Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết ngay sau tiết học thực nghiệm, GS. TSKH Đỗ Đức Thái- Tổng chủ biên bộ SGK Toán Cánh Diều cho rằng, trong vai trò là nhạc trưởng, nếu để ông trực tiếp đứng lớp tiết học này, kết quả có lẽ cũng không thể tốt hơn được.
Theo ông Thái, lý do là bởi đặt trong bối cảnh cụ thể HS của lớp đó, trường đó đã là như vậy. Quan sát cô giáo, từ đầu đến cuối buổi học, cô giáo nói rất ít mà để HS tự làm. Sau khi HS làm cô phân tích chỗ đúng chỗ sai, sau đó cô “chốt” lại kiến thức.
Cách làm này rất đúng với tinh thần của dạy học phát triển năng lực. Nói một cách ví von, “nghệ sĩ” cô giáo đã hiểu đúng được bản nhạc, đọc đúng và hát đúng. Còn để hay hơn thì đối với một lớp học cụ thể, đã quen với việc học theo chương trình và SGK hiện hành, bây giờ cắt ra một tiết để dạy theo kiểu mới thì chưa thể thật hay được. Nhưng chúng tôi đánh giá như vậy là rất tốt rồi.
PV:Quá trình trao đổi giữa GS, một trong những tác giả của SGK và giáo viên dạy thực nghiệm trước đó ra sao, thưa ông?
GS. TSKH Đỗ Đức Thái: Tất cả trao đổi gói gọn trong khoảng 3 phút trao đổi qua điện thoại về bài học hôm đó. Tôi cũng đề nghị nhà trường không có góp ý, can thiệp gì vào tiết dạy thực nghiệm này. Việc dạy theo đúng tiến trình giờ học, theo đúng thời khóa biểu, HS không hề được học trước bài này nên không có sự “diễn” ở đây. Tổ chuyên môn cũng không trao đổi với giáo viên. Tôi cũng không có hướng dẫn, trao đổi kỹ với giáo viên ngoài mấy phút trên điện thoại. Tất cả nhằm có được cái nhìn chân thật nhất về bài học trong SGK.
Và giáo viên đã đọc được đúng ý của các tác giả, triển khai được một cách tương đối thuận lợi trong giờ học, chứng tỏ bài viết trong SGK rất phù hợp với thực tiễn của nhà trường. Đó là cái quan trọng nhất với các tác giả. Tức là đã viết ra một thứ phù hợp với thực tiễn còn những chi tiết kỹ thuật trong các bản SGK, các giáo án… chỉ là những tiếu tiết.
Được biết, giáo viên và HS ở Trường THPT Tây Hồ, Hà Nội đã tham gia thực nghiệm từ khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Đó là một thuận lợi. Nhưng không phải thầy cô nào cũng có được may mắn này. Nhiều băn khoăn, thắc mắc về SGK thầy cô sẽ không biết tìm đáp án ở đâu khi không được tiếp cận với các tác giả, nhóm biên soạn sách?
- Điều đó tôi khẳng định là không có. Bên cạnh SGK, sẽ có sách giáo viên, có nhiệm vụ giải thích cặn kẽ tất cả những thắc mắc đó. Sách giáo viên có 2 phần là giới thiệu tổng quan về SGK và chương trình lớp 10 môn Toán, phần 2 là hướng dẫn dạy từng bài, giải thích rõ tại sao lại phải như thế này, tại sao lại như thế kia. Chúng tôi đã viết nhưng hiện giáo viên chưa được tiếp cận.
Tôi không biết các bộ SGK khác ra sao còn bộ sách Cánh Diều chủ trương sách giáo viên, các học liệu điện tử là miễn phí. Chúng tôi đăng công khai trên mạng để tất cả mọi người, thầy cô và phụ huynh được đọc.
Lớp 1 hiện nay có cả 1 kho học liệu để các thầy cô muốn vào lúc nào cũng được. Phụ huynh cũng có thể đọc sách giáo viên để hướng dẫn con em mình học.
Theo dõi tiết học thực nghiệm, điểm mới cơ bản tôi quan sát được là sự dẫn dắt, gợi mở của giáo viên đến kiến thức của bài học thay vì đưa ra ngay định lý, phương trình tổng quát, sau đó là đến các ví dụ minh họa. Ông có thể lý giải cách tiếp cận này?
- Sách Cánh Diều hướng tới là bộ sách vì HS. Việc đầu tiên là cuốn sách viết cho HS tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên thay vì viết cho giáo viên đi dạy, ép lên HS là như này, như kia. Các em cứ từ từ học, từ từ kiến tạo nên kiến thức, các thầy cô sẽ điều chỉnh giúp các em kiến thức chỗ nào đúng, chỗ nào sai, chốt lại thành 1 kiến thức hoàn chỉnh.
Thứ 2 là học Toán giúp các em giải quyết các vấn đề của cuộc sống, để sau này kiếm sống chứ không phải học Toán để đi thi. Đó là điểm thay đổi căn bản của cuốn SGK chúng tôi viết. Bạn có thể nhìn thấy các thầy cô giáo rất hồ hởi với các bài toán ứng dụng - những cái đó mất nhiều công sức lắm.
Trân trọng cảm ơn GS!