Nhận định của các chuyên gia kinh tế, mặc dù ảnh hưởng nặng của đại dịch Covid-19 cùng với những khó khăn thách thức, nhưng Việt Nam vẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn làm điểm đến hấp dẫn.
Điểm đến đầu tư được ưu tiên
Trong một cuộc khảo sát của Cushman & Wakefield, hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và nhì trong nhóm các thị trường mới nổi. Theo đó, Việt Nam chiếm gần 80% số phiếu bầu cho hai vị trí ưu tiên, tiếp theo là 75% cho Ấn Độ.
Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, những lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô trên toàn cầu đã làm chậm các hoạt động đầu tư từ đầu năm nay. Lãi suất và lạm phát tăng đã khiến nhà đầu tư phần nào “chùn chân” và cẩn trọng xem xét lại các danh mục đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận các nhà đầu tư vẫn tiếp tục triển khai vốn vào những dự án mà họ đã cam kết.
Để hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam, EuroCham mời hơn 1.200 thành viên, đại diện cho hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, cung cấp thông tin cập nhật hàng quý về đánh giá môi trường kinh doanh và đưa ra dự báo tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Kết quả chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) cho thấy, khi lãnh đạo các doanh nghiệp được hỏi về triển vọng kinh doanh của chính doanh nghiệp họ trong quý 4 năm 2022, có 45% trả lời tích cực. Hơn nữa, kỳ vọng kế hoạch đầu tư, đơn đặt hàng và doanh thu vẫn tương đối ổn định so với quý trước.
Đánh giá về chỉ số môi trường kinh doanh, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết: “Kết quả BCI rất đáng khích lệ. Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong hai hoặc ba năm tới, chứng tỏ vị thế của mình là một trong số các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất”. Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp châu Âu và chúng tôi rất vui mừng về triển vọng của đất nước trong trung và ngắn hạn. Thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và cam kết chung về phát triển bền vững, các công ty Việt Nam và châu Âu có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Cải thiện môi trường đầu tư
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần,... của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD. Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, tuy vốn đầu tư đăng ký mới giảm nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Trước đó, Việt Nam ghi nhận một kỷ lục mới với 10,06 tỷ USD vốn từ nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua.
Theo ghi nhận, bất động sản là phân khúc chiếm 26% tổng vốn với các nhà đầu tư hàng đầu đến từ Singapore, Nhật Bản, Đan Mạch, Trung Quốc và Hàn Quốc. Các loại tài sản công nghiệp và hậu cần, khu đất phát triển, khách sạn và văn phòng đang là những “món hàng” được săn lùng bởi các nhà đầu tư.
Bà Trang Bùi cho hay, để gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, chẳng hạn như đường cao tốc và cảng biển quan trọng đối với nền kinh tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng đang được cải thiện nhanh chóng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực logistics - hậu cần ngành công nghiệp.
“Nhờ những nỗ lực trong nhiều năm qua, Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới” – bà Trang Bùi cho biết.
Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam nhằm gọi vốn ngoại, song các nhà đầu tư vẫn mong muốn môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện nhiều hơn. Bàn đến chính sách thu hút vốn ngoại, TS Phan Hữu Thắng – Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiến kế, để đảm bảo việc thực hiện đầu tư hiệu quả, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ hoàn thiện luật pháp, chính sách. Thực hiện rà soát, đánh giá các dự án đang hoạt động, từ đó xây dựng chiến lược, định vị lại lợi thế của Việt Nam. Đặc biệt, chú trọng điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần,... của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD. Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, tuy vốn đầu tư đăng ký mới giảm nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ.