Vĩnh biệt GS Hà Văn Tấn: Còn lại tinh anh

PGS.TS Trần Kim Đỉnh (Khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG Hà Nội) 29/11/2019 08:00

Là người cuối cùng còn lại trong nhóm “tứ trụ” của giới sử học nước nhà: “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng), GS Hà Văn Tấn - nhà khoa học vẫn được gọi là Lê Quý Đôn của thế kỷ 20 - vừa vĩnh biệt chúng ta sau gần 20 năm nằm trên giường bệnh.

Vĩnh biệt GS Hà Văn Tấn: Còn lại tinh anh

GS Trần Quốc Vượng, GS Hà Văn Tấn , GS Phan Huy Lê và GS Đinh Xuân Lâm tại lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của cố GS Đào Duy Anh (1904-2004).

22 tuổi hiệu đính và chú giải “Dư địa chí”

Năm 1959, GS Đào Duy Anh - Trưởng Bộ môn Cổ sử Khoa Lịch sử (Đại học Tổng hợp Hà Nội) giao cho trợ lý tập sự Hà Văn Tấn hiệu đính bản dịch “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi. Người dịch là vị túc nho Phan Huy Tiếp… Lúc ấy giảng viên Hà Văn Tấn vừa mới 22 tuổi. GS Đào Duy Anh quả là đã chọn mặt gửi vàng. Không chỉ hiệu đính, GS Đào Duy Anh còn giao cho giảng viên 22 tuổi Hà Văn Tấn viết giới thiệu và chú thích cho quyển sách đó. Năm 1960, NXB Sử học ấn hành sách Dư địa chí. Bản dịch có 38 trang, nhưng “Mấy lời giới thiệu” 12 trang và “Phần chú thích” 114 trang và 5 trang bảng kê các địa danh và tài liệu tham khảo. Đó là công trình đầu tay của GS Hà Văn Tấn mà ông vẫn kể lại: “Nó đã làm tôi lo vã mồ hôi. Phải đọc, dịch sách… đến hoa cả mắt”. Còn GS Phan Huy Lê đã viết: “Tôi còn nhớ trong buổi họp bộ môn, khi nhận xét về công trình này, GS Đào Duy Anh đã nói đại ý: Rất công phu, nghiêm túc, tôi rất hài lòng và tin cậy ở tác giả”.

Tài năng, sự uyên bác và phong cách khoa học của GS Hà Văn Tấn đã bộc lộ, đã định hình từ công trình đầu tay này. Người thầy phát hiện và định hướng tài năng ấy là GS Đào Duy Anh. GS Hà Văn Tấn có lần kể: “Ngày đó có những điểm tôi không đồng ý với GS Đào Duy Anh, thế là tôi cãi luôn, làm thầy có lần mắng tôi là “ngựa non háu đá”. Nhưng thầy không giận, và cái tật của tôi vẫn không sửa được. Tôi chưa làm xong Dư địa chí thì GS Đào Duy Anh đã chuyển khỏi trường. Lúc đi thầy có dặn tôi là lúc nào sách in được, cho thầy một bản. Tôi buồn, xót xa, biết rằng từ nay không còn được thầy trực tiếp dạy bảo nữa”.

Huyền thoại “tứ trụ”

Năm 1997, GS Phan Huy Lê viết: “Cho đến nay, tôi vẫn không biết rõ tự đâu và từ bao giờ ra đời câu nói “Lâm – Lê – Tấn – Vượng”. Dĩ nhiên là từ sinh viên khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi truyền lan rộng ra cả nước. Nhiều nhà Việt Nam học trên thế giới cũng biết điều này”.

“Tứ trụ” Lâm – Lê – Tấn – Vượng là để nói về bốn giáo sư sử học của Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội: GS.NGND Đinh Xuân Lâm, GS.NGND Phan Huy Lê, GS Trần Quốc Vượng và GS.NGND Hà Văn Tấn. Bốn giáo sư đều giảng dạy tại Khoa Sử từ ngày thành lập và trở thành huyền thoại “tứ trụ” cũng từ khoa Sử. Năm 1956, tốt nghiệp cử nhân Sử-Địa, Vượng-Lê-Lâm chiếm bảng tam khôi nên được giữ lại về Khoa Sử làm trợ lý tập sự, còn GS Hà Văn Tấn về Khoa Sử làm trợ lý tập sự từ năm 1957.

Bốn giảng viên đã từng viết chung bài đăng trên báo Thủ đô (tiền thân của báo Hà Nội mới) với bút danh Trần-Hà (Trần Quốc Vượng-Hà Văn Tấn) Lâm-Lê (Đinh Xuân Lâm-Phan Huy Lê). Những công trình đầu tay nhưng đã khẳng định tài năng và phong cách khoa học của các giảng viên tập sự trẻ như: “Đại Việt sử lược” (Trần Quốc Vượng dịch và chú giải. NXB Sử học 1959). “Dư địa chí” (Hà Văn Tấn hiệu đính và chú thích. NXB Sử học 1960”. “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ” (Phan Huy Lê. NXB Sử học 1959)...

