Vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu

Lục Bình 01/02/2016 07:00

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sau giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng trên dưới 6%, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong 5 năm tới, với mức trung bình 6,5-7%. Vì thế, ý kiến chung lạc quan, kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 sẽ là bức tranh sáng.Tuy nhiên, muốn có được điều đó, Việt Nam phải chủ động vượt qua những thách thức của thời kỳ hội nhập sâu.

Vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu

Doanh nghiệp xuất khẩu hy vọng phát triển mạnh khi nền kinh tế hội nhập sâu.

Có nhiều cơ sở để khẳng định kinh tế Việt Nam đã bước qua thời kỳ khó khăn và đã lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể, ngay từ tháng 1 đầu năm, nền kinh tế đã khởi sắc bằng một loạt các chỉ số quan trọng. Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 1 của Chính phủ, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, “điểm sáng nhất của kinh tế tháng 1 đó là giá tiêu dùng ổn định, chỉ số giá không tăng so với tháng trước; sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Khu vực dịch vụ phát triển ổn định; tổng cầu và sức mua tiếp tục được cải thiện. Theo đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng đi kèm với nhập siêu giảm mạnh so với cùng kỳ”.

Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia Mai Thị Thu nhận định: “Giai đoạn 2016-2020 kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh trong giai đoạn tới nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hóa thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp (DN) FDI và nhu cầu bên ngoài, cùng với những cải cách về thể chế của nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả”.

“Chúng ta đang chuyển động mạnh để bắt đầu một giai đoạn mới, để nền kinh tế tăng trưởng mạnh về chất lượng, sâu về chất lượng”- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lưu Bích Hồ nói, “điều rất hay là năm 1986 chúng ta đã thực hiện đổi mới lần thứ nhất, sau một quãng thời gian phát triển nhất định, chiếc áo cũ đã chật so với thể trạng của nền kinh tế. Hiện giờ là năm 2016, tức là 30 năm sau lần đổi mới thứ nhất, năm đầu của giai đoạn 5 năm 2016- 2020, số 6 là số duyên và có nhiều may mắn. Chúng ta đã thu được những thành công nhất định, chúng ta cần tiếp tục phải thay đổi để hội nhập sâu, phải thay đổi nhanh, mạnh để bước vào thời kỳ mới với nhiều thành công”.

Có thể nói, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn chúng ta có đầy đủ các điều kiện “thiên thời địa lợi” vì chưa bao giờ Việt Nam lại đứng trước cơ hội mở rộng thị trường như thời điểm này. Việc ký kết hàng loạt hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới ngay trong đầu năm 2015, Các FTA Việt Nam - EU, FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… sẽ cải thiện rất lớn vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các cơ hội đầu tư - kinh doanh mới. Từ đó sẽ tạo ra những điều kiện rất tốt để chúng ta hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn, sức cạnh tranh của chúng ta được cải thiện tốt hơn, góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động. Đây cũng là dịp để chúng ta nâng vị trí của mình thêm một bước trên trường quốc tế.

Phân tích rõ những cái lý vì sao thời kỳ 2016-2020, đặc biệt là năm 2016 kinh tế Việt Nam sẽ khỏi sắc, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho biết, qua nhiều năm bị khủng hoảng tài chính tiền tệ, kinh tế, DN đi xuống, rời thị trường nhiều, nhưng trong năm 2015 nền kinh tế đã phục hồi, DN đã hồi sức, nhanh chóng trở lại thị trường.

Bên cạnh đó chúng ta đã một bước hoàn thành hệ thống thể chế, giải quyết được những vấn đề tồn tại, giải phóng sức lao động, tạo sự vươn lên của DN. Quá trình tái cơ cấu DN, ngân hàng, đã có những kết quả ban đầu, cách điều hành tập trung hơn, những khó khăn của DN đã dần được tháo gỡ…

“Đặc biệt, sau Đại hội Đảng lần thứ XII với đội ngũ lãnh đạo mới được nhiều người đánh giá là những người ưu tú, chắc chắn sẽ góp phần tạo ra động lực phấn đấu hơn. Đó là những thuận lợi cơ bản để vững tin rằng năm 2016 là năm có nhiều triển vọng”- ông Kiêm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vẫn theo giới chuyên gia, dù dự báo kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi, đạt được những thành tích mới trong thời kỳ hội nhập nhưng còn đó không ít thách thức. Rõ ràng nhất là tình hình biến đổi khí hậu đã và đang hoành hành, biểu hiện rất rõ, ảnh hưởng rất lớn đến nền nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam. Rồi khó khăn từ vòng xoáy của giá nông sản, thực phẩm đang giảm trên phạm vi toàn thế giới lại đòi hỏi sản phẩm chất lượng nhưng giá phải đảm bảo cạnh tranh cũng là thách thức. Thị trường chứng khoán, bảo hiểm dù đã phục hồi nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, khi hội nhập sâu, dũ rằng đã có nhiều cải cách về thủ tục hành chính tuy nhiên đây vẫn là vấn đề được coi là “rào cản”.

Năm 2016, thời cơ rất lớn nhưng khó khăn cũng rất nhiều, trong đó khó khăn đã hiện hữu chính là khi chúng ta hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, đặc biệt khi TPP có hiệu lực. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, cần thận trọng với TPP, bởi tham gia TPP sẽ mở ra cơ hội tốt cho xuất khẩu, nhưng liệu hàng hóa của ta có phù hợp với thế giới không trong điều kiều kiện nền nông nghiệp còn manh mún sản xuất kiểu nhỏ lẻ như hiện nay? Vấn đề là phải tìm ra giải pháp căn cơ để biến thách thức thành cơ hội bằng việc nhanh chóng khắc phục được những khó khăn nội tại của nền kinh tế và khai thác nhanh những yếu tố thuận lợi để vững vàng trong cuộc chơi hội nhập.

Rõ ràng, tự tin nhưng cũng cần nhìn thẳng vào những sai lầm, vào thực tế để chuẩn bị tốt tâm thế, đặc biệt là có giải pháp, có quyết tâm để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, vươn lên.

Theo giới chuyên gia, dù dự báo kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi, đạt được những thành tích mới trong thời kỳ hội nhập nhưng còn đó không ít thách thức. Rõ ràng nhất là tình hình biến đổi khí hậu đã và đang hoành hành, biểu hiện rất rõ, ảnh hưởng rất lớn đến nền nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam. Rồi khó khăn từ vòng xoáy của giá nông sản, thực phẩm đang giảm trên phạm vi toàn thế giới lại đòi hỏi sản phẩm chất lượng nhưng giá phải đảm bảo cạnh tranh cũng là thách thức. Thị trường chứng khoán, bảo hiểm dù đã phục hồi nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, khi hội nhập sâu, dũ rằng đã có nhiều cải cách về thủ tục hành chính tuy nhiên đây vẫn là vấn đề được coi là “rào cản”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu