng học, các hạng mục phụ trợ và đầu tư trang thiết bị dạy và học tại các trường mầm non, tiểu học của 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ là 79 tỷ, còn lại là ngân sách huyện, thành phố. Các dự án được triển khai chủ yếu tập trung ở huyện Sa Thầy 6 dự án, huyện Đăk Tô 10 dự án, huyện Đăk Hà 5 dự án...
Trước đó từ năm 2014, Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên được Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2014 - 2015 là đầu tư xây dựng danh mục phòng học, nhà công vụ cho giáo viên mầm non thuộc các huyện nghèo tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; đã được phê duyệt tại Quyết định 20/2008/QĐ-TTg ngày 1/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa thực hiện. Dự kiến tổng số lượng là 2.627 phòng học và 2.658 phòng làm nhà công vụ cho giáo viên.
Theo lộ trình đến năm 2020, sẽ tổ chức rà soát nhu cầu đầu tư xây dựng trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên và đầu tư xây dựng khi có điều kiện theo danh mục thứ tự ưu tiên sau: Phòng học và nhà công vụ cho giáo viên; phòng học xây dựng mới đối với trường tiểu học để bảo đảm đủ 1 lớp/phòng; phòng học xây dựng mới thay thế toàn bộ số phòng học bán kiên cố; phòng học tạm của các trường mầm non, phổ thông...
Bộ GD&ĐT cho hay, ngành đang thực hiện một số chương trình của Nhà nước đầu tư cho ba vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để kiên cố hóa trường lớp học. Bên cạnh đó còn có nguồn vốn ODA đầu tư cho cấp trung học cơ sở vùng Tây Nguyên, hay chương trình nông thôn mới. Cho đến nay, chưa có tổng kết cụ thể về việc thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp nói trên, nhưng ở nhiều địa phương, việc kiên cố hóa trường lớp học đã được đẩy mạnh thực hiện, cùng với chương trình Mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở nhiều địa phương vùng đặc biệt khó khăn.
Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía
Năm học này, Bộ GDĐT đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giáo dục đào tạo, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách. Cụ thể: Xây dựng và củng cố hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT đáp ứng quy mô phát triển giáo dục vùng khó khăn. Triển khai Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học theo Quyết định số 1625/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt các chính sách ưu tiên trong tuyển sinh; đề xuất các chương trình, dự án giáo dục cho vùng khó khăn, dân tộc, miền núi nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục.
Lồng ghép kinh phí các chương trình mục tiêu, dự án, ngân sách để tăng hiệu quả đầu tư trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các dự án thuộc chương trình chính sách phát triển giáo dục đại học vốn vay ngân hàng thế giới. Rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cho các địa bàn khó khăn, nhất là đối tượng chính sách...
Từ năm 2016, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định mới về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển và hải đảo. Trong đó bao gồm hỗ trợ tiền ăn tính theo năm học: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở; Hỗ trợ tiền nhà ở: Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở; Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo...
Chung tay giúp trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) đến trường, thời gian qua còn nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam. Bà Lê Thị Thùy Dương – Quản lý Dự Án Giáo dục của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam cho hay, hiện tổ chức này đang thực hiện dự án Tạo Môi trường học tập chất lượng và an toàn cho trẻ em DTTS tại tỉnh miền núi phía Bắc. Theo bà, Việt Nam có 54 dân tộc khác nhau, trong đó DTTS chiếm khoảng 15% tổng dân số.
Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ phần trăm dân số nhỏ nhưng tỷ lệ người nghèo của DTTS lại chiếm đến 47% số người nghèo ở Việt Nam. Cùng với đó, nếu như tỷ lệ nhập học ở cấp tiểu học của trẻ em dân tộc Kinh đạt ở mức cao 95%, thì tỷ lệ này chỉ đạt 71% đối với trẻ em dân tộc Dao và Mông. Trong khi 82% trẻ em người Kinh học hết bậc tiểu học, thì trẻ em DTTS chỉ chiếm 60%. Điều này nói lên sự thiệt thòi của trẻ DTTS…
Điều dễ nhận thấy là hiện nay cho dù mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vùng DTTS đã được tăng cường đầu tư, cải thiện nhiều, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Đây cũng chính là những băn khoăn của cộng đồng trước mỗi mùa khai giảng năm học mới.