Dưới sự chỉ đạo của GS Trần Văn Giàu trong những năm 1958 đến 1962, đã lần lượt cho ra đời bộ giáo trình Lịch sử Việt Nam do các giảng viên trẻ tuổi của Khoa Sử biên soạn và NXB Giáo dục ấn hành. “Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy Việt Nam” (Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn). “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam” (Tập I: Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn. Tập II: Phan Huy Lê. Tập III: Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Vương Hoàng Tuyên, Chu Thiên). “Lịch sử cận đại Việt Nam” (3 tập : Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Đặng Huy Vận). Đó là những bộ giáo trình chính thức được giảng dạy trong các trường đại học, là “Tủ sách Đại học Tổng hợp” lúc đó và được giới sử học đánh giá cao.

GS Phan Huy Lê từng kể: “Tôi thầm cảm ơn các thầy đã tin cậy, mạnh dạn giao nhiệm vụ cho lớp trẻ và nghĩ cũng thật liều lĩnh khi với cương vị “trợ lý tập sự” mà dám nhận những công việc quá sức như vậy. Bộ sách cũng đã làm tròn nhiệm vụ của nó trong thời kỳ những năm 1960-1970. Hoàn cảnh và nhiệm vụ đòi hỏi chúng tôi phải vượt lên những khả năng bình thường vốn có để hoàn thành trách nhiệm của mình”.

Nửa cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20, một tờ tạp chí ở Canada có nhận xét rằng: Trong những gương mặt của Khoa Sử ở Đại học Tổng hợp Hà Nội thì Phan Huy Lê là người rất chắc, Hà Văn Tấn là người rất sâu, và Trần Quốc Vượng là người rất sắc”.

Bốn giáo sư “tứ trụ” của nền sử học là những người đi đầu và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới tư duy sử học của nền sử học Việt Nam đương đại. Năm 2000, GS Hà Văn Tấn trở thành người đầu tiên trong nhóm “tứ trụ” nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình: “Theo dấu các văn hóa cổ”, cùng đợt với GS Đào Duy Anh và GS Trần Đức Thảo. 10 năm sau - năm 2010, GS Trần Quốc Vượng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình: “Văn hóa Việt Nam: tìm tòi và suy ngẫm”, “Việt Nam cái nhìn địa văn hóa”, “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật’’. Năm 2017, GS Phan Huy Lê nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam - tiếp cận bộ phận”… Còn năm 1988, GS Đinh Xuân Lâm là người đầu tiên của nhóm “tứ trụ” được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Những ngày tháng cuối cùng

Hôm 16/8/2019, bộ môn Lý luận Sử học (LLSH) (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) đến nhà riêng của NGND, GS Hà Văn Tấn thăm và mừng sinh nhật thầy. GS Hà Văn Tấn là người sáng lập Bộ môn LLSH, chuyên ngành đầu tiên nghiên cứu và giảng dạy lý thuyết và phương pháp nghiên cứu lịch sử trong hệ thống đại học Việt Nam. Ông đồng thời là người thầy đầu tiên của chúng tôi, những người trước đó không hề được đào tạo bài bản về lĩnh vực này.

Thầy bị một cơn đột quỵ vào ngày 18/4/2001. Gần 20 năm qua, người thầy của chúng tôi phải chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo. Thầy may mắn có được người bạn đời lớn, người đã tự biến mình thành bác sĩ của chồng. Nhờ sự chăm sóc tận tâm, chu đáo hết mình của bà, thầy được bình an.

Những năm trước, thầy ngồi xe đẩy tiếp chúng tôi. Tuy rằng phải bút đàm, thầy vẫn tỉnh táo, sáng suốt và không quên một ai trong bộ môn. Chúng tôi kể lại những kỷ niệm đẹp đẽ, những năm tháng gian khó một thời... Khi chúng tôi xin phép ra về, bao giờ thầy cũng xúc động ứa nước mắt, khiến chúng tôi không cầm được lòng mình.

Năm nay, tình trạng sức khỏe của thầy kém đi nhiều lắm. Thầy nằm trên giường, bất động, chỉ đôi mắt mở to, tinh anh. Tôi biết thầy vẫn nhận ra các học trò.

Khác mọi năm, lần này khi chia tay, chúng tôi không được thầy mình tiễn bằng những giọt nước mắt thương yêu. Thầy chúng tôi yếu lắm rồi!

Đêm 27/11, thầy tôi mất! Vĩnh biệt thầy!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vĩnh biệt GS Hà Văn Tấn: Còn lại tinh anh