Trong phiên đối chất sáng 26/8, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đã tuyên bố: Ngân hàng Xây dựng có trách nhiệm phải hoàn trả lại số tiền 5.190 tỷ đồng cho bà Bích.
Bị cáo Phạm Công Danh.
Ngân hàng Xây dựng phải trả tiền cho bà Trần Ngọc Bích
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng: Căn cứ trên những tài liệu trong hồ sơ cho thấy việc nhóm bà Trần Ngọc Bích có cầm cố 124 sổ tiết kiệm là có thật.
Nhóm này vay 5.190 tỷ và số tiền sau khi vay này được cất giữ trong tài khoản đứng tên bà Bích ở Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Trong quá trình quản lý, Ngân hàng Xây dựng đã để Phạm Công Danh chuyển tiền từ tài khoản nọ sang tài khoản kia không có chữ ký của chủ tài khoản. Đây là hành vi trái pháp luật. Vì vậy, VNCB phải chịu trách nhiệm.
Đại diện Viện kiểm sát tuyên bố: Với hành vi này, VNCB sẽ phải trả lại số tiền 5.190 tỷ vào tài khoản bà Bích.
Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử giải tỏa kê biên 124 sổ tiết kiệm và giao cho Ngân hàng CB (tên mới của Ngân hàng Xây dựng) thực hiện theo đúng quy định.
Bị cáo Phạm Công Danh và các bị cáo sai phạm về hạch toán kế toán, gây thiệt hại cho Ngân hàng xây dựng 5.190 tỷ là hoàn toàn có cơ sở.
Cũng trong sáng 26/8, trước phiên đối đáp, bà Trần Ngọc Bích đã xin phát biểu và đề nghị Viện Kiểm sát nêu rõ các luận điểm để các bên tranh luận, đối chất, tránh tình trạng tranh luận kiểu tù mù, đánh tráo khái niệm. Bà Bích đề nghị tranh luận từng vấn đề, không tranh luận chung chung.
Tuy nhiên, đề nghị tranh luận rõ từng vấn đề này sau đó không được Hội đồng xét xử chấp thuận.
Ở phần đối đáp với đại diện Viện kiểm sát, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, bảo vệ cho nhóm Trần Ngọc Bích đã hoan nghênh tuyên bố của đại diện Viện kiểm sát về việc yêu cầu VNCB phải bồi thường cho bà Bích.
Luật sư Uyên nói thêm: “Khi tiền ở trong tài khoản của bà Trần Ngọc Bích, Ngân hàng có trách nhiệm quản lý.
Nếu để mất mát, VNCB phải chịu trách nhiệm. Cũng như chúng ta đi gửi xe, chúng ta không có trách nhiệm quay lại bãi xe xem xe mất hay không. Nếu xe mất thì người trông xe đương nhiên phải chịu trách nhiệm".
Đại án Phạm Công Danh đang bỏ lọt người, lọt tội?
Luật sư của bà Hứa Thị Phấn đã chứng minh Phạm Công Danh biết rõ tình trạng của Ngân hàng Đại Tín trước khi mua.
Các thông tin về Ngân hàng Đại Tín thậm chí còn được đưa vào Đề án tái cơ cấu ngân hàng của Phạm Công Danh gửi cho Ngân hàng Nhà nước.
Nội dung vụ án cho thấy, Phạm Công Danh chủ ý mua Ngân hàng Đại Tín để rút tiền chứ không phải để tái cơ cấu.
Để sở hữu 84% cổ phần Ngân hàng Đại Tín, để tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng để trả nợ đã vay trước đó, Phạm Công Danh lập các hồ sơ vay khống, Hợp đồng khống thuê trụ sở, Hợp đồng khống nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin ... rút ra hơn 18.000 tỷ đồng.
Ngoài những mục đích rõ ràng như mua cổ phần cho cá nhân, trả nợ đã vay trước, thì hơn 4.000 tỷ đồng không xác định được Phạm Công Danh sử dụng vào việc gì, mang đi đâu.
Bản chất vấn đề là Phạm Công Danh chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Xây Dựng.
Tiền của Ngân hàng Xây Dựng đã dịch chuyển sang Phạm Công Danh, trở thành tài sản của Phạm Công Danh, trở thành cổ phần của Phạm Công Danh, được sử dụng cho các mục đích cá nhân của Phạm Công Danh.
Theo quy định của pháp luật, lừa đảo là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tàisản của người khác. Hình phạt cao nhất dành cho tội lừa đảo là chung thân.
Hành vi của Phạm Công Danh là gian dối: Hợp đồng khống, hồ sơ vay khống, phương án vay không có thật, mục đích vay không đúng, tài sản thế chấp bị nâng giá ...
Tuy nhiên, thực tế Phạm Công Danh chỉ bị truy tố về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm các quy định về cho vay”. Các tội danh này có mức hình phạt nhẹ hơn nhiều so với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đề nghị của Viện kiểm sát, Phạm Công Danh chỉ bị đề nghị mức án 30 năm tù cho tất cả các hành vi của mình.
Còn nếu bị buộc thêm tội lừa đảo, Phạm Công Danh khó thoát được án chung thân.
Điều bất ngờ là chính Ngân hàng Xây Dựng, nay đã thuộc sở hữu Nhà nước, đơn vị bị Phạm Công Danh chiếm đoạt tài sản, không có ý kiến gì về hành vi chiếm đoạt của Phạm Công Danh.
Nếu hành vi của Phạm Công Danh không phải là chiếm đoạt tài sản, thì như thế nào mới là chiếm đoạt? Vụ án này có tạo ra tiền lệ để phát sinh những “Phạm Công Danh mới”, lấy tiền vô tội vạ, ăn tiêu vô tội vạ nhưng không bị kết tội chiếm đoạt.
Phạm Công Trung, em trai Phạm Công Danh, là người trực tiếp lập các hồ sơ vay khống, trực tiếp sử dụng tiền vay, giúp sức cho Phạm Công Danh cũng không bị xử lý trong vụ án này. Dù trước đó, Cơ quan điều tra đã có quyết định khởi tố Phạm Công Trung.
Liệu đại án Phạm Công Danh có bỏ lọt tội phạm?