Trong dòng chảy lịch sử, nghệ thuật múa cũng lắm thăng trầm. Để nghệ thuật múa lan tỏa sâu rộng đang cần những cơ chế, chính sách đầu tư trọng điểm và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực.
Cùng với sự chuyển mình của đất nước, trong những năm qua nghệ thuật múa Việt Nam đã có nhiều đổi thay để phản ánh đúng tinh thần của thời đại. Ở đó, nghệ thuật múa ghi nhận những gương mặt mới, tác phẩm mới với nhiệt huyết và sức trẻ, luôn bám sát hiện thực cuộc sống. Đề tài đã được mở rộng, phong phú về nội dung và phương thức biểu hiện, nhiều tác phẩm đã bắt đầu miêu tả thế giới nội tâm với những góc khuất của con người.
Có thể kể đến một số tác phẩm như kịch múa Đất nước, Đường cày trên nương, Giấc ngủ chưa lành, Nấm báo mưa, tổ khúc múa Ánh sáng tâm hồn, Ballet Kiều… Đây cũng là các tác phẩm đánh dấu sự trưởng thành của thế hệ nghệ sĩ kế tiếp. Một hành trình cách tân, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống để cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia văn hóa, để nghệ thuật múa lan tỏa sâu rộng trong lòng khán giả và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người ra thế giới thì rất cần những cơ chế, chính sách đầu tư trọng điểm, thiết thực hơn nữa cho các tác phẩm, công trình giá trị, những tác phẩm tiêu biểu cho nền nghệ thuật múa nước nhà, và đặc biệt là đầu tư cho nguồn nhân lực múa.
Với tình hình trong nước và quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, khó lường, với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Các nghệ sĩ múa cần luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động, không ngừng học hỏi nâng cao chuyên môn của bản thân, tích cực sáng tạo, sử dụng sức mạnh tự thân của nghệ thuật để miêu tả cho hay, cho sinh động cái mới, cái tốt đẹp và kịp thời phê phán những khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống. Để hoàn thành tốt nhất vai trò của mình, các nghệ sĩ cần đặt mục tiêu hoạt động của mình trong yêu cầu, nhiệm vụ chung của đất nước. Bên cạnh đó, những người làm công tác quản lý nghệ thuật múa cần đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, định hướng, quản lý nhà nước đối với nghệ thuật múa.
Đặc biệt, đội ngũ làm lý luận phê bình múa cũng cần được quan tâm với những chính sách hỗ trợ, động viên một cách thiết thực bởi đối với ngành múa thì lực lượng lý luận phê bình ngày càng rơi vào thiếu và yếu trầm trọng. Theo nhà lý luận phê bình múa Bùi Đình Phiên, hiện nay, hầu hết các nhà lý luận, phê bình múa vẫn là thế hệ gạo cội, chưa tạo được nguồn nhân lực kế cận chuyên môn khiến lĩnh vực nghiên cứu lý luận luôn trong tình trạng khan hiếm bài viết, chưa bắt nhịp được xu thế phát triển và sự năng động, đa dạng của các nhà sáng tác nghệ thuật đương đại.
Bên cạnh đó, gần đây có một số chính sách có thể coi là bất cập, vướng mắc đối với sự phát triển của nghệ thuật, một trong số đó là chính sách sáp nhập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp vào các trung tâm văn hóa. Về mặt cơ cấu tổ chức, đây là một trong những giải pháp nhằm tinh gọn bộ máy, nhưng từ góc độ phát triển nghệ thuật lại gây ra mâu thuẫn giữa môi trường làm việc chuyên nghiệp và môi trường hoạt động nghệ thuật quần chúng. Thu gọn bộ máy đồng nghĩa với việc thiếu hụt nhân lực, thiếu biên chế cho cơ cấu đội ngũ nghệ sĩ của mỗi loại hình trong đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp…
Ngoài ra, vấn đề tổ chức các liên hoan, hội diễn cũng xảy ra không ít chồng chéo. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã và đang phối hợp với tư cách là đơn vị đồng tổ chức với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong các cuộc thi này, song trong khâu tổ chức các cuộc này, thiết nghĩ cần tăng cường phối hợp một cách chủ động, chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị đồng tổ chức thì chất lượng nghệ thuật sẽ được nâng cao và hiệu quả hơn…