Thời gian gần đây, tại TPHCM và Bình Dương đã xảy ra tình trạng nhiều chủ đầu tư sau khi nhận đủ tiền đóng quỹ bảo trì chung cư của người dân đã chiếm dụng với số tiền rất lớn.
Hàng chục tỷ đồng mỗi dự án
Suốt gần 2 năm nay, hơn 800 hộ dân sinh sống tại chung cư Maria Tower (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) hết sức lo lắng khi trên 20 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì đã đóng cho chủ đầu tư chẳng biết đến khi nào có thể trở về với với họ.
Ông L.H.T., một cư dân ở chung cư Maria Tower cho biết, gia đình ông đã nhận bàn giao nhà cách đây hơn 4 năm. Sau nhiều lần cản trở việc thành lập Ban Quản trị chung cư (BQT) của chủ đầu tư, vào tháng 10/2022, chính quyền địa phương đã hỗ trợ và phối hợp với người dân bầu BQT mới, thay thế BQT lâm thời do chủ đầu tư chỉ định, cư dân mong muốn chủ đầu tư sẽ trả lại số tiền trên cho dân. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, tiền vẫn không trả, cũng không biết đang nằm ở đâu? Các hạng mục đều xuống cấp nghiêm trọng như: Thang máy hư hỏng lâu được khắc phục; trộm cắp thường xảy ra; hệ thống xử lý nước thải kém gây tiếng ồn và hôi thối; đường dẫn vào chung cư không có đèn chiếu sáng, ngập nặng mỗi khi triều cường, nhiều ổ voi, ổ gà... “Tại đoạn đường này ghi nhận đã có nhiều vụ tai nạn, cướp giật xảy ra. Không ít hạng mục bị xuống cấp người dân đã phải tự đóng góp để khắc phục…” - ông L.H.T bức xúc nói.
Mới đây, hàng trăm người dân, đại điện cho hơn 900 căn hộ tại chung cư Saigon Gateway (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) phản ánh, kể từ khi nhận nhà từ cuối năm 2019 đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao số tiền 30 tỷ đồng quỹ bảo trì. Đại diện chủ đầu tư, ông Lê Văn Chính - Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn Bất động sản Hiệp Phú Land (Công ty Hiệp Phú Land) cho biết, công ty đang khó khăn tài chính nên chưa thể bàn giao một lần cho BQT chung cư. Công ty Hiệp Phú Land cố gắng dùng nguồn kinh phí thu từ bãi giữ xe nằm trong chung cư Saigon Gateway để trả vào tài khoản BQT từ 100 - 150 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tại cuộc họp giữa BQT chung cư và lãnh đạo Công ty Hiệp Phú Land ngày 25/4/2024, các cư dân không đồng ý với đề xuất này mà yêu cầu công ty phải trả một lần như pháp luật quy định.
Theo ông Nguyễn Duy Khải - Trưởng BQT chung cư Saigon Gateway, các hạng mục xuống cấp không có tiền để bảo trì, sửa chữa, BQT phải đứng ra vay mượn tiền của người dân để thực hiện. Trong khi nghịch lý là quỹ bảo trì hơn 30 tỷ đồng của dân chủ đầu tư không trả. “Nếu tiền đang nằm ở ngân hàng thì không việc gì phải trả kiểu nhỏ giọt như vậy. Nhiều khả năng chủ đầu tư đã dùng vào việc khác, tức là có thể họ sử dụng tiền của dân trái với quy định của pháp luật. Chúng tôi đã gửi đơn đến cơ quan Công an đề nghị làm rõ việc này” - ông Khải thông tin.
Ông Khải cho biết, UBND TP Thủ Đức cũng đã quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Hiệp Phú Land số tiền 180 triệu đồng vì không bàn giao quỹ bảo trì.
Nhà nước giữ tiền hộ dân
Hiện TPHCM có gần 200 chung cư trên địa bàn chưa bàn giao quỹ bảo trì cho dân. Trong số đó, có gần 50 chung cư đang tranh chấp phí vì chủ đầu tư cố tình không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ hoặc chiếm dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, không bàn giao cho BQT.
Pháp luật hiện hành quy định, người mua nhà trước khi nhận bàn giao nhà phải đóng quỹ bảo trì tương đương 2% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư tạm quản lý. Khi BQT chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bàn giao số tiền này cho BQT. Quy định rõ như vậy, nhưng việc thực hiện không hề dễ dàng.
Ông Trần Xuân Hòa - đại diện một công ty địa ốc tại Bình Dương cho rằng, chủ đầu tư và BQT thường xảy ra mâu thuẫn, bất đồng về cách vận hành. “Số tiền quỹ bảo trì thu của người dân là quá lớn, do đó giải pháp tốt nhất là Nhà nước cần thành lập đơn vị để quản lý giúp người dân. Vì ngoài quỹ bảo trì còn có nhiều vấn đề khác mà BQT khó đảm đương” - ông Hòa kiến nghị.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, theo quy định của pháp luật, trường hợp chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì thì BQT nhà chung cư có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn di giao. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của BQT nhà chung cư, UBND cấp tỉnh, thành phố có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản tiền gửi quỹ bảo trì cung cấp thông tin về số tài khoản, số tiền trong tài khoản và tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin.
Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao thì UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành quyết định cưỡng chế, yêu cầu tổ chức tín dụng chuyển giao kinh phí này sang tài khoản do BQT nhà chung cư lập. Nếu chủ đầu tư không còn tiền, thì tiến hành kê biên tài sản khác và tổ chức bán đấu giá, thu hồi quỹ bảo trì. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong giai đoạn BQT chưa thành lập, kinh phí bảo trì thường được gộp chung với tài khoản chủ đầu tư, việc đó dẫn đến nguy cơ dễ quỹ bị chiếm dụng, sử dụng không đúng mục đích và không báo cho Sở Xây dựng ở địa phương về tình hình thu, chi nguồn kinh phí bảo trì.