Mặc dù bất ổn và kinh tế thế giới tiếp tục gây ra những khó khăn nhất định, song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao và khẳng định Việt Nam là điểm đến tốt cho hoạt động đầu tư.
Chỉ số niềm tin kinh doanh được giữ vững
Khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh do Decision Lab thực hiện cho thấy, đa số doanh nghiệp (DN) châu Âu lạc quan vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Kết quả trên được thu thập từ mạng lưới 1.400 thành viên của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). EuroCham ghi nhận, ở góc nhìn dài hạn, gần 70% DN bày tỏ sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới. Sự tự tin này được phản ánh qua tỷ lệ các DN sẽ đề xuất Việt Nam là điểm đến đầu tư. Còn tại thời điểm hiện nay, phần lớn các DN EU nhận thấy sự tích cực về điều kiện kinh doanh, đây là cảm giác ổn định chung. Ông Dominik Meichle - Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết, tiềm năng kinh tế của Việt Nam là không thể phủ nhận và cộng đồng DN châu Âu vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho hay: “Chúng tôi lạc quan về kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm. Vì những dữ liệu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho biết, các DN tiếp tục xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong trung và dài hạn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang diễn ra sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Sự gia tăng cả dòng vốn FDI thực hiện và đăng ký sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước”. Vị này cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực. Lý do, sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài và nhu cầu trong nước cũng như lĩnh vực sản xuất đều hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn. Mục tiêu tăng trưởng chính thức từ 6 – 6,6% có khả năng đạt được. Ông Suan Teck Kin dẫn chứng hàng loạt điều kiện thuận lợi như: lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng trong quý thứ năm liên tiếp; nửa đầu năm 2024, ngành sản xuất đóng góp 29% thị phần.... Đặc biệt, dòng vốn FDI thực hiện vào Việt Nam đạt 10,8 tỷ USD trong 6 tháng so với đầu năm. Trước đó, dòng vốn này từng đạt mức cao kỷ lục 23,2 tỷ USD vào năm 2023.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc. Trong đó, 3 yếu tố chính giúp Việt Nam giữ vững vị trí là điểm đến đầu hàng đầu châu Á như: đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định.
Duy trì tăng trưởng và cải thiện môi trường đầu tư
Dù được các nhà đầu tư ngoại đánh giá cao về khả năng đầu tư trong trung và dài hạn, song để tận dụng tốt các cơ hội, Việt Nam cũng cần khắc phục một số điểm nghẽn hành chính. Đồng thời, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024. Bởi vì theo đánh giá, còn nhiều rủi ro có thể sẽ tác động đáng kể từ bất ổn địa chính trị thế giới cùng với áp lực lạm phát hiện hữu. Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI TPHCM cho rằng, Việt Nam có nền kinh tế mở nên dễ bị tác động bởi lạm phát từ các yếu tố bên ngoài. Ngoài ra, thời gian qua đồng USD tăng giá mạnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhập khẩu. Mặt khác, tình hình địa chính trị thế giới cũng phần nào ảnh hưởng đến kinh tế, lạm phát... trong nước.
Nhìn nhận ở góc độ khác, theo EuroCham, những thách thức pháp lý dai dẳng cản trở tăng trưởng và đầu tư. Các vấn đề chính bao gồm: các quy định mơ hồ được giải thích theo nhiều cách khác nhau; thủ tục hành chính rườm rà; khó khăn trong việc xin giấy phép và phê duyệt; những thách thức về thị thực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài; phê duyệt trùng lặp hoặc không nhất quán giữa các cấp chính quyền. Đại diện EuroCham chỉ rõ điểm nghẽn cụ thể như: giấy phép lao động và thị thực cho người nước ngoài. Theo EuroCham, mặc dù Nghị định số 70 đã được ban hành vào tháng 9/2023 nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp phép lao động và thị thực cho người lao động nước ngoài, nhưng chỉ có 3,3% số người được hỏi cho biết có những cải thiện đáng kể. Trong khi một nửa số người được hỏi cho rằng, có một số tiến bộ thì một phần tư cho thấy không có thay đổi nào.
“Mặc dù cuộc khảo sát chỉ ra những lĩnh vực cần cải thiện, nhưng doanh nghiệp EuroCham tin rằng, bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định. Việt Nam có thể tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng DN châu Âu nói riêng và Việt Nam nói chung” - ông Dominik Meichle tin tưởng.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. 6 tháng đầu năm, DN nước ngoài đầu tư vào 48 tỉnh/thành phố trên cả nước. Tỉnh Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,58 tỷ USD. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ hai với gần 1,54 tỷ USD. Quảng Ninh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,36 tỷ USD. Nếu xét về số dự án, TPHCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 38,8%).