Bên cạnh quảng cáo thuốc trị xương khớp, nhiều người dùng còn phản ánh rằng họ bắt gặp hàng loạt quảng cáo khác liên quan đến đủ loại thuốc như trị xuất tinh sớm, trị sỏi thận.
"Gia đình tôi có thói quen hát karaoke trên YouTube. Vài ngày gần đây, cứ mỗi khi mở video ca nhạc lên là hàng loạt quảng cáo về các loại thuốc đông y, thuốc nam lại hiện ra. Đủ mọi loại bệnh được giới thiệu là trị khỏi nếu không sẽ được hoàn tiền. Ban đầu, tôi không để ý lắm nhưng chúng ngày càng xuất hiện nhiều khiến tôi rất mệt mỏi", anh Thanh Tùng, 35 tuổi, sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết.
Tương tự trường hợp của anh Tùng, chị Thanh Bình, một nhân viên văn phòng tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết bản thân từng có thói quen nghe nhạc trên YouTube nhưng đã buộc phải chuyển qua một ứng dụng khác để tránh bị ảnh hưởng bởi những quảng cáo thuốc đông y.
"Tôi có thói quen vừa làm việc vừa nghe nhạc trên YouTube để giúp tập trung. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cứ bật video lên là tôi bắt gặp quảng cáo "bà con gọi cho tôi trị xương khớp". Tần suất xuất hiện của quảng cáo này ngày càng nhiều khiến tôi buộc phải chuyển qua nền tảng chuyên nghe nhạc khác để sử dụng", chị Bình chia sẻ.
Như nội dung mà Dân trí đã phản ánh trong bài viết "Ám ảnh với quảng cáo "bà con gọi cho tôi trị xương khớp" trên YouTube", gần đây, nhiều người dùng than phiền rằng họ liên tục gặp phải quảng cáo trị xương khớp bằng thuốc nam khi xem video trên nền tảng YouTube.
Điều đáng nói là tần suất xuất hiện quảng cáo của nội dung này dày đặc đến mức khiến người dùng cảm thấy ám ảnh và khó chịu. Người xem có thể bắt gặp chúng ở mọi nơi từ smartphone, máy tính hay cả trên những chiếc smart TV.
Bên cạnh quảng cáo "bà con gọi cho tôi trị xương khớp", nhiều người dùng còn phản hồi rằng họ cũng gặp phải một số quảng cáo liên quan đến các loại thuốc đông y khác như thuốc chữa cương dương, thuốc trị sỏi thận, trị xuất tinh sớm.
Trao đổi với PV, đại diện Google tại Việt Nam cho biết mạng xã hội YouTube có chính sách nghiêm ngặt về chăm sóc sức khỏe và thuốc.
"Chúng tôi có các chính sách quảng cáo nghiêm ngặt quản lý các loại quảng cáo mà chúng tôi cho phép trên nền tảng của mình, bao gồm các chính sách về chăm sóc sức khỏe và thuốc. Khi phát hiện thấy những quảng cáo vi phạm chính sách của mình, chúng tôi sẽ nhanh chóng gỡ bỏ chúng", đại diện Google tại Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, khi được hỏi thêm về việc vì sao những quảng cáo như thuốc trị xương khớp, thuốc trị sỏi thận dù bị cấm như vẫn có thể lọt qua được kiểm duyệt của Google thì người này từ chối đưa ra câu trả lời.
Theo chính sách về chăm sóc sức khỏe và thuốc trên trang web của Google, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo tại Việt Nam. Ngoài ra, Google cũng cho biết các lỗi vi phạm đối với chính sách chăm sóc sức khỏe và thuốc là rất nghiêm trọng.
"Nếu phát hiện thấy các lỗi vi phạm chính sách này, chúng tôi sẽ tạm ngưng tài khoản Google Ads của bạn ngay khi phát hiện và không có cảnh báo trước, đồng thời bạn sẽ không được phép quảng cáo với chúng tôi nữa", chính sách của Google viết.
Dù vậy, có vẻ như giới chạy quảng cáo thuốc đông y vẫn dễ dàng vượt mặt được các bước kiểm duyệt của Google khi những nội dung quảng cáo thuốc đông y, thuốc nam vẫn tồn tại nhan nhản trên nền tảng này.
"Có thể họ đã sử dụng một số thủ thuật giả mạo giấy phép để vượt qua kiểm duyệt của YouTube. Việc cấm các tài khoản Google Ads không phải là giải pháp có thể xử lý triệt để vấn nạn này. Ngưng tài khoản này thì họ sẽ tạo tài khoản khác và điều đó không hề khó. Đặc biệt, việc kinh doanh thuốc đông y, thuốc nam có biên độ lợi nhuận lớn, vì thế họ thường có thói quen làm việc theo kiểu ăn xổi, đánh nhanh rút gọn", ông Nguyễn Nhật Anh, một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực Digital Marketing chia sẻ.